Chuyện về những nhà báo trẻ

17/06/2016 | 06:20 GMT+7

Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, những người làm báo tỉnh nhà luôn nêu cao tinh thần trau dồi, học hỏi về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt luôn giữ cho “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền mà Đảng và nhân dân giao phó.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Hết nắng hạn rồi đến mưa dầm cũng không thể ngăn cản phóng viên (PV) Mỹ An (Báo Hậu Giang) thực hiện những chuyến tác nghiệp ở những vùng xa xôi, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn trong tỉnh. Với hành trang là chiếc xe gắn máy, chiếc ba lô đựng một số dụng cụ “hành nghề” như: máy tính, máy chụp ảnh, máy ghi âm…, PV Mỹ An từng lặn lội ở nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để thực hiện các bài viết mang đậm hơi thở cuộc sống.

Tinh thần cầu tiến, ham học hỏi là bí quyết để PV Mỹ An (đứng) hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Làm nghề này, PV Mỹ An đã quen với việc thức khuya để viết tin, bài và dậy sớm cho kịp những chuyến công tác xa. Chuyến đi xa nhất, đáng nhớ nhất của chị là đến với Trường Sa vào đầu năm nay. Những ngày lênh đênh trên biển cả với những trận say sóng ập tới liên hồi không làm vơi đi sự quyết tâm ở người phóng viên này. Trong điều kiện tác nghiệp gặp nhiều khó khăn ấy, chị đã thực hiện được không ít tác phẩm ấn tượng, góp phần mang hơi thở của biển đảo quê hương đến với người dân trong đất liền.

Sau hơn 5 năm làm báo, PV Mỹ An đã có trong tay kha khá giải thưởng báo chí cấp tỉnh. Trong đó, phải kể đến giải nhất thể loại báo in vào năm 2013 với loạt bài “Các khu dân cư bất động”. Mấy ai biết được, chị đã mất tháng trời để hoàn thành nó. Gian nan nhất là khâu lấy tư liệu, vì nhiều thông tin có tính “nhạy cảm”. PV Mỹ An bộc bạch: “Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi quyết tâm thực hiện loạt bài cho bằng được. Đó vừa là cái tâm của nhà báo, vừa là cơ hội giúp tôi nâng cao tay nghề…”.

Vào tháng 4 năm ngoái, PV Mỹ An được điều chuyển từ Phòng Kinh tế sang Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính. Bước đầu gặp không ít bỡ ngỡ từ khai thác đề tài đến cách sử dụng văn phong trong bài viết, nhưng chị đã bắt nhịp nhanh với lĩnh vực mới nhờ tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Khi được hỏi chị đã thấy thỏa mãn với những gì đã có trong nghề hay chưa? PV Mỹ An đáp ngay: “Chưa đâu, muốn giỏi thì phải học nữa, học mãi…”.

Còn trường hợp của phóng viên Hoàng Nhân là câu chuyện thú vị về một nhà giáo chuyển sang làm báo. Dù là “tay ngang”, nhưng anh hiện là một trong những cây viết chủ lực của cơ quan như lời đánh giá của bà Trần Thị Nhung, Trưởng Đài Truyền thanh thị xã Long Mỹ.

Nhanh nhẹn, hoạt bát, hòa đồng là những điều có thể cảm nhận được từ phóng viên Hoàng Nhân. Hơn 5 năm trong nghề đủ để anh cảm nhận hết những nỗi vất vả, đặc biệt là những lần lội ruộng… để thực hiện tác phẩm. Anh kể: “Từ trước tới giờ đâu biết làm ruộng, nhưng đã làm báo thì phải dấn thân. Cầm máy quay lội từ cánh đồng này sang cánh đồng khác để tìm những chi tiết mình ưng ý không phải chuyện dễ. Quay xong rồi quần áo lấm lem bùn đất, nhưng trong lòng thấy vui vì đã lấy đủ tư liệu cho đề tài tâm đắc”.

Đối với phóng viên Hoàng Nhân, nghề báo tuy cực mà vui.

Theo PV Hoàng Nhân, nghề báo tuy cực mà vui. “Niềm vui lớn nhất của tôi là tác phẩm của mình mang lại lợi ích cho nhiều người. Tôi nhớ lần thực hiện đề tài về mô hình trồng tiêu trên tán rừng tràm của lão nông Dương Thanh Bình, ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, khi phóng sự được phát thì một số bà con nơi khác đã điện thoại hỏi tôi về địa chỉ mô hình để họ đến đó học hỏi. Khi ấy, lòng tôi phấn khởi vô cùng và thấy yêu thích hơn nghề mình đã chọn”, phóng viên Hoàng Nhân chia sẻ.

Từ những trải nghiệm với nghề, PV Hoàng Nhân cho rằng, muốn làm báo giỏi thì người làm báo phải không ngại gian khó, đi thực tế nhiều và luôn lắng nghe thông tin từ nhiều phía. Đặc biệt, phải viết đúng với thực tế tác nghiệp, đừng vì chút lợi ích nhỏ nhoi mà “bẻ cong” ngòi bút để làm hại người khác.

Nhiều kỷ niệm trong nghề

Có thể nói, nghề báo khá vất vả, một khi phát hiện đề tài hay thì dù khó khăn mấy nhà báo cũng lăn xả để phản ánh. Trong những chuyến tác nghiệp ấy cũng để lại cho họ những kỷ niệm khó phai…

Dù lần tới Trường Sa đã kết thúc cách đây mấy tháng, nhưng PV Mỹ An vẫn còn lưu giữ rất nhiều ký ức đẹp. Đó là những lúc được ăn cơm cùng lính đảo, được chứng kiến người dân kéo lưới đánh bắt cá hay buổi chào cờ thiêng liêng giữa nơi đầu sóng ngọn gió… Mỗi hình ảnh đều là những kỷ niệm được ghi dấu vào trong tim của người phóng viên trẻ này.

Lúc rảnh rỗi, PV Mỹ An thường đọc đi đọc lại nhiều lần những tác phẩm đã thực hiện trong chuyến tác nghiệp ở Trường Sa. Bởi đó là cách để chị nhớ về không khí đón tết dù bình dị nhưng thật ấm áp, gắn bó giữa quân và dân trên đảo; hình ảnh những người lính dù trẻ tuổi, nhưng vẫn chắc tay súng để bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc; những người vợ đảm đang, một lòng chung thủy và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chồng yên tâm bám biển; những thửa rau, hàng cây được quân và dân trên đảo chăm sóc xanh tốt che lấp đi những bãi cát, bãi đá trắng xóa, khô cằn…

Phóng viên Mỹ An tâm sự: “Làm nghề báo, tôi được đi nhiều, biết nhiều, nhưng chuyến đi đến Trường Sa có lẽ là chuyến đi đặc biệt nhất cuộc đời cầm viết, vì tôi đã được gặp nhiều nhân vật đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt và cách sống rất đặc biệt, bây giờ nhắc lại vẫn thấy xúc động”.

Cũng là “lính mới”, công tác tại Đài PT-TH Hậu Giang chưa đầy 1 năm, nhưng PV Kim Thoa đã tích lũy cho mình không ít vốn sống từ những chuyến tác nghiệp thực tế. Thoa nói vui rằng, việc dầm mưa, dải nắng nhiều khiến làn da “trắng như bông bưởi” của mình dần bị sạm đi, nhưng lỡ yêu nghề rồi nên dù có xấu thêm cũng không sợ.

Công tác chưa lâu, nhưng phóng viên Kim Thoa đã có nhiều kỷ niệm với nghề.

Làm báo chưa lâu, nhưng PV này có không ít kỷ niệm với nghề, sâu đậm nhất là khi chứng kiến người nông dân phải vất vả vì mùa màng thất bát. Kim Thoa nhớ lại: “Hồi đợt Tết Nguyên đán năm nay, nước mặn xâm nhập rất dữ dội ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó huyện Long Mỹ bị ảnh hưởng khá nặng. Được lãnh đạo phân công, tôi thực hiện chuyến công tác xuống xã Vĩnh Viễn A để phản ánh tình hình sản xuất lúa của bà con khi mặn đang bủa vây. Tôi không khỏi chạnh lòng khi biết một gia đình nọ phải khốn đốn vì 10 công đất mà chỉ thu hoạch được 8 bao lúa. Thấy họ buồn, nên mình cố gắng đề cập nhiều đến chuyện vui để tâm trạng họ vơi bớt phần nào”.

Cũng từ đó, PV này tập trung khai thác nhiều hơn đề tài liên quan tới sự khó khăn, bức xúc của người dân để các cấp, các ngành tìm hướng giải quyết. “Mỗi lần phóng sự của mình lên sóng mà giúp đỡ được nhiều người thì trong lòng cảm thấy rất vui và có thêm động lực để bước tiếp với nghề”, Kim Thoa bộc bạch.

* * *

Điều dễ nhận thấy là lực lượng phóng viên trong tỉnh phần đông còn trẻ, họ giàu nhiệt huyết và luôn “cháy” hết mình với nghề. Dù kinh nghiệm làm báo có thể chưa nhiều, nhưng đổi lại họ luôn biết cách vượt qua khó khăn, không ngừng học hỏi về nghiệp vụ để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, như góp thêm những “viên gạch” để cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, phát triển ổn định và tự tin hướng tới tương lai.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>