3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội

22/03/2016 | 17:11 GMT+7

Trình bày báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên họp khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp được 3.794 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 694 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3.100 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Chủ tịch UBTWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Đánh giá cao hoạt động của các cơ quan Nhà nước

Theo báo cáo, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XIII trên các lĩnh vực xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao, nổi bật nhất là công tác xây dựng pháp luật với việc ban hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng cụ thể hóa Hiến pháp; ghi nhận và đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm, sâu sát nhân dân của Chủ tịch nước. Cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã quan tâm chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước; ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan hữu quan trong công tác xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội; ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới về tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án và Viện kiểm sát trong việc thực thi pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

Bức xúc về sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thức phẩm

Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Tính từ 17/12/2015 đến 16/02/2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 784 người bị ngộ độc, trong đó 01 trường hợp tử vong.Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước nói chung. Trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thanh tra 20 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với kết quả 80% số cơ sở phát hiện có dấu hiệu vi phạm

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, song tình hình vẫn rất nghiêm trọng.

Ảnh: Đình Nam

Vì vậy, cử tri và nhân dân cả nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp, tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm theo Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tích cực phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, triển khai Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát an toàn thực phẩm giai đoạn 2016- 2021.

Kiến nghị về “quốc nạn” mất an toàn thực phẩm như phản ánh và bức xúc của cử tri và nhân dân đã nêu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho hay với trách nhiệm của mình, ngay trong năm 2016 này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp với Chính phủ xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016- 2021 và huy động toàn bộ hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên từ Trung ương tới cơ sở và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi chức năng, trách nhiệm của mình có giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện chương trình phối hợp nêu trên.

Lo lắng trước tình hình biến đổi khí hậu khốc liệt

Tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân và dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn hơn khiến cử tri và nhân dân không khỏi lo lắng.

Thực tế, tình trạng xâm ngập mặn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến diện tích trà lúa chính vụ. Tính đến trung tuần tháng Hai đã có 24,5 nghìn ha lúa bị nhiễm mặn (mất trắng 6 nghìn ha), trong đó Bến Tre 10 nghìn ha; Long An 7 nghìn ha; Kiên Giang 6,5 nghìn ha; Tiền Giang 1 nghìn ha. Hiện có khoảng 160.000ha đất sản xuất tại đồng bằng Sông Cửu Long bị hạn hán, xâm mặn; và trong thời gian tới nguy cơ 300.000 ha đất tại đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị hạn hán, xâm mặn. Ước tính, khoảng 320 ngàn hộ, với khoảng 1,5 triệu người đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng hạn hán ở khu vực Tây Nguyên, năm nay được dự báo là rất khốc liệt, hiện nay, riêng tỉnh Đăk Lăk có 9.272 ha cây trồng bị khô hạn; trên 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm mặn; hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra các biện pháp căn cơ, lâu dài trong việc quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều; điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích ứng lâu dài và phối hợp với các quốc gia láng giềng để cùng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp ưu tiên tập trung tối đa các nguồn lực cho việc nghiên cứu, triển khai khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm đối phó kịp thời, có hiệu quả và bền vững đối với tình trạng biến đổi khí hậu, trước hết là đối với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra rất gay gắt ở đồng bằng Sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Ngoài ra, một số vấn đề về sản xuất kinh doanh và quản lý thị trường, việc bảo đảm an sinh xã hội, về công tác quản lý tổ chức lễ hội văn hóa, vấn đề điều chỉnh giá dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh, tình hình trật tự an toàn giao thông và quản lý đô thị, quản lý tài nguyên môi trường cũng được nhân dân, cử tri cả nước gửi đến Quốc hội lần này.

Theo Bảo Yến/quochoi.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>