Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh:

Điểm hẹn lịch sử của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

18/07/2016 | 11:00 GMT+7

LTS: Cách đây tròn nửa thế kỷ, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã vang lên “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Trong lời kêu gọi lịch sử ấy, có câu nói nổi tiếng và đã trở thành chân lý của mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước” (17-7-1966  - 17-7-2016) cũng vào dịp tháng 7 tri ân các anh hùng, liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM. Bài viết nêu rõ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng, là lẽ sống của dân tộc Việt Nam. Người dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Không có sự ác liệt nào, không có kẻ thù nào có thể “dập tắt” được khát vọng từ ngàn đời đó của dân tộc Việt Nam. Lịch sử càng lùi xa, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh cách mạng và cả tầm nhân văn cao cả của Người.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 thấy nặng trĩu chiến tranh, không ai hiểu giá trị của độc lập hơn người dân mất nước, không ai hiểu giá trị của tự do hơn những người đang sống trong cảnh nô lệ và khát vọng độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con tiêu biểu của dân tộc Việt Nam khái quát nên thành chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đó không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống của dân tộc Việt Nam, người dân Việt Nam sẵn sàng đánh đổi tất cả để giành lấy độc lập, tự do. Độc lập, tự do mãi khắc ghi trong tâm trí của mỗi người, tựa như những giọt tâm hồn, cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha, khiến những người con chân đất quần nâu mà làm nên lịch sử, đem máu xương của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc. Lịch sử càng lùi xa ta càng thấy giá trị lời của Bác “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là thể hiện cả khí phách anh hùng, bản lĩnh cách mạng và tầm nhân văn cao cả của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bác Hồ với các thiếu nhi dũng cảm miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1969.

Dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh, nhưng buộc phải cầm súng. Dân tộc Việt Nam dồn tất cả tâm sức của mình để thu non sông về một mối. Cuộc chiến diễn ra ngày càng ác liệt, chính vì thế hy sinh, mất mát và đau thương cũng ngày càng lớn. Đồng hành cùng những tin vui thắng trận là hình ảnh những bàn tay chai sần, khô ráp run run vuốt thẳng tờ giấy báo tin buồn mà mắt cứ nhòe đi. Cho đến ngày toàn thắng, khi cả dân tộc hướng về điểm hẹn lịch sử, thành phố Sài Gòn - Gia Định, thì vẫn còn biết bao người lính đang nằm đâu đó trên đường hành quân mà chưa biết đến bao giờ mới được “về nhà” của mình. Đau thương đến tột cùng, nhưng vô cùng oanh liệt và đó chính là minh chứng sắc nét nhất cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà mỗi người Việt Nam luôn khắc ghi trong lòng.

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của vùng đất Nam Bộ, sào huyệt của kẻ thù, nơi mà ngọn lửa chiến tranh thổi bùng lên tinh thần quật cường bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, nơi bừng sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đây cũng chính là nơi thể hiện những tình cảm thân thương nhất của một dân tộc.

Thành phố này là nơi diễn ra trận chiến đầu tiên bảo vệ lá cờ độc lập tại cột cờ Thủ Ngữ ngày 23 tháng 9 năm 1945. Khi tiếng súng kháng chiến vang lên, không người Việt Nam nào có thể ngờ rằng con đường kháng chiến, con đường đi đến độc lập, tự do cho cả dân tộc lại trải dài đến như vậy. Kháng chiến kéo dài 30 năm, dài hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử dân tộc, nhân dân ta phải chấp nhận cuộc chiến tranh không hề mong muốn, biết bao ước mơ đã bị chôn vùi trong lửa đạn, biết bao người mẹ, người vợ, người chị phải mỏi mòn trông chờ chồng, cha, con, anh, em của họ từ chiến trường trở về.

Ba mươi năm, bao thế hệ đã sống và lớn lên trong bom đạn để đến được điểm hẹn của mọi trái tim Việt Nam yêu nước, là đích đến cuối cùng của cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, là điểm hẹn lịch sử của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trong ngày toàn thắng, thành phố Sài Gòn - Gia Định chào đón những người chiến thắng và ngả mũ chào vĩnh biệt những người mãi mãi nằm xuống trải khắp ba miền. Những người đã làm trọn sứ mệnh đời người, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hy sinh cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hòa bình và độc lập, thống nhất cùng tự do được đổi bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam ngẩng cao đầu kiêu hãnh với thế giới, vì đã đánh bại những tên thực dân đế quốc sừng sỏ nhất, giành lại và giữ vững nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân

Trong giờ phút niềm vui dâng trào, triệu con tim nước Việt lại lặng đi khi nghĩ về Bác, người đã dẫn bước đưa đường cho cách mạng Việt Nam, dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm cuộc cách mạng thay đổi cả lịch sử của dân tộc. Người đã không thể đi hết chặng đường của cuộc kháng chiến trường kỳ, để mãi đau đáu trong lòng mong muốn về thăm miền Nam ruột thịt, được đồng bào miền Nam cài lên ngực tấm huân chương cao quý nhất và có lẽ sâu thẳm trong tim mình là Bác mong được thắp một nén nhang lên mộ người cha thương yêu của mình. Dường như trên mỗi bước hành quân của người chiến sĩ, mỗi trận chiến thắng của quân ta đều có Bác dõi theo và còn gì tiếc nuối hơn khi Bác không còn có mặt để thăm đồng bào miền Nam lúc đất nước thống nhất, non sông thu về một cõi, cả dân tộc với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người đã đi đến thắng lợi cuối cùng

Chúng con thèm nghe Bác nói một câ

Giữa bến Nhà Rồng mênh mông trời nước

Thèm nghe thơ, thèm đôi tay bắt nhị

Để vui hết những gì ta có được hôm nay (1)

Ngày toàn thắng, cả dân tộc hướng về thành phố Sài Gòn - Gia Định, điểm hẹn của ba mươi năm ngoan cường chiến đấu, nơi gặp nhau của những lời hẹn tưởng là hai năm lại hóa thành hai mươi mốt năm. Nơi hội tụ của niềm vui sướng hân hoan hạnh phúc khi đất nước thống nhất, non sông thu về một cõi và cũng chính là nơi hội tụ của những nỗi đau, của sự chờ đợi mỏi mòn khi người thân không về. Nơi đây cũng chính là điểm hẹn của nụ cười và nước mắt, có những giọt nước mắt vui sướng trong vòng tay người thân và có cả những giọt nước mắt ngậm ngùi, “Con ơi, hòa bình rồi sao con không về với mẹ”. Nơi thăng hoa của những cung bậc tình cảm người dân đất Việt, sung sướng đến nghẹn ngào và khổ đau đến tận cùng. Nơi đan xen giữa niềm vui chung của cả dân tộc và những nỗi niềm riêng của từng gia đình, nhà thì vui như trẩy hội, nhà thì lặng lẽ tựa cửa ngóng trông.

Ngày chiến thắng, từng gia đình đều chờ đợi các anh khoác ba lô trở về dù không còn lành lặn, thế mà các anh đi mãi chẳng ai về. Trong niềm vui tột cùng của đất nước, vẫn còn đó một vết cứa giữa lòng dân tộc. Người trở về cảm thấy mình hạnh phúc hơn các anh, được sống, được trở về và được nhìn thấy đất nước mình thay đổi đi lên. Cầu mong các anh yên nghỉ, Tổ quốc luôn nhớ và mang ơn các anh.

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử, mỗi chiến sĩ nằm xuống máu xương của họ sẽ hòa cùng đất mẹ, chí khí của họ sẽ hóa thành ngọn lửa hun đúc lòng tự hào dân tộc, hình ảnh của họ sẽ sống mãi với những trang vàng của lịch sử dân tộc như những người làm nên lịch sử, những chứng nhân của một giai đoạn lịch sử chông gai mà hào hùng. Một dân tộc có quá khứ đau thương và hết sức oanh liệt như thế, thì thế hệ trẻ của dân tộc ấy cần thật sự cảm, thật sự hiểu được những giá trị vĩ đại của lịch sử, cần biết được rằng độc lập và tự do, hòa bình và hạnh phúc của ngày hôm nay được đổi bằng những trang sử thấm đẫm máu và nước mắt của những thế hệ đi trước.

Bốn mươi năm đất nước thống nhất, những ký ức về một thời hoa lửa cũng dần theo những nhân chứng lịch sử về với Bác. Với những người đang được hưởng độc lập, tự do hôm nay, chúng ta hãy sống sao cho thật xứng đáng, hãy sống hết mình với những công việc đang làm, không ngừng rèn luyện, học tập, phấn đấu hoàn thiện bản thân để cống hiến cho Tổ quốc, ra sức vượt qua những khó khăn thử thách, góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; để mãi khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” 

------------------
(1) Hữu Thỉnh, Trường ca Đường tới thành phố.

Thân Thị Thư , Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh

Theo sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>