Ấm lòng người có công

14/01/2016 | 08:01 GMT+7

Thời gian qua, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ luôn được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện, từ đó tạo điều kiện cho nhiều gia đình người có công với cách mạng vươn lên trong cuộc sống.

Ngôi nhà mới đã tạo ra niềm phấn khởi lớn với gia đình bà Lê Thị Nhung (trái), ở ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp.

Dưới cái lạnh của tiết trời mùa đông, bà Lê Thị Nhung (con liệt sĩ), ở ấp Hòa Phụng C, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tất bật dọn dẹp trong căn nhà tình nghĩa đang được khẩn trương xây dựng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bà Nhung chia sẻ: “Tôi hết sức vui mừng khi có được căn nhà tình nghĩa kiên cố như thế này. Từ nay, gia đình tôi sẽ cố gắng làm ăn, để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, không ngừng giáo dục con cháu về truyền thống cách mạng của gia đình. Từ đó, ra sức học tập, rèn luyện, trở thành công dân có ích cho xã hội”.

Được biết, gia đình bà Nhung chỉ có 2 công đất ruộng, do đó, cuộc sống luôn trong tình cảnh thiếu trước hụt sau. Chính vì vậy, khi có được căn nhà khang trang, kiên cố, cả gia đình ai nấy hết sức phấn khởi. “Thời gian qua, gia đình tôi làm lụng vất vả nhưng vẫn không cất nổi căn nhà. Nay nhờ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm cất cho căn nhà tình nghĩa, tết này gia đình tôi mừng lắm. Nói thiệt, tôi mừng đến rơi nước mắt !”, bà Nhung bộc bạch.

Nhìn căn nhà mới khang trang sắp hoàn thành, bà Nhung không khỏi bùi ngùi xúc động, không vui sao được vì nhiều năm liền gia đình bà phải sống trong cảnh “nhà dột cột xiêu”. Theo bà Nhung, căn nhà tình nghĩa được xây dựng là món quà vô cùng ý nghĩa, là niềm động viên lớn lao giúp gia đình bà có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Cùng chung niềm vui với bà Nhung, căn nhà tình nghĩa của gia đình ông Huỳnh Văn Bé (thương binh 4/4), ở ấp 1, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo lời ông Bé, ông tham gia cách mạng năm 1960 khi mới 18 tuổi, đến năm 1967, ông lập gia đình và tiếp tục phục vụ cách mạng. Khi hòa bình lập lại, ông trở về quê sinh sống cùng vợ và các con. Mặc dù gia đình đã cật lực lao động nhưng khó khăn vẫn chồng chất. Do đó, dù căn nhà trước đây bị xiêu vẹo nhưng gia đình vẫn không có kinh phí để xây dựng lại.

Xét thấy hoàn cảnh khó khăn, nên ngành chức năng đã hỗ trợ tiền để gia đình xây căn nhà tình nghĩa. Trong thời gian căn nhà xây dựng, gia đình ông cũng dành thời gian phụ giúp thêm ngày công lao động để căn nhà sớm hoàn thành. Ngoài số tiền được hỗ trợ là 40 triệu đồng, gia đình ông còn góp thêm một ít tiền để xây dựng căn nhà khá kiên cố với nền lót gạch bông, mái lợp tol thoáng mát. Với sự chăm lo hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, ước mơ có được ngôi nhà kiên cố, khang trang của gia đình ông Bé đã thành hiện thực.

Đứng trước căn nhà đang được khẩn trương xây dựng, ông Bé không giấu được niềm vui. Ông chia sẻ: “Là một thương binh, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên nhiều năm qua tôi không có điều kiện để sửa chữa lại căn nhà xuống cấp. Do đó, gia đình tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã giúp chúng tôi có được ngôi nhà mới. Tết Bính Thân năm nay là một cái tết đáng nhớ đối với gia đình tôi”.

Những căn nhà tình nghĩa đã và đang được xây dựng chứa đựng biết bao sự tri ân của cộng đồng xã hội, của thế hệ đi sau đối với những người có công với đất nước. Đó là những mái nhà ấm áp nghĩa tình, góp phần lan tỏa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Đồng thời, đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để các đối tượng người có công tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng cho quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>