Bước tiến trong đời sống đồng bào dân tộc Khmer

Bài 2: Giải pháp phát triển toàn diện

25/04/2016 | 07:19 GMT+7

Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh dành cho đồng bào dân tộc Khmer thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về công tác dân tộc cũng cần có những giải pháp đồng bộ.

Nhạc ngũ âm trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ mai một.

Khó khăn trước mắt

Nhạc ngũ âm được xem là… “linh hồn” của đồng bào dân tộc Khmer ở các lễ hội. Vào dịp này, những âm thanh trong trẻo, đặc trưng của đồng bào vang lên như tiếp thêm niềm vui, sức sống, sinh khí cho lễ hội. Tuy nhiên, những năm qua, loại hình văn hóa này trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy.

Đang lau chùi lại bộ nhạc ngũ âm đặt tại nhà bà Thị Hiền, ông Danh Quợl, Phó Ban quản trị chùa Ôchumrứksa, ở ấp 6, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tiếc nuối: “Cách đây khoảng 7 năm, chùa được đầu tư bộ nhạc cụ để giúp bà con giải trí vào dịp lễ hội, lúc đó vui lắm, nhưng khoảng 5 năm qua không còn như vậy nữa do người biết chơi nhạc cụ giỏi qua đời, người muốn chơi nhưng không đủ tay đánh nhạc dần cũng chán”.

Cũng trong tình cảnh tương tự, chùa Bôrâysêrâychum, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cũng được đầu tư dàn nhạc ngũ âm cách nay hơn 10 năm, nhưng khoảng 5 năm qua người chơi dần ít. “Để đào tạo một người cơ bản biết chơi nhạc ngũ âm mất khoảng 2 tháng, còn chơi hay thì đòi hỏi phải có thời gian dài. Chúng tôi đã mở lớp đào tạo cho thanh thiếu niên trong đồng bào dân tộc Khmer ở xã học, nhưng vì mưu sinh các em cũng không tham gia chơi nhạc nữa. Bên cạnh đó, nhạc cụ này tại chùa cũng đã hư, không còn sử dụng được”, ông Danh Hồng Hoa, người chơi nhạc ngũ âm lâu năm ở xã Xà Phiên, nói.

Hiện tại, toàn tỉnh có 15 chùa Phật giáo Nam tông Khmer và chỉ có 3 chùa có dàn nhạc ngũ âm nhưng đã hư hỏng, xuống cấp; công tác bảo tồn, duy trì loại hình văn hóa này đang cần được quan tâm hơn.

Là địa phương có khá đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhưng cán bộ phụ trách về công tác dân tộc của thành phố Vị Thanh khá hiếm. Phòng Dân tộc thành phố có 5 cán bộ, công chức, viên chức và chỉ có một là người dân tộc Khmer nhưng lại phụ trách thủ quỹ, do đó gặp không ít khó khăn trong công tác chuyên môn. Trong khi đó, thành phố có 9 xã, phường cũng không có đơn vị nào có cán bộ phụ trách riêng về dân tộc. “Mọi dự án, chương trình dành cho đồng bào dân tộc được triển khai xuống địa phương thì cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo của đơn vị đó kiêm luôn, nên ít nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương”, một cán bộ Phòng Dân tộc thành phố Vị Thanh, cho biết.

Huyện Long Mỹ cũng chỉ có 3 cán bộ chuyên trách về dân tộc nhưng là quản lý của Phòng Dân tộc huyện, còn các xã thì không có cán bộ nào là người dân tộc Khmer. Ông Lâm Thanh Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Long Mỹ, cho biết: “Sở dĩ xảy ra tình trạng như thế là do chính sách thu hút, đãi ngộ sinh viên, cán bộ đồng bào dân tộc về xã còn thấp và không có điều kiện phát triển. Ngoài ra, một số địa phương cũng chưa quan tâm quy hoạch phát triển đội ngũ này”.

Giải pháp lâu dài

Theo ông Trần Quốc Thẻo, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, để giải quyết tình trạng thu hút sinh viên dân tộc về công tác tại xã, phường, thị trấn, cần có phối hợp với địa phương - nơi sử dụng cán bộ và cơ sở đào tạo; phải thường xuyên theo dõi quá trình học tập của các em để nắm bắt tình hình. 5 năm qua, số sinh viên bậc cao đẳng, đại  học người dân tộc thiểu số theo hệ cử tuyển là 88 người, sinh viên tốt nghiệp đại học theo hệ cử  tuyển đã được bố trí việc làm là 27 người, đang sắp xếp, bố trí 18 người.

Bên cạnh đó, cần phải rà soát, đánh giá lại công tác cử tuyển để có giải pháp phù hợp với quy hoạch và đáp ứng nhu cầu thực tế. Hàng năm, đơn vị chức năng cần tổng kết công tác cử tuyển, rà soát lại số sinh viên người dân tộc ra trường chưa có việc làm để có kế hoạch bố trí, thay thế cán bộ chưa đạt chuẩn và các xã chưa có cán bộ người dân tộc thiểu số.

Để thu hút cán bộ người dân tộc về xã, đặc biệt là xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, về lâu dài, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh cho rằng cần xác định nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Nếu nhiệm kỳ này chưa có thì nhiệm kỳ sau phải có. Trước hết, phải quan tâm từ đầu đối với con em người dân tộc thiểu số, cần có những chính sách ưu tiên và đào tạo bài bản đối với học sinh dân tộc thiểu số ngay từ cấp tiểu học. Cũng cần thường xuyên tổ chức hội diễn, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, nhất là các dịp lễ hội, tết của đồng bào dân tộc nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; cơ quan chuyên trách cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách và vận động xã hội hóa để duy trì, khôi phục lại loại hình văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của đồng bào”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>