Bước ngoặt lớn phát triển con người Việt Nam

04/12/2017 | 14:27 GMT+7

Ngày 25-10-2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số (CTDS) trong tình hình mới. Nghị quyết xác định: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. CTDS số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về CTDS để thực hiện thắng lợi các mục tiêu công tác dân số trong tình hình mới

Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ đạo tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Theo đó, CTDS phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hoà giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Đầu tư cho CTDS là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế bảo đảm nguồn lực cho CTDS. Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu CTDS trong tình hình mới, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về CTDS. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số trong mối quan hệ với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đưa CTDS, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số, thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương. Phát huy tối đa lợi thế "dân số vàng", thích ứng với "già hóa" dân số.

Những cảnh báo về từ các chính sách dân số không phù hợp

Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao. Hiện trên thế giới chỉ có 4 nước, gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Philippines có số dân và mật độ dân số lớn hơn Việt Nam. Trung Quốc, tuy dân số nhiều hơn, nhưng mật độ lại chỉ bằng nửa Việt Nam. Theo dự báo, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại (giai đoạn 2009-2019 bình quân hằng năm khoảng 1%, sau đó sẽ dưới 1%). Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên khoảng 107-108 triệu vào giữa thế kỷ. Dân số đông là một thị trường lớn, hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng.

Theo các chuyên gia, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia trên thế giới có tỷ lệ "già hóa" dân số nhanh nhất. Dự báo đến năm 2040, nước ta sẽ chấm dứt thời kỳ "dân số vàng". Nhìn vào thực tế nước ta và những điều đã xảy ra ở các nước trong khu vực thấy rõ tính bức thiết và cần một bước ngoặt lớn về chính sách dân số trong tình hình mới.

Tại Nhật Bản, tình trạng suy giảm dân số đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế và chính sách an sinh xã hội. Với tỷ lệ sinh giảm xuống dưới 1,5 vào đầu thập niên 1990 và tiếp tục giảm xuống còn 1,29 vào năm 2004, dân số nước này đang suy giảm nhanh chóng. Dân số Nhật Bản đạt đỉnh 128 triệu người vào năm 2008. Hiện dân số Nhật đã ít hơn 1 triệu người so với năm 2008. Chính phủ nước này đang nhắm đến mục tiêu duy trì dân số trên mức 100 triệu người vào năm 2060, trong khi tỷ lệ người già ở Nhật đang tăng nhanh chóng, với 1/3 dân số trên 60 tuổi và 12,5% trên 75 tuổi.

Các nước láng giềng Nhật Bản cũng đang phải đối phó với vấn đề tương tự. Dân số Hàn Quốc đang bắt đầu sụt giảm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, nền kinh tế nước này đối mặt nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng lực lượng lao động vì tỷ lệ sinh quá thấp trong nhiều năm qua, do chính sách một con được áp dụng từ năm 1979. Hiện Chính phủ Trung Quốc đã phải điều chỉnh chính sách dân số.

Những ví dụ sinh động từ các nước trong khu vực cho thấy sự cần thiết phải chuyển trọng tâm từ chính sách dân số, KHHGĐ sang dân số và phát triển.

Một chủ trương mới và rất lớn của Đảng

Ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã ban hành chính sách dân số với mục tiêu giảm mức sinh. Đầu năm 1993, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về chính sách dân số và KHHGĐ, đặt trọng tâm vào thực hiện KHHGĐ, mục tiêu giảm nhanh tốc độ tăng quy mô dân số. Mức sinh của nước ta giảm nhanh, hiện đã đạt mức thấp, từ hơn 2% năm 1993 xuống còn 1,08% hiện nay. Số dân tăng thêm bình quân mỗi năm từ 1,2 triệu người xuống 950.000 người. Quy mô dân số năm 2016 gần 93 triệu người.

Ngày 4-1-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số, KHHGĐ, nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 47, CTDS, KHHGĐ đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 47 vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Chất lượng dân số đã được nâng lên song chưa vững chắc; chỉ số HDI vẫn ở bậc trung bình. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng. Tuổi thọ bình quân tương đối cao nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh của người Việt Nam là khá thấp. Tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% và hằng năm tiếp tục tăng thêm, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Có sự khác biệt lớn về mức sinh giữa các tỉnh và các vùng, miền trong cả nước....

Từ những lý do trên, CTDS trở thành một nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đây là bước ngoặt lớn của chính sách dân số Việt Nam trong thời kỳ mới. Như vậy, nếu trước đây, chính sách dân số, KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với sáu nội dung, tức là phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Theo nghị quyết trên, đây là chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ”, mà là KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới. Nói cách khác, đó là tính đến lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch hóa phát triển. Bởi, căn cứ vào thực tế, tình trạng dân số của nước ta ngày nay đã hoàn toàn khác tình trạng dân số cách đây hơn nửa thế kỷ. Vì vậy, đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, chứ không chỉ đơn thuần là KHHGĐ.

Thêm vào đó, Việt Nam đã ký Công ước quốc tế CEDAW, trong đó có điều khoản các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Do đó, một số chuyên gia dân số cho rằng, việc nới lỏng chính sách sinh con, chuyển trọng tâm từ chính sách dân số, KHHGĐ sang dân số và phát triển phù hợp với pháp luật quốc tế.

Theo NGUYỄN HÒA/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>