Đề nghị bỏ phiếu lấy ý kiến riêng về việc điều chỉnh tuổi trẻ em

24/03/2016 | 16:00 GMT+7

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 11, chiều 23/3, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật trẻ em (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhận định, dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi) lần này đã tiếp thu được nhiều ý kiến của đại biểu tại kỳ họp thứ 10. Dự thảo Luật đã được sắp xếp và bố cục chặt chẽ, rõ ràng, hợp lý hơn.

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi là phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em; nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không.

Hơn nữa, về mặt khoa học, người từ 16 đến dưới 18 tuổi là người chưa hoàn thiện và chưa phát triển đầy đủ về não bộ, về thể chất, tinh thần, về nhận thức xã hội, về ý thức pháp luật, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người lớn (người thành niên) nên cần phải được gia đình, cộng đồng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn về mặt pháp lý và ứng xử xã hội để các em được chăm sóc, phát triển, được bảo vệ khỏi các hành vi gây tổn hại, trong đó đáng quan tâm là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội trường. Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu vẫn chưa hoàn toàn nhất trí với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tác động, ảnh hưởng của việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi như trong báo cáo và còn nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này .

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan- TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế hiện nay, trẻ em trưởng thành sớm hơn trước, tại sao chúng ta không hạ thì thôi lại tăng độ tuổi của trẻ em lên? Theo đại biểu, việc tăng tuổi trẻ em như thế sẽ không tương thích với các luật khác, tạo ra nhiều vấn đề cho xã hội như như nạn tảo hôn...

Đại biểu cho biết, theo phong tục vùng miền, ở vùng núi phía Bắc, 16 tuổi, thậm chí ở độ tuổi thấp hơn đã có nạn tảo hôn. Vì vậy, nếu chúng ta nâng độ tuổi trẻ em lên thành 18 tuổi sẽ dẫn đến tình trạng tảo hôn trái pháp luật tràn lan. Mặt khác, nếu quy định trẻ em dưới 18 tuổi, khi đất nước có xâm lược thì không lẽ chúng ta tổng động viên cả trẻ em ra trận?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy- TP Đà Nẵng.

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh độ tuổi của trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy- TP Đà Nẵng cũng cho rằng, việc nâng độ tuổi của trẻ em lên thành dưới 18 tuổi chắc chắn sẽ không bảo đảm được tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, không thống nhất với quy định về độ tuổi trong các luật liên quan, như: Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động; Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật thanh niên... Nhưng nếu như Quốc hội vẫn quyết định nâng độ tuổi trẻ em, thì đại biểu đề nghị, buộc phải bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc xử lý xung đột pháp luật và nguyên tắc dẫn chiếu ưu tiên áp dụng pháp luật khi quy định của luật này khác với quy định của luật khác về cùng một vấn đề liên quan đến trẻ em, như cách thức xử lý mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành theo hướng ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành.

Góp ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa- TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu chúng ta giữ nguyên quy định trẻ em là dưới 16 tuổi như hơn nửa thế kỷ qua thì cũng chẳng hề vi phạm Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Đại biểu đặt câu hỏi: Vì lý do gì, mục đích gì, vào thế kỷ XXI chúng ta lại điều chỉnh lại?

Qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị, trước khi quyết định thông qua dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi) tại kỳ họp này, Quốc hội cần tiến hành bỏ phiếu lấy ý kiến riêng về vấn đề điều chỉnh độ tuổi.

Theo Nguyễn Phương/quochoi.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>