Đổi thay ở ấp đặc biệt khó khăn

25/03/2016 | 07:16 GMT+7

Ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, là một trong những ấp có nhiều người dân tộc Khmer đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chương trình, dự án nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có nhiều thay đổi.

Nông thôn khoác áo mới

Đi trên tuyến đường Hàng Bần, dài trên 1.700m vừa mới hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2016, ông Nguyễn Sơn Tùng, Bí thư Chi bộ ấp 4, nói: “Ngày khánh thành tuyến đường này, bà con ở đây vui như mở hội. Bởi đây là mong mỏi bấy lâu nay của bà con, giúp đi lại dễ dàng, giao thương thuận lợi”.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, nên gia đình anh Danh Bảo thoát nghèo.

Trước đây, tuyến đường này được thảm nhựa, nhưng đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2, tuyến đường được đầu tư xây dựng lại với tổng kinh phí trên 1,6 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 500 triệu đồng.

Đến nhà ông Danh Chul cũng là lúc ông mới đi chợ về. Ông Chul cho biết: “Từ đây ra chợ Xà Phiên khoảng 5km, nhưng lúc trước do đường sá hư hỏng nên mất khoảng 20 phút, nay đường thông thoáng, chỉ mất khoảng 10 phút là tới chợ rồi. Bây giờ đường sá khang trang, có khi xe hàng bông đến tận nhà bán, khỏi đi chợ, sướng lắm!”.

Không chỉ có tuyến đường trên, hơn 2 năm qua, ấp 4 còn được xây dựng 4 cầu bê tông, 3 tuyến đường khác, tổng chiều dài trên 5.000m. Ấp còn vận động nhân dân sửa chữa, giặm vá trên 6.500m đường xuống cấp. Hiện nay, các tuyến đường chính trên địa bàn ấp đều đi lại dễ dàng kể cả mùa mưa. “Điều chúng tôi vui mừng nữa là hiện nay, 100% hộ dân ở ấp có điện sử dụng, trong đó 99,7% hộ sử dụng điện an toàn; 100% hộ được công nhận gia đình văn hóa…”, ông Tùng cho biết thêm.

Thay đổi cách nghĩ…

Toàn ấp 4 có gần 490 hộ đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 62% tổng số hộ. Những năm qua, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào giảm đáng kể. Theo lãnh đạo ấp này, nếu đầu năm 2015, ấp có 230 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, thì cuối năm còn 197 hộ. Đó là hiệu quả của việc áp dụng nhiều chương trình, dự án vào sản xuất dành cho đồng bào; đặc biệt ý thức tự vươn lên thoát nghèo của họ có những chuyển biến rất tích cực.

Đang chăm sóc đàn heo, với 2 con heo nái và trên 10 con heo thịt, anh Danh Bảo vui vẻ nói: “Bây giờ chăn nuôi mà không áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật thì rất khó lấy lại vốn, nói chi kiếm lời. Hàng năm, tôi nuôi 2 con heo nái, nhưng biết áp dụng tiến bộ khoa học nên lời trên 30 triệu đồng”.

Cách làm của anh Bảo là từ 2 con heo nái ban đầu, mỗi năm đẻ 2 lứa, trung bình mỗi lứa 10 con, anh để lại nuôi và một phần để bán. Đặc biệt, anh Bảo biết nắm bắt nhu cầu của thị trường nên tranh thủ thụ tinh nhân tạo cho heo, mỗi lần xuất bán đều có giá hơn so với người nuôi trong xóm. Năm 2015, gia đình anh còn mua một cặp trâu trị giá 45 triệu đồng. “Từ cặp trâu này tôi sẽ nhân giống để bán kiếm thêm thu nhập. Nuôi trâu không tốn nhiều chi phí, chỉ cần bỏ công sức cắt cỏ cho ăn là được”, anh Bảo cho biết.

Đó là một trong nhiều trường hợp đồng bào Khmer trên địa bàn ấp 4 mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và vươn lên thoát nghèo, khá giả. Để tạo điều kiện cho đồng bào Khmer phát triển sản xuất, lãnh đạo xã luôn tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho đồng bào vay vốn,… và phần lớn các hộ đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Long Mỹ, hiện toàn huyện có 10 ấp đặc biệt khó khăn. Những năm qua, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã về tới ấp nghèo, ấp đặc biệt khó khăn nên bộ mặt nông thôn, đời sống người dân có nhiều đổi khác. Phòng Dân tộc huyện sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đào tạo nghề, mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con học tập, áp dụng vào sản xuất để xây dựng cuộc sống gia đình thêm phát triển, tiến bộ.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>