Vướng một hộ, làm khổ cả cộng đồng !

14/01/2016 | 07:40 GMT+7

Tuyến đường đi qua ấp 1 và ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, mở rộng, xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 2 năm nay, giúp bà con đi lại dễ dàng, giao thương thuận lợi. Hơn thế nữa, để tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện hơn, chính quyền địa phương đã xây dựng cây cầu bắc qua kênh Mười Thước và cũng hoàn thành xong mặt cầu hơn 1 năm. Thế nhưng, cây cầu này không thể tiếp tục xây dựng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân.

Cầu, đường chưa hoàn thành, học sinh, người dân đi lại khó khăn.

Khi tuyến đường mở rộng

Nhìn tuyến đường thẳng tắp, thông thoáng, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, ở ấp 1, vui vẻ nói: “Cũng nhờ chính quyền địa phương mở rộng, xây dựng tuyến đường này nên người dân chúng tôi mới có điều kiện đi lại dễ dàng, giao thông thuận lợi, từ đó thúc đẩy kinh tế, đời sống người dân ở đây ngày càng phát triển”. Trước đây, tuyến này là đường nhựa, nhưng khá nhỏ và đã xuống cấp, hư hỏng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, chính quyền địa phương họp dân để triển khai mở rộng, xây dựng. “Nghe mở rộng, xây dựng đường, người dân ở đây mừng lắm và hăng hái đăng ký hiến đất để sớm hoàn thành tuyến đường”, bà Vân cho biết thêm.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh, ở ấp 1, cũng tiên phong trong việc hiến đất làm đường. Khi nghe chính quyền địa phương triển khai mở rộng, xây dựng tuyến đường, bà Thanh vui mừng như mở hội. Bởi ấp 1 và ấp 12, vốn là vùng sâu, vùng xa của xã Vĩnh Viễn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc mở rộng, xây dựng tuyến đường là cơ hội giúp địa phương ngày càng phát triển, vùng quê có cơ hội chuyển mình. “Từ ngày tuyến đường này đưa vào sử dụng, chúng tôi ít đi chợ, vì xe hàng bông chạy tới đây 2-3 chiếc/ngày nên dễ dàng mua sắm. Nhưng mừng nhất là mấy đứa cháu học sinh ở đây đi học thuận lợi hơn, đạp xe đi học không còn phải lo sình bùn như trước đây nữa”, bà Thanh cho biết.

Đó là tâm sự chung của hầu hết người dân trên tuyến đường này khi được mở rộng. Theo nhiều người dân ở đây, khi tuyến đường hoàn thành, đời sống bà con phát triển vượt bậc, diện mạo nông thôn địa phương đã thay đổi. Từ một địa phương vùng sâu, vùng xa của xã Vĩnh Viễn, nay khoảng cách ấy đã dần rút ngắn, không chỉ về thời gian đi lại, mà còn tính hiện đại, văn minh. Nhiều gia đình đã ăn nên làm ra, xây dựng nhà kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng, có điều kiện mua các thiết bị sinh hoạt trong gia đình…

Niềm vui chưa trọn vẹn

Tuyến đường khi triển khai xây dựng đi qua phần đất của 86 hộ dân. Khi chính quyền địa phương triển khai, vận động bà con hiến đất để mở rộng, xây dựng đường, cầu thì có 85 hộ tự động đứng ra ủng hộ. Thế nhưng, chỉ có 1 hộ là gia đình bà Phạm Thị Quen không chịu bàn giao đất để xây đường, cầu và phần đất của bà nằm ngay dốc cầu, do đó ảnh hưởng rất lớn trong việc thi công, xây dựng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu tuyến đường này mở rộng 3,5m theo quy định sẽ đi qua sân bê tông trước nhà của gia đình bà Quen và dốc cầu sẽ ảnh hưởng đến ngôi nhà của con trai bà đang ở và bán tạp hóa. Trao đổi với chúng tôi, bà Quen cho biết: “Sở dĩ gia đình tôi không chịu bàn giao đất để địa phương mở rộng, xây dựng đường, cầu là do chính quyền địa phương đưa ra mức bồi hoàn không phù hợp với cuộc sống và thu nhập của gia đình, nhất là quán tạp hóa. Tôi chỉ cần mức bồi hoàn hợp lý là được”.

Theo nhiều người dân nơi đây, việc chính quyền địa phương mở rộng, xây dựng tuyến đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Khi mở rộng đường, chính quyền đã hỗ trợ kinh phí để người dân di dời các vật kiến trúc, hoa màu bị ảnh hưởng, có hộ được hỗ trợ vài trăm ngàn đồng hay vài triệu đồng.

Do gia đình bà Quen không chấp nhận bàn giao đất để mở rộng, xây dựng đường, cầu nên ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân, trong khi từ dốc cầu đến đoạn làm xong không đầy 100m. Có nhà gần chỗ tiếp nối của đoạn chưa làm và đoạn làm xong nên bà Nguyễn Thị Mỹ Thanh chứng kiến nhiều cảnh người dân không rõ đường đi và thường xuyên bị té ngã, nhất là vào ban đêm. Theo bà Thanh, cách đây vài hôm, do không rõ đường đi, nên một người chạy xe gắn máy đến chỗ tiếp nối giữa đoạn làm xong và đoạn chưa làm đã bị té sụp bả vai, bởi đoạn tiếp nối này có vực hẳm. “Không chỉ một lần, mà khoảng 2-3 ngày thì có một vụ té xe xảy ra tại đây, có người ngất xỉu tại chỗ”, bà Thanh cho biết thêm.

Ngoài ra, do cây cầu bắc qua kênh Mười Thước chưa hoàn chỉnh, nên gia đình bà Quen đã mở bến đò gần dốc cầu để đưa, rước người dân trong việc đi lại. Tuy nhiên, có hôm sợ trễ học, nhiều em học sinh phải vác xe đạp leo lên dốc cầu mà đi và không ít lần té ngã. Em Nguyễn Văn Khang, học sinh Trường THCS Trương Tấn Lập, xã Vĩnh Viễn, cho biết: “Em mong sao sớm hoàn thành cây cầu để chúng em đi lại dễ dàng, không còn cảnh té ngã khi vác xe, mỗi lần sợ trễ học”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Thanh Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn, cho biết: “Qua nhiều lần khảo sát, Ban Quản lý dự án công trình và ngành chức năng đưa ra mức hỗ trợ cuối cùng cho gia đình bà Quen là 30,2 triệu đồng. Đây là mức hỗ trợ từ các vật kiến trúc, hoa kiểng, quán tạp hóa của gia đình bà bị ảnh hưởng đúng theo quy định. Thế nhưng, gia đình bà Quen vẫn chưa chấp nhận và không bàn giao đất. Vừa rồi, chúng tôi phối hợp với UBND huyện tổ chức họp khoảng 50 hộ dân về vụ việc trên và tất cả tán thành về mức giá đó. Người dân cũng kiến nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh tay hơn đối với gia đình bà Quen, nhằm sớm hiểu và bàn giao đất để xây dựng cầu, đường được thuận lợi, phục vụ nhu cầu đi lại. Lãnh đạo huyện cũng đã chỉ đạo tiếp tục vận động, tuyên truyền bà Quen hiểu và bàn giao đất để xây dựng cầu, đường, nếu không sẽ cưỡng chế theo quy định”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>