Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc

07/09/2016 | 07:27 GMT+7

Thời gian qua, nhờ chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước đã góp phần giúp cho đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Mỹ ngày một ấm no, đủ đầy hơn.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước mà đời sống của bà con Khmer ở ấp 10, xã Lương Nghĩa ngày càng ổn định.

Ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, ông Danh So không chỉ được biết đến là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp gương mẫu, mà còn là một trong những nông dân Khmer tiêu biểu, với quyết tâm làm giàu từ chính mảnh ruộng của mình.

Ông Danh So cho biết: “Thời gian qua, nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hạ giá thành, thích ứng với vùng đất phèn mặn, tăng năng suất như: sạ thưa, sạ hàng, bón phân cân đối, tiết kiệm nước… Từ đó giúp năng suất lúa của bà con nơi đây, trong đó có 1ha ruộng của gia đình tôi cải thiện rõ rệt, với mức bình quân các vụ lúa trong năm đạt khoảng 6-7 tấn/ha”.

Ngoài canh tác lúa, hàng năm gia đình ông Danh So còn nuôi thêm 2 con trâu và xuất bán trâu thịt vào dịp cuối năm nhằm tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Mặt khác, ông còn tận dụng diện tích đất xung quanh nhà trồng rau để bổ sung dưỡng chất cần thiết vào bữa ăn cho gia đình mà không cần phải mua ngoài chợ. Từ việc chí thú làm ăn, biết tích cóp nên mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.

Khi đã nhẹ gánh về kinh tế, ông Danh So tập trung chăm lo việc học hành của con, cháu tốt hơn. “Trước đây do hoàn cảnh khó khăn, bản thân không được học bao nhiêu nên giờ tôi quyết tâm lo cho con, cháu ăn học đến cùng để tương lai được tươi sáng”, ông Danh So chia sẻ.

Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành nên không riêng gì gia đình ông Danh So mà hầu hết người dân thuộc đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Mỹ nói chung, tại ấp 10, xã Lương Nghĩa nói riêng đều chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Điển hình như trường hợp của anh Danh Điều. Do là hộ nghèo nên khoảng 5 năm trước, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 3 con trâu để tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ngoài đi làm thuê, anh luôn tranh thủ thời gian rảnh cắt cỏ cho trâu ăn. Nhất là hàng năm, anh thường bán trâu thịt khi trâu cái đã sinh sản, với nguồn thu nhập từ 14-15 triệu đồng/lần.

Anh Danh Điều bộc bạch: “Mặc dù gia đình chưa thoát nghèo nhưng cuộc sống giờ đây đã ổn định hơn trước rất nhiều. Điều tôi mừng nhất là đứa con gái lớn đang học tại trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh được miễn hoàn toàn tiền học phí, cũng như đảm bảo có chỗ ăn, ở đàng hoàng… Tôi đang cố gắng lao động để phấn đấu thoát nghèo trong thời gian sớm nhất”.

Những ngày đầu tháng 9 này, bà con Khmer chung xóm với ông Danh So, Danh Điều ngoài chuyện phấn khởi vì kinh tế gia đình đang dần ổn định thì họ rất vui mừng khi tuyến đường từ đầu lộ chính vào trong xóm đã đưa vào sử dụng cách nay khoảng một tháng. Trong đó, gia đình ông Danh So có nhiều đóng góp và tích cực tham gia vào công tác vận động bà con chung tay xây dựng tuyến đường khang trang, với chiều dài hơn 1km, rộng 2,5m.

Theo lời kể của bà con nơi đây, hồi trước, do mặt lộ đất nên mùa mưa đi lại rất khó khăn, lầy lội. Hàng hóa nông sản làm ra chủ yếu phục vụ gia đình vì đường đi lại khó khăn nên không thể mang ra chợ bán, chưa kể là gây trở ngại cho nhiều người khi ốm đau, bệnh tật đến khám tại trạm y tế xã. Nhưng vất vả nhất là việc đến trường hàng ngày của các em học sinh, bởi vào những ngày mưa bão kéo dài, các em phải thức dậy sớm để đến lớp cho kịp thời gian. Bây giờ nhìn các em ríu rít tiếng cười đến trường trên tuyến đường mới khang trang mới thấy được hết ý nghĩa của công trình giao thông quan trọng này.

Ông Huỳnh Hoàng Đệ, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, thông tin: Thời gian qua, bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Lương Nghĩa luôn nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình họ. Điển hình trong số này là địa phương vừa khánh thành và đưa vào sử dụng 2 tuyến lộ nông thôn tại ấp 10, tổng chiều dài 1,9km, với kinh phí hơn 1 tỉ đồng, từ nguồn vốn của Chương trình 135. Qua đây, không những tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đi lại, phát triển sản xuất cho bà con mà còn góp phần làm đổi thay mạnh mẽ đời sống cho địa bàn có đông đồng bào Khmer của xã…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>