Ấm áp ngày giỗ chung các liệt sĩ

26/07/2016 | 09:19 GMT+7

Hàng năm, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cán bộ, những người thân của liệt sĩ và các gia đình có công với cách mạng ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy lại tụ họp về trụ sở xã, sắm sửa mâm cỗ làm giỗ chung cho các anh hùng liệt sĩ nói chung và các liệt sĩ là con em của xã nói riêng đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Dù cao tuổi nhưng nhiều Mẹ Việt Nam anh hùng vẫn tranh thủ về dự ngày giỗ.

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng những ngày qua, bà Trần Thị Lan, ở ấp 9, xã Vị Thắng, lại nôn nao, bồi hồi chuẩn bị để chờ đến ngày 27-7 về xã dự cúng giỗ và họp mặt các gia đình chính sách. Có chồng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi năm tới ngày giỗ chung, bà chưa hề vắng mặt dù tới ngày mất thực sự của chồng, gia đình đều tổ chức đám giỗ riêng, bởi đó không chỉ là thói quen hàng năm mà còn có điều rất thiêng liêng.

Cùng chung tâm trạng như bà Lan, Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Phạm Thị Ba, ở ấp 7, xã Vị Thắng, có 2 người con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm nay đã 94 tuổi, đi lại rất khó khăn và trí nhớ cũng đã giảm, nhưng cứ đến ngày giỗ là Mẹ lại nằng nặc đòi ông Trần Thanh Liêm, là con trai út chở đi. Dù có mệt do tuổi già và lên đám giỗ chỉ để thắp nén hương cho các vong linh liệt sĩ, nhưng Mẹ vẫn thấy ấm lòng vì được gặp lại những đồng đội đã từng chiến đấu cùng các con. Ông Liêm xúc động nói: “Tôi rất cảm kích khi ngày giỗ chung cho các liệt sĩ, trong đó có 2 anh tôi được chính quyền địa phương tổ chức trang trọng hàng năm trong không khí ấm áp. Có lẽ anh, chị của tôi cùng những đồng đội sẽ rất ấm lòng nơi chín suối về nghĩa cử này”.

Người đầu tiên khởi xướng cho đám giỗ chung này là ông Nguyễn Trung Thành, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vị Thắng, nay đã nghỉ hưu. Theo ông Thành, với những người từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc luôn đối mặt với những giờ phút sinh tử. Đất nước độc lập, thống nhất, ông cũng như nhiều người lính trở về là nhờ có những đồng đội đã hy sinh. Tuy vậy, không phải ai cũng được cúng giỗ đàng hoàng. Vậy nên từ khi khởi xướng đến nay đã 35 năm trải qua với nhiều thăng trầm, thay đổi nhưng chưa năm nào đám giỗ bị gián đoạn và năm nào ông cũng tranh thủ về dự. Đặc biệt là mỗi khi tổ chức, bà con người mang bánh, người mang trái cây, nhang đèn,… đến cúng giỗ. Không khí rất ấm cúng, rất thân tình.

Ông Phạm Thanh Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vị Thắng, cho biết: “Hàng năm xã tổ chức 35-40 mâm cơm từ nguồn ngân sách xã, huyện hỗ trợ 1 phần, phần còn lại tiết kiệm từ các khoản chi để dành. Mâm cơm cũng có đủ các món như đám giỗ ở thôn quê. Năm nay dù kinh phí hạn hẹp nhưng xã cũng đã cố gắng gói ghém tổ chức khoảng 30 mâm mời các mẹ VNAH, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng về dự đám giỗ ngay ngày 27-7. Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và đây như là nghĩa cử các thế hệ sau dành cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Hy vọng dưới suối vàng các liệt sĩ không cảm thấy cô đơn mà luôn được sưởi ấm”.

Bài, ảnh: THU HIỀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>