Xây dựng con người Hậu Giang

“Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”

12/12/2016 | 08:58 GMT+7

Trong cuộc họp tổng kết cuối năm vừa qua của Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã lưu ý ngành chức năng cần có kế hoạch xây dựng người Hậu Giang: “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”, một đề nghị rất cần thiết và được dư luận đồng tình.

Nhưng tại sao lại xây dựng con người Hậu Giang với 4 thành tố chính “đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”, mà không phải là những thành tố khác?... 

Chắc ai cũng rõ, gần 13 năm Hậu Giang thành lập, cũng là ngần ấy thời gian Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã đồng cam cộng khổ, cùng nhau chia sẻ, gắn bó, để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Hậu Giang đã từng là vùng trũng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trũng trong phát triển kinh tế, trong giáo dục và nhiều lĩnh vực khác, vì điểm xuất phát thấp, nhưng nay đã khác. Nói về Hậu Giang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Thanh Vận có lần chia sẻ: “Một vùng đất đã gánh chịu biết bao nhiêu bom đạn, từng tên đất, tên xóm nơi đây đều gắn với sự kiên cường, chiến đấu và bảo vệ cách mạng hết lòng của người dân. Sau ngày chia tách, Hậu Giang khó khăn không kể hết, vậy mà nay đã vươn lên như một hiện tượng của vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Rõ ràng, tất cả những sự phát triển đó đều bắt nguồn từ một nguyên nhân quan trọng là tinh thần đoàn kết. Đoàn kết đã tạo nên sức mạnh, tạo dựng được niềm tin của Đảng với dân.

Còn nhớ sau ngày Hậu Giang được thành lập, hầu như tất cả trụ sở đều tạm. Khách phương xa đến Hậu Giang đều biết Hậu Giang nghèo, nhưng không ngờ những trụ sở các cơ quan công quyền đều quá… bình thường, các hội, đoàn thể ở nhà mướn để làm việc, cả một thời gian rất dài như thế, nhưng khi đó lãnh đạo tỉnh không chú trọng vào việc xây dựng trụ sở mới, mà lại lo cho dân, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hạ tầng giao thông nông thôn… Vì sao vậy?, vì đất nghèo nên lo cho dân trước là chuyện phải làm và nên làm, để hàn gắn lại vết thương chiến tranh cho lành, cũng là trả nghĩa với người dân đã đùm bọc, bao che và hết lòng vì cách mạng ở Hậu Giang. Đó chính là nghĩa tình.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh chia sẻ rằng: “Đoàn kết, nghĩa tình thì rõ rồi, còn thủy chung không phải chỉ là tình cảm vợ chồng, mà thủy chung ở đây chính là sự có trước, có sau, đó là sự trân trọng và phát huy những thành quả mà các thế hệ lãnh đạo trước đó đã gầy dựng và để lại cho chúng ta”.

Gần 13 năm qua, Hậu Giang luôn chứng tỏ được sự vươn lên năng động của mình, từ một tỉnh nghèo, còn lắm khó khăn, Hậu Giang đã bứt phá, trở thành tỉnh đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long có một đơn vị cấp huyện, là số ít tỉnh, thành trong cả nước xóa “xã trắng” trường mầm non, mẫu giáo, hoàn thiện hệ thống y tế ở cơ sở... chính sự năng động đã tạo nên biết bao nhiêu thành tựu mang tính đột phá.

Mong muốn xây dựng con người Hậu Giang trong giai đoạn mới cũng chính là biểu hiện của sự trọng dân, hết lòng vì nhân dân của lãnh đạo tỉnh nhà và Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh yêu cầu ngành văn hóa tham mưu, đề ra kế hoạch thực hiện, làm bảng treo tại nhà văn hóa, phòng truyền thống, trụ sở về 4 nội dung trên…

Việc xây dựng con người Hậu Giang cần cả một quá trình và còn nhiều điều phải làm, nhưng có thể thấy 4 thành tố nêu trên là phù hợp, vì trong đoàn kết, có cái nghĩa, cái tình, trong nghĩa tình có sự thủy chung, còn sự năng động trong xây dựng con người Hậu Giang sẽ là nền tảng quan trọng để đưa Hậu Giang vươn lên trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020 theo như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

BÁ PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>