Chuyển biến ở vùng đồng bào dân tộc

05/12/2016 | 05:57 GMT+7

Theo Ban Dân tộc tỉnh, những năm qua, cơ cấu kinh tế các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, tỷ lệ nghèo, cận nghèo giảm từ 2-3%/năm. Có được kết quả này chính là nhờ vào những mô hình, dự án thiết thực được triển khai đồng bộ.

Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, nhiều hộ đồng bào Khmer trong tỉnh đã xây dựng được mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định.

Theo chân cán bộ xã đến nhà ông Danh Li, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, một trong những hộ thoát nghèo nhờ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Trong ngôi nhà tường nhỏ, dụng cụ, đồ đạc sinh hoạt gia đình được sắm sửa khá đầy đủ. Ông Li cho biết: “Trước đây, do không có đất sản xuất, gia đình chỉ biết làm thuê kiếm sống. Bình thường thì cũng kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống nhưng nếu có bệnh là thiếu hụt, khó khăn. Năm 2008, gia đình được nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng để mua 1,5 công đất. Sau khi cất nhà, còn lại 1 công đất tôi trồng lúa, hoa màu và vẫn đi làm thuê. Cuộc sống hiện giờ không giàu có nhưng đỡ phải lo chạy gạo hàng ngày. Những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước đã tạo bước đệm cho gia đình tôi vươn lên”.

Ngoài được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, gia đình bà Sơn Thị Ngọc Hậu, ở ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, còn có niềm vui riêng là được nhà nước hỗ trợ cất nhà tình thương. Bà Hậu chia sẻ: “Cất nhà trên 30 triệu đồng thì nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng. Hồi nào tới giờ chưa có nhà đẹp như vầy, khi được vậy gia đình tôi biết ơn lắm. Tôi thấy chính quyền địa phương rất quan tâm đến người dân tộc Khmer. Cái gì cũng được ưu tiên nên tôi phải cố gắng làm ăn thoát nghèo bền vững”.

Những năm gần đây, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, dự án, mô hình nhằm hỗ trợ vốn, đất sản xuất, cây, con giống giúp cho đồng bào Khmer có cơ hội, điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Gia đình ông Li, bà Hậu là hai trong nhiều hộ được thụ hưởng từ Quyết định 33 và Quyết định 74 Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Dù cuộc sống hiện tại của gia đình bà Hậu, ông Li chưa thuộc diện khá giàu nhưng đã có bước chuyển đáng kể.

Ngoài ra, nguồn vốn của Trung ương cũng kịp thời hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng khó khăn, vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: cầu, đường, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… Qua đó, diện mạo nông thôn, vùng đông đồng bào dân tộc được đổi mới, kinh tế từng bước được nâng lên.

Ông Sơn Kích, người có uy tín ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Ngoài chuyện phấn khởi vì kinh tế gia đình đang dần ổn định thì bà con ở đây cũng rất vui khi nhiều tuyến đường từ đầu lộ chính vào các xóm cũng được xây dựng, chợ cũng đã nâng cấp, sửa chữa. Hồi trước, giao thông đi lại khó khăn nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con; việc học hành của con em còn nhiều hạn chế, giờ thì dễ dàng, thoải mái hơn trước nhiều. Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, hầu hết đồng bào dân tộc Khmer đã có bước chuyển trong nhận thức, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh cho biết, ngoài chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ khai thác mọi nguồn lực; tham mưu cho  UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đồng bào một cách kịp thời; tiếp tục rà soát hộ dân tộc nghèo để hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đất ở theo quy định sao cho đồng bào có điều kiện thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Bài, ảnh: NHƯ NGUYỆT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>