Quản lý vận tải hàng hóa trong mùa dịch

13/09/2021 | 07:48 GMT+7

Bài 2: Siết chặt quản lý người và phương tiện vận chuyển

Để đạt được mục tiêu kiểm soát sớm dịch bệnh, Hậu Giang đang thực hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý, nhất là đối với lực lượng trực tiếp vận tải hàng hóa.

UBND tỉnh chỉ đạo quản lý hết sức chặt chẽ lực lượng tài xế trên địa bàn, kể cả tài xế nội tỉnh và ngoài tỉnh.

Cần sớm tiêm phòng

Hậu Giang đang siết chặt kiểm soát, ngăn chặn rủi ro lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào địa bàn. Trong đó, lực lượng vận chuyển hàng hóa được xem là một trong những nguy cơ tiềm ẩn. Nhiều địa phương đang thống kê, đưa nhóm lao động trực tiếp vận tải hàng hóa vào diện ưu tiên cần tiêm sớm vắc-xin phòng Covid-19. Đây cũng là mong mỏi của nhiều tài xế, đơn vị kinh doanh vận tải lúc này.

Anh Trần Hoàng Út, đại diện đơn vị vận tải K.Đ., ở thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Nhiều biện pháp được cơ quan chức năng đưa ra để quản lý vận tải, nhằm đảm bảo an toàn cho từng địa bàn. Đây là quy định chung, mình tuân thủ chặt chẽ. Những người làm kinh doanh vận tải như chúng tôi tha thiết mong mỏi tài xế sớm được tiếp cận với vắc-xin để yên tâm hơn khi vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch”.

Tuần qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thống kê danh sách tài xế vận tải hàng hóa có nhu cầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và gửi về địa phương để ưu tiên trong đợt tới. Qua thống kê đến cuối tháng 8, có trên 1.400 tài xế, người lái phương tiện thủy cần được ưu tiên sớm tiêm vắc-xin. Trong đó, tài xế đường bộ có trên 1.200 người (130 người đã tiêm mũi 1) và khoảng 350 người lái phương tiện thủy nội địa.

Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng vận tải là một “mắt xích” vô cùng quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Nhưng rủi ro từ nhóm này cũng rất lớn. Việc ưu tiên tiêm vắc-xin lực lượng trực tiếp tham gia vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa là điều rất cần thiết; vừa giảm áp lực trong quản lý rủi ro dịch bệnh, vừa góp phần đảm bảo “mắt xích” của chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy.

Siết chặt quản lý người và phương tiện

Qua thống kê của cơ quan quản lý, kể từ ngày 19-7 đến cuối tháng 8, có trên 2.200 phương tiện đã được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang hỗ trợ cấp mã QR Code. Trong đó, có khoảng 1.600 xe hoạt động vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Khoảng 45% số xe này đi các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước; 20% xe các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh; 30% đi các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ. Còn lại là các xe phục vụ vận chuyển hàng hóa nội tỉnh.

Theo quy định mới của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay việc kê khai thông tin giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động (mã QR Code) sẽ do các đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp thực hiện tự động trên phần mềm mà không phải qua phê duyệt của các Sở Giao thông Vận tải.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang, ông Mai Văn Tân cho biết: Kể từ 18 giờ ngày 26-8-2021, Sở Giao thông Vận tải tỉnh không còn cấp giấy nhận diện mã QR Code cho các loại xe vận tải hàng hóa mà chuyển sang hình thức doanh nghiệp sẽ tự đăng ký và được cấp tự động. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở đã thông báo đến các đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp nắm rõ.

“Tuy nhiên, đây cũng là một điểm khó trong quản lý hậu kiểm sau này. Theo các văn bản chỉ đạo của ngành, tới đây để quản lý chặt chẽ hơn, lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải và Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp để thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hơn nữa”, ông Mai Văn Tân cho biết thêm.

Xác định phải siết chặt quản lý lực lượng vận tải hàng hóa trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải sớm có hướng dẫn để các huyện thống nhất trong kiểm tra. Lưu ý phải kiểm tra kỹ về thời hạn xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 72 giờ. Trên lĩnh vực đường thủy, hiện nay chưa thực hiện cấp QR Code thì vẫn kiểm tra thời hạn xét nghiệm âm tính Covid-19 còn thời hạn 72 giờ đối với người trên phương tiện, khai báo y tế, điểm đi, nơi đến.

Trên lĩnh vực quản lý vận tải hiện nay, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chỉ đạo các địa phương quản lý hết sức chặt chẽ lực lượng tài xế trên địa bàn, kể cả tài xế nội tỉnh và ngoài tỉnh. Các chốt, trạm lưu ý, khi kiểm tra phát hiện trường hợp người trên phương tiện quá thời hạn giấy chứng nhận âm tính Covid-19 trong 72h giờ thì dứt khoát không cho vào tỉnh. Các xe chuyển hàng hóa phải vào điểm tập kết, trừ những hàng hóa không thể sang chuyển thì dẫn dắt vào ngay địa điểm bốc hàng hóa xuống, giao hàng xong phải rời đi ngay lập tức. Nếu xe tiếp tục tập kết để vận chuyển hàng hóa từ tỉnh ra thì phải tập trung vào bến, bãi; khâu xét nghiệm, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Tuyệt đối không để di biến động ra khỏi bãi tập kết. Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát nghiêm, không để lọt trường hợp vào địa bàn không đi đúng nơi theo lộ trình trong giấy nhận diện phương tiện.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các địa phương tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm, xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị vận tải, người lái xe vi phạm. Dứt khoát không để ùn tắc giao thông, nhất là ở các trạm, chốt. Cần có giải pháp để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ưu tiên tiêm vắc-xin cho lái xe, đây là đối tượng lao động đặc biệt, có vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa.

 

Bài, ảnh: ẨN LIÊN

Bài 3: Tháo “nút thắt” lưu thông

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>