Bước tiến trong đời sống đồng bào dân tộc Khmer

Bài 1: Hiệu quả từ các quyết sách

21/04/2016 | 19:09 GMT+7

Những năm qua, nhờ thực hiện nhiều chương trình, dự án, quyết định của Trung ương, của tỉnh dành cho đồng bào dân tộc Khmer nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào có bước phát triển, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Tuyến đường ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, được đầu tư xây dựng thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng.

Diện mạo mới

Xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ được biết đến không chỉ là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống mà còn là vùng sâu, đường sá đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến giao thương, học hành của học sinh. Thế nhưng, sau khi triển khai thực hiện Chương trình 135, xã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nên giao thông có nhiều khởi sắc, diện mạo đổi mới từng ngày.

Cách chợ Xà Phiên khoảng 2km, nhưng cách đây 2 năm, mỗi lần ra chợ thì bà Thị Bận, ở ấp 5, mất khá nhiều thời gian. Cuối năm 2014, tuyến đường ở ấp được đầu tư xây dựng ngang 3,5m, thông thoáng. “Khi tuyến đường này bắt đầu xây dựng, người dân ở đây mừng lắm, người thì hiến đất, hoa màu, người thì phụ giúp trộn hồ… Ngày khánh thành, ở đây vui như ngày hội, vì từ nay người dân có đường bê tông đi lại dễ dàng”, bà Bận nói.

Còn cây cầu bê tông bắc qua kênh Giữa, ở ấp 4, được xây dựng hoàn thành cuối năm 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho người dân. Ông Danh Lanh, ở ấp 4, cho biết: “Cũng nhờ chính quyền địa phương bắc cây cầu này nên xe máy của nhiều gia đình ở đây chạy về tận nhà, chứ trước đây cầu này là cầu khỉ, qua lại rất khó, nhiều gia đình có xe nhưng phải gửi nhà người thân bên kia đường”. 

Đó là 2 trong nhiều tuyến đường, cầu trên địa bàn xã Xà Phiên được xây dựng từ Chương trình 135. Theo lãnh đạo xã này, 5 năm qua, toàn xã đã xây dựng, mở rộng, nâng cấp gần 100km đường giao thông nông thôn, đạt 162% chỉ tiêu Nghị quyết của nhiệm kỳ 2010-2015; xây dựng mới gần 80 cây cầu bê tông, đạt 254% chỉ tiêu, với tổng kinh phí trên 9,4 tỉ đồng, từ đó 8/8 ấp của xã xe 2 bánh đi lại dễ dàng. Bây giờ trở lại xã Xà Phiên, hình ảnh “cầu tre lắc lẻo”, đường nông thôn “ổ gà, ổ voi” hầu như không còn, thay vào đó là cầu, đường bê tông kiên cố.  

Thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn II) trong việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa một số tuyến đường xuống cấp, hư hỏng trong vùng đồng bào dân tộc, từ năm 2010-2015, toàn tỉnh thực hiện gần 120 công trình, kinh phí gần 43,6 tỉ đồng. Ông Trần Quốc Thẻo, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Nếu trước đây, ở một số vùng nông thôn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, điều kiện đi lại khó khăn thì nay phần lớn đã được xây mới khang trang, thông thoáng, tạo tiền đề giúp địa phương phát triển”.

Không chỉ vậy, hiện nay hệ thống trường, lớp phục vụ việc dạy và học cho con em đồng bào dân tộc Khmer được xây dựng cơ bản. Tỉnh hiện có 2 trường THPT dân tộc nội trú; năm học 2014-2015, có trên 300 học sinh là người dân tộc theo học ở cấp THCS, THPT. Số sinh viên theo học, tốt nghiệp cao đẳng, đại học thông qua cử tuyển ngày càng nhiều. “Chúng tôi cũng triển khai khá tốt từ các chương trình y tế quốc gia; chăm sóc sức khỏe; vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh trong vùng dân tộc. Đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn với gần 44.700 thẻ”, ông Thẻo nhấn mạnh.

Nâng cao chất lượng   cuộc sống

Quyết định số 74 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn cũng được tỉnh thực hiện đạt nhiều kết quả. Từ năm 2008-2010, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho gần 2.000 hộ dân tộc nghèo, tổng kinh phí trên 32 tỉ đồng. Nhờ đó, nhiều hộ Khmer mới có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, tiến bộ.

Trước đây, gia đình bà Thị Thên, ở ấp 5, xã Xà Phiên, có 3 công đất ruộng. Năm 2008, do làm ăn thua lỗ nên bà cố hết đất với giá 30 triệu đồng mong trang trải được cuộc sống, nhưng loay hoay một thời gian thì gia đình bà lại lâm vào cảnh túng quẫn. Năm 2010, thực hiện Quyết định số 74, gia đình bà được xét hỗ trợ 20 triệu đồng để chuộc đất. “Cầm 20 triệu đồng chuộc lại 2 công đất, người ta không cho, vậy là tôi phải mượn của người thân thêm 10 triệu đồng nữa để chuộc hết đất”, bà Thên cho hay.

Từ đó, gia đình bà Thên tập trung chăm lo sản xuất, thâm canh, chăn nuôi heo và tích lũy dần, đến năm 2012 thoát nghèo. “Nếu Nhà nước không hỗ trợ vốn thì không biết chừng nào gia đình tôi mới chuộc lại được đất và thoát nghèo. Tôi sẽ cố gắng làm ăn để không phải cố đất như trước”, bà Thên nói.

Trong khi đó, gia đình bà Lý Thị Bé, ở ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, có 2,5 công đất, cộng với tiền chồng bà làm mướn hàng ngày nhưng nhiều năm vẫn không thoát nghèo. Năm 2010, gia đình bà được xét hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quyết định số 74 để đầu tư chăn nuôi, mở tiệm tạp hóa. Theo bà Bé, từ tiệm tạp hóa, mỗi ngày trừ chi phí bà lời trên 100.000 đồng. Ngoài ra, mỗi năm bà nuôi 3 đợt heo thịt, mỗi đợt khoảng 5 con, trừ chi phí lời hơn nửa triệu đồng/1 con. “Với tiền kiếm được như thế, năm 2012, gia đình tôi thoát nghèo. Tuy chưa khá giả gì nhưng ổn hơn trước nhiều. Tôi sẽ cố gắng làm ăn để khá hơn”.

Toàn tỉnh hiện có 9 lò hỏa táng ở 9 chùa Phật giáo Nam tông Khmer hoạt động, góp phần giúp đồng bào giữ gìn được truyền thống đối với tục ma chay và bảo vệ môi trường.

Lò hỏa táng tại chùa Pôthyvongsa, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, đi vào hoạt động gần 2 năm nay. Ông Danh So, Phó trưởng Ban Quản trị chùa Pôthyvongsa, cho biết: “Trước đây, khi chưa có lò hỏa táng, nhiều gia đình Khmer trong ấp có người thân mất thì họ tự bố trí làm giàn thiêu trên phần đất nhà. Từ khi có lò, gia đình Khmer nào ở đây có người mất đều đem đến đây hỏa táng, rất thuận lợi, mau lẹ”. Còn ông Danh Út bộc bạch: “Có lò hỏa táng rồi, việc mai táng người thân mất cũng thuận lợi, không sợ những lúc trời mưa”. 

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều dự án, quyết định của Trung ương, của tỉnh còn tập trung hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các chùa Khmer trên địa bàn với tổng kinh phí trên 4,3 tỉ đồng; đầu tư đóng mới 4 chiếc ghe ngo, mua dàn nhạc ngũ âm để bà con vui chơi ở các lễ hội.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lê Văn Kha đánh giá: “Thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi những vùng quê nghèo khó, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào tiến bộ nhanh chóng…”.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Bài 2: Giải pháp phát triển toàn diện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>