Chuyện du kích cắm cờ chiếm đất, giành dân trước ngày Hiệp định Paris 1973 có hiệu lực

18/01/2023 | 18:20 GMT+7

Đúng 12 giờ 30 phút (giờ Paris) ngày 22-1-1973, tại Trung tâm các hội nghị quốc tế Kléber (Paris, Pháp), Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức.

Du kích mật Nguyễn Phi Long bày tỏ niềm vui và vinh dự vì có một phần công sức đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tuy nhiên, đế quốc Mỹ chưa từ bỏ âm mưu cơ bản của chúng là áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta.

Những ngày trước khi Hiệp định Paris được ký kết, ở miền Nam nói chung, khu vực thuộc xã Hỏa Lựu, huyện Long Mỹ nói riêng (nay là phường VII, thành phố Vị Thanh), được sự thống nhất của trên, lực lượng du kích mật xã đã triển khai cắm cờ chiếm đất, giành dân nhằm mở rộng vùng giải phóng; việc tổ chức cắm cờ giành lấy địa phận khá âm thầm nhưng cũng rất nguy hiểm…

Chuyện tổ chức cắm cờ chiếm đất, giành dân được du kích mật Phi Long (Nguyễn Phi Long, tên khai sinh là Nguyễn Văn Bền), ở khu vực 5, phường VII, thành phố Vị Thanh kể lại là đơn vị của ông phải lần mò trong đêm tối để cắm, sáng ra cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam rực rỡ cả một vùng.

Năm 14 tuổi, với lòng căm thù giặc sâu sắc, Phi Long đăng ký tham gia lực lượng du kích mật xã Hỏa Lựu, huyện Long Mỹ (cũ) với nhiều công việc được giao, đó là nắm danh sách, công việc của ban tề xã, ấp; nắm thời gian hành quân của địch; vẽ sơ đồ căn cứ của địch; thu gom đạn pháo để cung cấp cho bộ đội…

Công việc của Long và đồng đội hoàn toàn bí mật; ban ngày Long tham gia sinh hoạt, sản xuất, đi lại “giao lưu” với địch rất bình thường nhưng đêm xuống, Long cùng anh em họp triển khai công việc.

“Chúng tôi nhận lệnh từ một hộp thư trong lùm cây có thỏa thuận ngầm trước đó, tới giờ tới ngày là lấy và triển khai; người gửi và nhận thư hoàn toàn không biết nhau để đảm bảo an toàn cho mình và tổ chức”, ông Nguyễn Phi Long nhớ lại.

Sau thời gian làm rất tốt công việc, Long được giao chức vụ Đội phó Đội du kích thị tứ Hỏa Lựu. Đội gồm 15 người đều là nam, rất hăng hái thực hiện nhiệm vụ do tổ chức giao.

Đầu năm 1973, Long nhận được lệnh cắm cờ, mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện nhiệm vụ trước ngày Hiệp định Paris 1973 có hiệu lực, Long cùng Đội trưởng và anh em triển khai trong đêm, nhận cờ từ các du kích nữ (đơn vị khác) tiến hành phân phát cho nhau gấp rút cắm trong đêm.

“Cả đội nhận khoảng 50 lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và cột cờ bằng trúc dài mỗi cây cỡ 3 thước, vậy là chúng tôi chia nhau cắm trong đêm. Địa bàn cắm ấp Mỹ Hiệp và ấp Mỹ An trước đây, cặp kinh Xáng Hậu ngày nay, trước đó gọi là kinh Sáu Thước và đoạn khỏi kinh Tư Hương trở ra Quốc lộ 61 ngày nay”, ông Long kể lại.

Sáng sớm hôm sau, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam rực rỡ một vùng, làm địch vô cùng hoang mang, dao động…

Du kích Bền nói thêm: “Mình chỉ cắm ở vùng giải phóng và mở rộng ra hơn nữa vùng địch chiếm đóng nhưng không sâu quá, vì rất nguy hiểm bởi địch có thể ém quân bắn giết lực lượng ta bất cứ lúc nào”.

Và điều đó đã xảy ra với đồng đội của ông khi lần cắm cờ bị địch nã đạn, du kích Phạm Văn Mười hy sinh khi tay vẫn còn nắm chặt lá cờ…

Từ lúc bị địch phát hiện, du kích Phi Long công khai tham gia lực lượng bộ đội đánh địch; hòa bình, ông còn tham gia lực lượng quân sự chính quy với chức vụ cao nhất là Tham mưu trưởng Huyện đội Long Mỹ (lớn).

Kể về lòng dân thời điểm Hiệp định Paris được ký kết, ông Phi Long nhớ lại: Bà con rất thương cán bộ cách mạng, luôn che chở, đùm bọc, có gì cũng chia sớt cho; khi nghe Hiệp định Paris được ký kết, lòng dân như mở cờ nhưng chưa thể kéo nhau hò reo ăn mừng vì ngụy quân, ngụy quyền còn đó; song lòng dân lúc này rất hân hoan, nghĩ đến ngày thống nhất đất nước không còn xa…

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Paris, chia sẻ: “Thắng lợi của Hiệp định Paris trước hết là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đây là yếu tố quyết định thắng lợi của chúng tôi. Tôi rất tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về Đảng quang vinh. Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo sáng suốt, truyền thống chiến đấu của dân tộc Việt Nam, Việt Nam sẽ phát triển mạnh và bền vững”.

Trích Điều 3 Hiệp định Paris

 

Điều 3

Các bên cam kết giữ vững ngừng bắn, bảo đảm hòa bình lâu dài và vững chắc.

Bắt đầu từ khi ngừng bắn:

a) Các lực lượng của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác đồng minh của Hoa Kỳ và của Việt Nam cộng hòa sẽ ở nguyên vị trí của mình trong lúc chờ đợi thực hiện kế hoạch rút quân. Ban Liên hợp quân sự bốn bên nói trong điều 16 sẽ quy định những thể thức.

b) Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình. Ban Liên hợp quân sự hai bên nói trong Điều 17 sẽ quy định vùng do mỗi bên kiểm soát và những thể thức trú quân.

c) Các lực lượng chính quy thuộc mọi quân chủng và binh chủng và các lực lượng không chính quy của các bên ở miền Nam Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động tấn công nhau và triệt để tuân theo những điều quy định sau đây:

- Ngăn cấm mọi hoạt động vũ lực trên bộ, trên không và trên biển;

- Ngăn cấm mọi hành động đối địch, khủng bố và trả thù của cả hai bên.

 

Bài, ảnh: TRÍ THỨC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>