Day dứt những “món nợ” với dân

24/03/2016 | 16:04 GMT+7

Ngày 23-3, Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vô cùng tâm huyết khi cho rằng, các báo cáo này đã nói đúng nhưng chưa đủ về tình hình hiện nay, đòi hỏi phải chỉ rõ những thực trạng để có chuyển biến tích cực trong nhiệm kỳ mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại tổ thảo luận   Ảnh: LÃ ANH

Đánh giá đúng vai trò chủ đạo của các tầng lớp nhân dân

Hầu hết ĐBQH cho rằng, các báo cáo đều nghiêm túc, nhiều thông tin và số liệu chi tiết để có thể nhìn lại, đánh giá nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng với nhiều nỗ lực, kết quả to lớn. Nhiệm kỳ qua có nhiều biến động về kinh tế, biển Đông, thách thức lớn nhưng chúng ta làm được nhiều việc: sửa Hiến pháp, giữ được tăng trưởng kinh tế, không bị rơi vào khủng hoảng, giữ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đáng chú ý, khá nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, tổng kết nhiệm kỳ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, chiến sĩ, người lao động, công nhân. “Cần cảm ơn nhân dân đã luôn ủng hộ Quốc hội, Chính phủ trong lúc khó khăn đó. Chính nhân dân là người đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng sản xuất, thắt lưng buộc bụng cùng Nhà nước vượt qua thử thách”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói. ĐB Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cũng cho rằng, các báo cáo chưa đề cập đúng mức đến vai trò của nhân dân. “Sự kiện giàn khoan Hải Dương-981 càng chứng minh điều đó. Hiện nay, chính người dân ở hải đảo, biên giới đang ngày đêm giữ vững chủ quyền. Bởi vậy, cần đánh giá đúng vai trò của nhân dân. Nói cảm ơn thôi là chưa đủ, chưa tương xứng, vì nói cảm ơn thì giống như nhân dân đang phụ Chính phủ, Nhà nước làm chút việc rồi được cảm ơn. Trong khi nhân dân đã đóng vai trò chủ đạo trong tất cả các thành công trong nhiệm kỳ”, đồng chí Lê Thanh Hải chia sẻ. Cùng với đó cũng cần đánh giá đúng vai trò của lực lượng doanh nghiệp đang hàng ngày chống chọi khó khăn, vươn lên tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) nhận xét, báo cáo của Chính phủ tính phê bình rất cao. Tuy nhiên, cần đánh giá sâu về khoảng cách giàu nghèo, vì đó là bản chất của chế độ chúng ta. Vấn đề chống tham nhũng cũng chưa được đề cập đầy đủ. “Tham nhũng là từ bộ máy chứ không từ dân. Vậy thì bộ máy Chính phủ thế nào, cần đánh giá rõ để thực sự chống tham nhũng có hiệu quả”, ĐB Võ Thị Dung đề nghị. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng, Chính phủ cần làm rõ hơn về các vấn đề đang thực sự là nỗi lo hiện nay: nợ công, áp lực trả nợ lớn; an toàn vệ sinh thực phẩm; bộ máy còn cồng kềnh, hiệu lực chưa nghiêm; cán bộ công chức thì còn chú trọng nhiều đến bằng cấp hơn là đạo đức.

“Món nợ” biển Đông

Theo ĐB Võ Thị Dung, tại kỳ họp Quốc hội lần này, cử tri vẫn mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đây là vấn đề đau đáu của dân hiện nay. Nhiệm kỳ qua Quốc hội làm được nhiều việc, nhưng rất tiếc là chúng ta chưa nói rõ được quyết tâm về bảo vệ chủ quyền. Nếu nói được thì dân sẽ tin hơn, yên tâm hơn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long cũng day dứt: chúng ta thường xuyên khẳng định giữ vững độc lập chủ quyền, tuy nhiên không thể quên một phần biển đảo đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép bằng vũ lực, rồi việc Trung Quốc lấn chiếm khu vực Trường Sa, hàng ngày ngư dân bị xua đuổi. “Vừa qua, Mỹ và một số nước có nghị quyết liên quan đến biển Đông, nhưng chúng ta lại không có nghị quyết chính thức về Trường Sa, Hoàng Sa” - ĐB Trần Đình Long bày tỏ. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hoá) cũng cho biết, nhiều cử tri băn khoăn vấn đề nêu trên và “mong muốn có một tiếng nói mạnh mẽ thể hiện ý chí của dân tộc”.

Báo cáo được các ĐBQH có nhiều ý kiến nhất chính là tổng kết của Quốc hội nhiệm kỳ 2011 - 2016. Là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, nhiều ĐBQH thể hiện những day dứt, trăn trở của mình về những “món nợ” đối với nhân dân cũng như mong muốn hoạt động Quốc hội sẽ ngày càng hiệu quả hơn, gần dân hơn, thực chất hơn. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, thành tựu lớn nhất của Quốc hội nhiệm kỳ qua là xây dựng, thông qua một khối lượng luật pháp đồ sộ, sửa nhiều bộ luật quan trọng (100 luật, 11 pháp lệnh). Tuy nhiên, luật khung còn nhiều, vì thế cần tới hơn 5.000 văn bản dưới luật. Đó là điều bức xúc của cử tri khi luật phải chờ thông tư cũng như làm luật theo kiểu nay vừa thông qua mai phải sửa. Theo ĐB Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất trước hết thể hiện ở luật Quốc hội ban hành. “Nếu luật mà chung chung thì quyền hạn cũng chung chung thôi”, ông Phúc nói.

Về công tác giám sát của Quốc hội, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, giám sát tuy nhiều nhưng vẫn nặng về báo cáo, đánh giá tình hình, chưa nói được thực sự những “bệnh tật” của nền kinh tế. “Còn vuốt ve thành tích nhiều, một cơ thể còn nhiều bệnh tật thì cần chỉ rõ nguyên nhân, nội tình căn bệnh đó mới chữa được”, ĐB Đỗ Văn Đương nói. Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, ĐBQH phải là những người có kinh nghiệm, bản lĩnh, vốn sống để thực sự dám nói, dám phát biểu. Đại biểu chuyên trách ở trung ương phải thực sự có trình độ, tránh tình trạng cứ chuẩn bị bầu cử thì nhiều vụ phó được thăng hàm vụ trưởng để trở thành ĐBQH chuyên trách. “Nếu chúng ta không khắc phục được điều đó thì chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ cứ như hiện nay từ năm này sang năm khác”, ĐB Đỗ Văn Đương day dứt.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, cần thay đổi cách làm luật hiện nay. Giao cho Chính phủ xây dựng luật từ đầu là không ổn. “Khi làm luật, Chính phủ giao cho các bộ ngành, nhiều chuyên viên làm luật quá non trẻ, không có thực tiễn cuộc sống, nhiều vấn đề được nhìn nhận theo kiểu “không quản được thì cấm”. Điều đó khiến nhiều luật kém chất lượng, xa rời cuộc sống. ĐBQH thì không đủ thời gian để nghiên cứu dự thảo luật. Khi ra Quốc hội bấm nút, nhiều vấn đề ĐBQH tranh luận không được tiếp thu. Đặc biệt, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), việc thảo luận vấn đề kinh tế - xã hội tại Quốc hội cũng chưa thực sự hiệu quả. “Nếu chưa thực sự phân cấp mạnh cho địa phương, nếu chưa xóa bỏ được cơ chế xin cho thì các địa phương chưa dám nói hết thực tiễn vì sợ đụng chạm. Quốc hội với quyền lực tối cao của mình cần thay đổi điều này”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị.

Quốc hội sẽ bàn về trình tự, cách thức tuyên thệ nhậm chức

Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp chiều 23-3, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định, việc kiện toàn công tác nhân sự của Quốc hội tại kỳ họp này (bắt đầu từ ngày 31-3) được tiến hành tại những phiên họp riêng của Quốc hội, nhưng kết quả sẽ được thông báo tới các phương tiện thông tin đại chúng cùng lúc với thông báo tại Quốc hội.

Vẫn theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp này, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao sẽ phải tuyên thệ sau khi được bầu. Nội dung tuyên thệ đã được ghi rõ trong Hiến pháp 2013, đó là tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; song trình tự và cách thức chi tiết sẽ được Quốc hội bàn thêm, vì là việc chưa có tiền lệ.

ANH PHƯƠNG

 

Theo PHAN THẢO/sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>