Đón Tết Dương lịch 2017 nhớ lời chúc “Cần, kiệm, liêm, chính” của Bác Hồ

30/12/2016 | 07:24 GMT+7

Từ khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, mỗi lần đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Bác Hồ đều có Thư chúc mừng năm mới và Thơ chúc Tết gửi đến đồng bào - bao gồm cả kiều bào ta ở nước ngoài - cán bộ, chiến sĩ, các bậc phụ lão và thanh niên, nhi đồng. Người chúc năm mới vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết, tiến bộ, lập nhiều thành tích mới trong kháng chiến và kiến quốc. Chúng ta đã đón nhận, học tập nhiều về những lời chúc Tết của Bác. Ở đây, xin ôn lại và đi sâu thêm về lời chúc cần kiệm liêm chính, chống tham nhũng, lãng phí của Người.

Tết Bính Tuất (1946) là Tết độc lập đầu tiên sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp thống trị. Ngay trong Tết độc lập này, Bác đã chúc mừng và kêu gọi mọi người rèn luyện đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính”, thực hành tiết kiệm, bỏ thói xa hoa. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết sắp đến, Người nêu 5 việc phải làm mà việc thứ 2 là: “Phải siêng học, siêng làm, phải tiết kiệm”. Trên báo Tiếng gọi Phụ nữ số Xuân Bính Tuất, Người có bài thơ, xin trích mấy câu:

Lại phải kiệm ước

Bỏ thói xa hoa

Tiền của dư ra

Đem làm việc nghĩa

Cần, kiệm, liêm, chính

Giữ nước vẹn mười                                          

Tức là những người                                         

Sống “Đời sống mới”

 

Ngày 19-12-1946, Bác Hồ phát động toàn quốc kháng chiến. Tết Đinh Hợi (1947) là Tết kháng chiến đầu tiên. Bác viết trong Lời kêu gọi nhân ngày Tết Nguyên đán năm 1947 như sau: “…Tết năm nay phải là Tết kháng chiến. Chiến sĩ ở tiền phương đang chịu đói chịu rét, xông pha bom đạn, đem xương máu để giữ gìn Tổ quốc, để bảo vệ cho đồng bào hậu phương được an toàn/ Đồng bào các chiến khu thì nhà tan của mất, lưu lạc, tản cư, ăn đói mặc rét, cực khổ điêu linh/ Trước tình trạng đó, đồng bào các nơi khác có nỡ lòng ăn Tết linh đình không?/ Chắc chắn là không!”. Người kêu gọi đồng bào thực hiện 4 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ số 1 là: “Phải hết sức tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo, cho cuộc kháng chiến lâu dài”(1).                     

Ngày 1-1-1949, Bác Hồ có Thư chúc mừng năm mới nêu các nhiệm vụ sẽ làm sang năm mới; trong đó, Người nhấn mạnh: “Các cán bộ thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính”.

Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 1-1-1955, trong Diễn văn chúc mừng năm mới đọc tại buổi lễ mừng Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô, Bác nêu những công việc phải làm nhằm mục đích củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, gồm: Kiên quyết thi hành hiệp định đình chiến; ra sức khôi phục lại kinh tế; ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, củng cố quốc phòng; tiếp tục vận động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng. Người nhấn mạnh: “Để làm những công việc trên đây, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi, chúng ta phải chống tham ô, lãng phí. Chúng ta bồi dưỡng đạo đức cần kiệm, liêm chính”. Tết Ất Mùi (1955), Bác có câu đối tết mà Người gọi là câu đối tết nôm na: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ - Tam dương khai thái/ Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm - Ngũ phúc lâm môn”(2). Như vậy, Bác xem rèn luyện đạo đức, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nội dung quan trọng của cách mạng, là điều kiện không thể thiếu được để người cán bộ hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tết Đinh Dậu (1957), trong Thư chúc Tết, Bác Hồ viết: “Sang năm mới, khẩu hiệu của chúng ta về kinh tế là: Tăng gia sản xuất/ Thực hành tiết kiệm/ Nâng cao ý thức tự lực cánh sinh/ Nhằm cải thiện dần mức sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta.

Những tết sau đó, Bác cũng nhiều lần nhắc đến “tiết kiệm”. Đặc biệt, Tết Canh Tý (1960), Bác có bài mừng Tết Nguyên đán như thế nào, nhắc nhở cán bộ phải làm gương và hướng dẫn nhân dân ăn tết vui vẻ, tiết kiệm. Bài báo kết thúc bằng mấy câu thơ lẩy Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân

Theo Bác, tiết kiệm khác với hà tiện, bủn xỉn. Người nói: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là xem đồng tiền bằng cái nống, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải tiêu cực”(3).

Như vậy, kêu gọi cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nội dung quan trọng chứa đựng trong toàn bộ Thư và Thơ chúc mừng năm mới của Bác Hồ. Nó là bộ phận hợp thành trong hệ thống tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Từ khi mở lớp huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) đến khi qua đời, lúc nào Bác Hồ cũng xem giáo dục đạo đức cách mạng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Có thể kể ra đây một số tác phẩm lớn đề cập vấn đề này: Tư cách một người cách mệnh trong cuốn Đường Cách mệnh (1927), Sửa đổi lối làm việc (1947), Cần kiệm liêm chính (1949), Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu (1952), Đạo đức cách mạng (1955, 1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969), Di chúc. Đặc biệt, cuộc đời, tấm gương Hồ Chí Minh là một bài học vĩ đại, một biểu tượng cao đẹp để toàn Đảng, toàn dân học tập, noi theo.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã đánh giá tình hình và nguyên nhân, nêu mục tiêu, quan điểm, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết nói rõ sự thật: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”(4). Điều này một lần nữa cho thấy những cảnh báo liên tục của Bác Hồ lúc sinh thời về nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu là sáng suốt, đúng đắn và cần thiết của bậc lãnh tụ thiên tài.

Theo thông lệ, mừng năm mới, người ta chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Mỗi lần Xuân đến, Bác chúc mọi người những điều tốt đẹp nhất. Bác chúc cán bộ, đảng viên được cần kiệm, liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, quan liêu; đó cũng là những điều tốt đẹp nhất. Cám ơn Bác và mong lời chúc của Bác đến với mọi người - nhất là cán bộ, đảng viên, người đầy tớ của nhân dân - trong năm mới 2017 này!

TRẦN THƯ TRUNG

-------------

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 15

(2) Tam dương chỉ tháng giêng vì tháng giêng thuộc quẻ Thái có ba hào dương. Tam dương khai thái nghĩa là: Tháng giêng mở ra sự hanh thông trong cả năm. Ngũ phúc, theo quan niệm của người Việt Nam, gồm: Phú, quý, thọ, khang, ninh. Ngũ phúc lâm môn nghĩa là: Năm phúc lớn đến nhà.

(3) Sđd, tập 6, tr. 485

(4) Tuổi Trẻ Online, 9g30 ngày 12-11-2016

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>