Bác Hồ chúc mừng năm mới - Anh hoa rực sắc trời xuân

04/02/2016 | 16:06 GMT+7

Xuân Tân Tỵ (1941), Bác Hồ về nước. Năm sau, Tết Nhâm Ngọ, Bác có bài thơ chúc Tết đầu tiên. Từ đó đến lúc qua đời - trừ ba Tết bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt ở Trung Quốc - năm nào Bác cũng có Chúc mừng năm mới. Tết Kỷ Dậu (1969) là dịp chúc Xuân cuối cùng của Bác. Tổng cộng, Bác có hơn 24 Thư và 22 Thơ chúc Tết. Đầu năm mới, Bác chúc những điều tốt đẹp nhất đến đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên, các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác nêu tình hình năm qua, nhiệm vụ năm mới và động viên mọi người ra sức thi đua hoàn thành nhiệm vụ vào thời điểm đó. Những năm có sự kiện quan trọng, Thư và Thơ chúc Tết của Bác ghi lại dấu ấn sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Thư chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968.

Tết Bính Tuất (1946) là Tết độc lập đầu tiên. Bác Hồ có câu đối Tết: “Rượu Hòa Bình, hoa Bình Đẳng, mừng xuân Độc Lập/ Bánh Tự Do, giò Bác Ái, ăn tết Dân Quyền”. Thời điểm này kháng chiến Nam bộ đã diễn ra hơn bốn tháng. Bác chúc đồng bào và chiến sĩ có câu: “Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi”.

Bác Hồ về thăm và chúc Tết nhân dân, cán bộ tỉnh Quảng Ninh (tháng 2-1965).

Tết Đinh Hợi (1947) đến với dân tộc ta khi toàn quốc kháng chiến diễn ra hơn một tháng. Bài thơ chúc Tết năm này của Bác nêu bật khí thế, ý chí, quyết tâm, quan điểm, đường lối kháng chiến và niềm tin nhất định thắng lợi:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Tết Ất Mùi (1955) là Tết đầu tiên sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Bác có câu đối mà Người gọi là “câu đối Tết nôm na”: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ - Tam dương khai thái/ Đoàn kết, thi đua, tăng gia, tiết kiệm - Ngũ phúc lâm môn”.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đem quân xâm lược nước ta. Chúc Tết năm 1966, Bác khẳng định: “Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng/ Tiền tuyến, hậu phương, toàn dân cố gắng/ Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong/ Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng”. Cuối năm 1967, Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân (1968). Đúng giao thừa Tết Mậu Thân, từ Đài Tiếng nói Việt Nam, cả nước nghe Bác Hồ chúc Tết:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta !

Đó cũng là hiệu lệnh nổ súng. Quân dân miền Nam liên tục tấn công vào các cơ quan đầu não của địch. Tết Mậu Thân như một đòn sét đánh, làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Quân dân ta phải hy sinh rất nhiều mới có được thắng lợi Tết Mậu Thân: Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán với ta ở hội nghị Paris. Thắng lợi Tết Mậu Thân mở ra cục diện mới có lợi cho sự nghiệp giải phóng miền Nam: Đẩy mạnh tiến công ngoại giao, sử dụng sách lược “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự - chính trị - ngoại giao để đánh thắng một đế quốc đầu sỏ có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới.

Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Xuân Đinh Mùi, 9-2-1967).

Mừng chiến thắng Mậu Thân, Bác Hồ viết bài thơ chữ Hán Mậu Thân xuân tiết, phác họa nét đẹp rạng rỡ của mùa xuân đất trời hòa quyện với mùa xuân trong lòng người:

Phiên âm:

Mậu Thân xuân tiết

Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên

Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên

Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ

Hoàng oanh phi thượng thiên

Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ

Mang bả Nam phương tiệp báo truyền

Dịch thơ:

Xuân Mậu Thân

Hoa nở đầy vườn giữa tháng tư

Tím tím hồng hồng đua sắc tươi

Bạch điểu xuống hồ tìm bắt cá

Hoàng oanh vút tận trời

Mây trời thư thả đi rồi đến

Miền Nam thắng trận rộn tin vui

(Phạm Minh Khải dịch)

Tết Kỷ Dậu (1969), Bác Hồ có bài Thơ mừng xuân 1969:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào!

Bắc-Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Đây là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác. Bài thơ vừa là lời chúc xuân, vừa là huấn thị về lộ trình để giành thắng lợi hoàn toàn: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Thực hiện lời dạy của Bác, quân dân ta đã làm nên chiến thắng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Đầu năm 1973, Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cuối tháng 3 năm 1973, tên lính Mỹ cuối cùng cút khỏi nước ta. Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30-4-1975, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bác Hồ tặng quà Tết và nói chuyện với các chiến sĩ Đoàn không quân Sao Vàng, sáng mồng 1 Tết Đinh Mùi (9-2-1967).

Rõ ràng, kháng chiến, kiến quốc, hòa bình, độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái, ấm no, hạnh phúc, giàu mạnh… là hạt nhân nổi bật, xuyên suốt trong nội dung chúc mừng năm mới của Bác Hồ. Nó thể hiện ý chí, mục tiêu, nguyện vọng thiết tha của Bác và toàn dân tộc Việt Nam. Những trích dẫn ở trên chứng minh rõ điều đó. Bốn mùa xuân (1955-1958), Bác liên tục khẳng định mục tiêu đấu tranh của cách mạng nước ta là: Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Bác Hồ cũng luôn chúc và kêu gọi đoàn kết, đại đoàn kết. Ngay trong năm chúc Tết đầu tiên (1942), Bác đã nêu: “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau”; “Đoàn kết được chặt chẽ, giải phóng sẽ thành công/ Hỡi quốc dân đồng bào đoàn kết lại!”. Từ đó trở đi, tất cả Thư và Thơ chúc Tết của Bác đều kêu gọi đoàn kết. Có khi từ “đoàn kết” được lặp lại nhiều lần trong một bài chúc Tết. Thơ chúc Tết Mậu Tý (1948) kết thúc: “Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công”. Lời chúc năm mới cuối cùng (1969), Bác cũng kêu gọi: Năm mới đoàn kết, chiến đấu, thắng lợi.

Ngoài ra, rèn luyện đạo đức cần kiệm liêm chính, chống tham ô lãng phí quan liêu cũng là nội dung quan trọng trong chúc Tết của Bác Hồ. Thơ gửi Phụ nữ Việt Nam đăng trên Báo Tiếng gọi Phụ nữ số Xuân Bính Tuất (1946) có đoạn kết:

Cần, kiệm, liêm, chính

Giữ nước vẹn mười

Tức là những người

Sống “đời sống mới”.

Mừng năm mới 1949, Bác chúc: “Các cán bộ thi đua thực hành cần kiệm liêm chính”. Mùa xuân năm 1955, Bác Hồ có bài Diễn văn chúc mừng năm mới trong dịp lễ mừng Trung ương Đảng và Chính phủ về Thủ đô. Sau lời chúc mừng và nêu những công việc phải làm, Bác kêu gọi: “Để làm những công việc trên đây, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi, chúng ta phải chống hủ hóa, tham ô, lãng phí. Chúng ta phải bồi dưỡng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính”. Tết năm 1960, Bác có mấy câu thơ:

Trăm năm trong cõi người ta

Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan

Mừng Xuân, Xuân cả thế gian

Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân.

Thơ xuân, Thơ chúc Tết của Bác giàu chất xuân, nhiều sắc thái, chan hòa, tươi vui, rạng rỡ, đầy khí thế, quyết tâm, lạc quan, tin tưởng. Toàn bộ thấm đậm tình cảm, tư tưởng, ý chí, tình thương yêu bao la của Bác đối với non sông đất nước, đồng bào và cán bộ, chiến sĩ; mong ước mọi người năm mới có thêm niềm vui mới, thắng lợi mới, đời sống mới. Ở đây, có sự hòa quyện Mùa xuân - Dân tộc - Đảng - Cách mạng - Lòng người, thể hiện một mùa Xuân mới, trọn vẹn, đẹp nhất trên đời. Bởi vì, theo Bác, con người chỉ hưởng mùa Xuân trọn vẹn, tươi vui khi được sống trong hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc, có tình người. Hai câu: “Nhất niên tứ quý đô xuân thiên” (Một năm cả bốn mùa đều là Xuân); “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!” đã khái quát chân lý đó.

Chúc mừng năm mới của Bác kết tinh nhiều giá trị tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi độ Xuân về, ngàn hoa đua nở, những giá trị cao đẹp ấy như Anh hoa rực sắc giữa trời Xuân !

PHẠM MINH KHẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>