Đôn đốc việc giám sát để khiếu nại, tố cáo không chìm vào im lặng

09/03/2016 | 14:09 GMT+7

Ngày 8-3, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở cơ sở năm 2015.

Chương trình được ký kết giữa 5 cơ quan, tổ chức đã phát huy được vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phát huy tốt chức năng giám sát và phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên, đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Hoạt động giám sát của các đoàn giám sát liên ngành ở Trung ương và địa phương đối với một số vụ việc tồn đọng, kéo dài tại cơ sở được thực hiện nghiêm túc, qua giám sát đã phát hiện những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết KNTC.

Cụ thể trong năm 2015, Đoàn giám sát liên ngành đã tiến hành giám sát việc giải quyết khiếu nại về việc thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh đối với các công dân Trần Thị Dung, Trần Thị Lan, Trần Thị Lợi trú tại huyện Tân Biên; giám sát việc giải quyết KNTC trong công tác quản lý và phát triển chợ tại Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội và Thanh Hóa; giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử 5 bị cáo Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Việt Sơn, và Đặng Văn Tuyên trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn 6, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang....

Đặc biệt, liên quan đến vụ án 5 bị cáo Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Việt Sơn, và Đặng Văn Tuyên trong vụ án hình sự xảy ra tại thôn 6, xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2012 đã có 13 phiên xử được mở ra tiếp theo nhưng có tới sáu phiên xử bị hoãn, bảy phiên xử tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra vẫn không làm rõ được các yêu cầu của tòa. Các bị cáo vẫn liên tục kêu oan. Trong phiên tòa thứ 14, TAND tỉnh Tuyên Quang lại trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung. Trước tình hình đó, từ ngày 12-8 đến ngày 14-8-2015, Đoàn giám sát liên ngành đã tiến hành giám sát vụ việc trên tại tỉnh Tuyên Quang. Qua giám sát, đoàn đã phát hiện một số thiếu sót, sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Từ đó, đoàn kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có ý kiến để đề nghị các cơ quan Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao chỉ đạo Công an tỉnh Tuyên Quang và Công an huyện Hàm Yên, Viện KSND tỉnh Tuyên Quang và Viện KSND huyện Hàm Yên, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang rút kinh nghiệm, kiểm điểm những thiếu sót, vi phạm trong quá trình tiến hành tố tụng. Đoàn cũng đề nghị Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn luật sư Việt Nam có ý kiến chỉ đạo Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, Hội Luật gia tỉnh Tuyên Quang, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang quán triệt, chỉ đạo các thành viên chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động bào chữa trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định pháp luật.

Năm 2016, các cơ quan tham gia chương trình sẽ tập trung tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về pháp luật KNTC nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình. Đồng thời, tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn pháp lý cho nhân dân. Ngoài ra, các bên tham gia chương trình sẽ phối hợp lựa chọn một số vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài, vượt cấp, đông người, phức tạp, “điểm nóng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích chính đáng của công dân để xem xét, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý, giải quyết. Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC  và giải quyết, xử lý kịp thời những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị năm 2016, ở Trung ương lựa chọn từ 1 đến 2 vụ việc có ý nghĩa trong cả nước để tiến hành giám sát. Tại địa phương, Mặt trận các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan, chọn một vụ việc bức xúc để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai giám sát. Trong chương trình giám sát năm 2016, Ban Chỉ đạo cần có đầu mối để tiếp tục đôn đốc, theo dõi kết quả đã giám sát để các vụ việc không chìm vào im lặng.

Theo PHAN THẢO/sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>