Cựu chiến binh cùng thực hiện chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo

23/02/2017 | 08:59 GMT+7

Phấn đấu hàng năm giảm 2% hộ nghèo trong hội viên là một trong những chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh, nhiệm kỳ 2012-2017. Để hoàn thành chỉ tiêu trên, những năm qua, hội CCB các huyện, thị, thành đã đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

Ông Lê Tuấn Em, ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, chăm sóc vườn cam xoàn của gia đình.

Hiện nay, CCB nghèo huyện Châu Thành A còn 49 hộ, chiếm 3,8% tổng số hộ CCB toàn huyện. Đặc biệt, huyện có hai đơn vị không còn hộ CCB nghèo, gồm thị trấn Rạch Gòi và xã Thạnh Xuân. Trong 5 năm qua, với việc thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế, đã có 275 hội viên CCB vươn lên thoát nghèo bền vững. Đó là tín hiệu đáng mừng tạo động lực cho các cấp hội tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế.

Ông Võ Văn Cho, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành A, cho biết: “Các cấp hội CCB luôn tìm hiểu, nắm vững thế mạnh, tiềm năng, xu hướng phát triển của từng địa phương để thông tin, vận động, hướng dẫn CCB chuyển đổi ngành nghề, phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp và làm ăn có hiệu quả. Đồng thời động viên, tạo điều kiện để các hộ gia đình ở khu vực đô thị phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; khu vực nông thôn tích cực phát triển trang trại, gia trại, hợp tác xã; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ gia đình CCB chuyển đổi cây trồng. Đến nay, toàn huyện có 2 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, hơn 920 mô hình sản xuất, kinh doanh do hội viên CCB làm chủ, tạo việc làm cho con em CCB và người dân có thu nhập ổn định, cuộc sống từng bước được cải thiện”.

Trước kia là hội viên nghèo, ông Lê Tuấn Em, ở ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, đã từng bước vươn lên trong cuộc sống nhờ sự hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và những kinh nghiệm sản xuất học hỏi được của anh em hội viên. Chia sẻ về việc này, ông Tuấn Em nói: “Trước đây, gia đình có cuộc sống ổn định nhưng do con bệnh nên phải bán đất chữa bệnh cho con. Có 8 công đất bán hết 6 công chạy chữa mà cháu cũng không qua khỏi. Lúc đó, thấy hoàn cảnh khó khăn nên Hội CCB thị trấn đã tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng. Có vốn, tôi cải tạo đất trồng cam xoàn, con trai út cũng tìm được việc làm đỡ đần nên bây giờ cuộc sống đã ổn định hơn trước nhiều lắm”.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội như các địa phương khác, các cấp hội CCB huyện Châu Thành còn vận động hội viên đóng góp quỹ hàng tỉ đồng cho hội viên vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp để họ đầu tư cho sản xuất xóa đói, giảm nghèo. Ông Võ Văn Trường, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành, chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, Hội CCB các  xã trong huyện phát động phong trào hùn vốn xoay vòng. Hàng tháng, mỗi hội viên đóng từ 50.000-100.000 đồng tùy theo điều kiện thực tế từng hộ để xây dựng quỹ. Số tiền từ quỹ này sẽ giúp nhiều hội viên có thêm nguồn vốn mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, Hội CCB huyện còn thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, tuyên truyền nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình để các hội viên học tập, làm theo. Nhờ vậy, chỉ tiêu giảm nghèo trong hội viên của nhiệm kỳ đạt theo nghị quyết đề ra”.

Còn ở thị xã Long Mỹ, hội CCB các cấp luôn quan tâm phối hợp, triển khai, hướng dẫn thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách, chế độ có liên quan đến hội viên theo quy định. Huyện hội chỉ đạo các cấp hội bám sát chương trình, chính sách hỗ trợ ưu tiên của Nhà nước để qua đó động viên tinh thần tự lực vươn lên của hội viên CCB thị xã.

Ông Nguyễn Văn Nghìn, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, là một trong những hội viên CCB tích cực phát huy nội lực trong xóa đói, giảm nghèo. Hoàn thành nghĩa vụ trở về với 2 công đất cha mẹ cho ban đầu, vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn để vun vén kinh tế gia đình. Không chỉ siêng năng, ông Nghìn còn chủ động học hỏi, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Ông Nghìn nói: “Tôi áp dụng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng trong nhiều năm liền. Cứ trên bờ trồng cây, dưới ao nuôi cá, trong chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tiền của làm ra được tiện tặn, tích lũy dần rồi mua đất để tiếp tục phát triển kinh tế. Hiện tại, nhà đã mua được thêm hơn 20 công đất nữa, thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm”.

Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cộng với những biện pháp cụ thể và sự nỗ lực của các hội viên, các mô hình phát triển kinh tế của CCB toàn tỉnh sẽ không ngừng được nhân rộng, đời sống vật chất và tinh thần của CCB sẽ không ngừng được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>