Đạo lý giữa thời bình

27/07/2016 | 07:11 GMT+7

Là tỉnh non trẻ và gần như khó khăn nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Hậu Giang được đánh giá là địa phương có nhiều nỗ lực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Đó cũng chính là đạo lý giữa thời bình mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đang cố gắng vun đắp !

Vun bồi hạnh phúc,  góp niềm vui

Ngồi trong căn nhà tình nghĩa vừa được sửa chữa vào đầu năm 2016, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thương, ở ấp 1, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, đang trò chuyện vui vẻ cùng người con dâu út. Với Mẹ Thương, giờ đây nỗi buồn về người chồng và người con trai nằm lại ngoài chiến trường, phần nào đã nguôi ngoai, khi quanh Mẹ còn có biết bao nhiêu người con gọi Mẹ là mẹ, cho dù Mẹ không nhớ hết tên. Năm nay, Mẹ Thương đã 82 tuổi, tuy nhiều chuyện đã quên, nhưng ký ức về những năm tháng đầy máu lửa, với những nỗi đau như cắt ruột thì Mẹ vẫn nhớ. Mẹ Thương kể, chồng Mẹ là ông Lê Văn Hung hy sinh năm 1968, khi nhận được tin, nỗi đau đè nén, nước mắt chẳng thành dòng. Rồi đến người con trai thứ hai của Mẹ là Lê Văn Hiền đến năm 1972 cũng ra đi mãi không về với Mẹ… Hai lần tiễn chồng, tiễn con ra đi, là hai lần Mẹ nuốt nước mắt vào trong.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh trao quà cho gia đình chính sách. Ảnh: H.DIỄM

Những nỗi đau ấy không khuất phục được người mẹ kiên cường. Mẹ Thương tiếp tục cống hiến cho cách mạng, lao động sản xuất để nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Hòa bình, để tri ân công lao to lớn của Mẹ, vào năm 1999, Nhà nước tặng Mẹ căn nhà tình nghĩa trị giá 15 triệu đồng. Trải qua thời gian, căn nhà xuống cấp, dột nát, nhưng kinh tế gia đình còn eo hẹp nên chưa có tiền để sửa chữa lại. Chính vì vậy, khi được Nhà nước hỗ trợ tiền sửa nhà, Mẹ mừng lắm. “Tỉnh vẫn còn nhiều gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, Mẹ được xây nhà rồi đâu dám mơ ước được giúp đỡ sửa chữa nữa. Giờ được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa nhà, Mẹ thấy mãn nguyện lắm”, Mẹ Thương chia sẻ.

Hàng ngàn người con, người chồng của các Mẹ đã ngã xuống, hàng ngàn thương binh, bệnh binh trở về từ chiến trường, là hàng ngàn cảnh đời khác nhau và mỗi một hoàn cảnh đó, Hậu Giang đều cố gắng chăm lo chu đáo nhất. Gia đình ông Nguyễn Văn É, thương binh 4/4, ở ấp 1B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, mới đây cũng được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Ông É bày tỏ: “Hơn nửa đời người mới có được căn nhà vững chãi để ở, thật mừng không kể siết. Ngày xưa thấy giặc đến thì mình đánh vậy thôi, chứ có ai nghĩ gì đến chế độ này nọ đâu. Đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi với người có công, thật sự tôi không có đòi hỏi gì hết, nhưng chính quyền địa phương thấy mình khó khăn, nên đã đề nghị, tôi biết ơn lắm”.

Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, là chính sách hợp lòng dân được Đảng, Nhà nước thực hiện, đã làm ấm lòng những gia đình chính sách. Đó chính là sự trân trọng tri ân dành cho cống hiến đối với những người nằm xuống, của các Mẹ, các gia đình chính sách và người có công. Với hơn 5.380 căn nhà tình nghĩa được xây dựng và 483 căn nhà tình nghĩa khác được sửa chữa từ năm 2004 đến nay trên địa bàn tỉnh, đủ để thấy tấm lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dành cho các Mẹ.

Sau gần 13 năm thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh vẫn luôn quan tâm, chăm lo đặc biệt đến đời sống cho các gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hậu Giang luôn xem đó là đạo lý, là trách nhiệm đối với những người đã có nhiều đóng góp cho ngày toàn thắng của quê hương. Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, kinh phí hạn hẹp, nhưng tỉnh luôn cố gắng sửa chữa, nâng cấp những căn nhà tình nghĩa đã xuống cấp. Hàng ngàn căn nhà tình nghĩa được xây dựng từ khi thành lập tỉnh đến nay, hàng trăm căn nhà tình nghĩa xuống cấp đang được khảo sát để sửa chữa đã chứng minh cho đạo lý của những người ở lại, những người được sống yên ấm khi đất nước không còn bóng giặc. Mỗi căn nhà mới được xây mới hoặc sửa chữa đã chứa đựng biết bao niềm vui, hạnh phúc của tất cả mọi người…

Trân trọng tri ân

Đi đôi với chính sách ưu đãi của Nhà nước, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hóa sâu rộng, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân Hậu Giang, với nhiều hình thức như xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ…

Trong căn nhà tình nghĩa mới sửa, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thương chia sẻ, Mẹ thấy mãn nguyện. Ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, góp phần nâng cao đời sống cho nhiều gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Ngân, con gái Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Tiễn, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hai người anh của tôi đã hy sinh, đó là mất mát lớn của gia đình, nhưng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi cảm thấy nghĩa tình luôn được trân trọng”. Ngoài hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng 3,7 triệu đồng, mẹ Tiễn còn được chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà. Mẹ cũng được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng căn nhà tình nghĩa.

Từ năm 2011-2015, vào dịp lễ, tết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương đều tổ chức các đoàn chúc tết, họp mặt, thăm viếng và tặng 344.692 phần quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh… với tổng kinh phí gần 77 tỉ đồng. Với chính sách ưu đãi, sự quan tâm của Nhà nước, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng và bản thân gia đình chính sách tự vươn lên, công tác thương binh, liệt sĩ đã thật sự phát huy hiệu quả tích cực.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm tỉnh đều tổ chức các hoạt động thiết thực để khơi dậy tinh thần và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Ông Nguyễn Trung Liệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách luôn được tổ chức thường xuyên với nhiều hoạt động ý nghĩa, đã trở thành phong trào rộng khắp, góp phần giúp nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ có điều kiện sống tốt hơn. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nhiều mặt để những hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, người có công vươn lên ổn định cuộc sống. Đồng thời, duy trì và nhân rộng mô hình gặp gỡ, trao đổi, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị chính đáng của người có công...”.

Thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, 69 năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang luôn trân trọng ghi nhớ công ơn và thực hiện nhiều phần việc để tỏ lòng tri ân đối với những người có công với nước. Những việc làm thiết thực ấy không chỉ là đạo lý, mà đó còn là niềm tin, sự trân trọng và truyền hơi thở tri ân đến những thế hệ sau…
 

Cùng với cả nước, Hậu Giang đã làm tốt trách nhiệm với người có công. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, mỗi người chúng ta phải ghi nhớ, biết ơn và đề cao trách nhiệm của mình với sự hy sinh, mất mát to lớn của đồng bào, đồng chí chúng ta và phải cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc ta, của quân đội ta và khơi dậy mạnh mẽ mọi tiềm năng, lợi thế, ý chí, tài năng và sức mạnh đại đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của dân tộc, để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là xây dựng nước ta - nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức tại Hậu Giang).

-------------------------------

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đồng Văn Thanh:

“Tấm lòng tri ân không chỉ được thực hiện trong ngày 27-7”

“Thời gian qua, dù tỉnh Hậu Giang vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đã được tổ chức rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh. Điều đáng mừng là trong quan điểm chỉ đạo ở các địa phương, đều xem đây là công tác trọng tâm, là điểm nhấn trong hành trình tri ân của tỉnh nhà những năm qua.

Gần 13 năm thành lập tỉnh, là 13 năm Hậu Giang phải “vật lộn” với những khó khăn, thách thức. Để rồi nhiều công trình mới được xây dựng khang trang, nhiều con đường, cầu giao thông nông thôn được thành hình và đặc biệt là gần 6.000 căn nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa, với tổng kinh phí khoảng 160 tỉ đồng, đã góp phần giúp các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách có nơi ở ổn định; đồng thời, Chủ tịch nước đã phong, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 1.839 Mẹ. Kết quả đạt được nói trên là minh chứng cho sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những gì tỉnh nhà đã làm được chỉ mới bù đắp một phần nhỏ so với sự mất mát, hy sinh to lớn của các Bà, các Mẹ, các chiến sĩ… Với tôi, tấm lòng tri ân không chỉ được thể hiện trong ngày 27-7, mà phải được thực hiện thường xuyên nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh vốn dĩ đã hằn sâu bao năm tháng.

Nói đến tấm lòng đền ơn đáp nghĩa, chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ qua các thời kỳ, những mạnh thường quân, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kiều bào Hậu Giang đang sinh sống ở nước ngoài… nhiều năm qua đã luôn gắn bó, đồng hành và chia sẻ cùng Hậu Giang trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, để mỗi căn nhà tình nghĩa được xây dựng lại góp thêm một niềm vui, mỗi hoàn cảnh người có công được giúp đỡ lại thắp lên sự hân hoan và một niềm tin lớn…”.

CẨM LÌNH ghi

 

Toàn tỉnh có hơn 34.000 người có công với cách mạng, trong đó có hơn 9.000 đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, với tổng kinh phí trợ cấp gần 13 tỉ đồng/tháng. Trong đó, có 187 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 2.840 thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở xuống, 3.658 thân nhân liệt sĩ, 1.146 là nhân dân có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến, 709 người bị địch bắt tù đày…

 

BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>