Nỗi lo an toàn giao thông đường thủy

16/06/2016 | 08:20 GMT+7

Thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa được các cơ quan chức năng đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp, song tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Nhiều bến đò ngang trên địa bàn tỉnh thiếu an toàn.

Tai nạn tăng cả 3 mặt

Theo Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nội địa, làm chết 2 người, bị thương 2 người, so với cùng kỳ tăng 1 vụ, tăng 1 người chết và tăng 2 người bị thương.

Trước đó, khoảng 18 giờ 30 phút ngày 2-3, tại tuyến kênh Xáng, thuộc ấp Cầu Xáng, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, xảy ra một vụ TNGT đường thủy làm 1 người chết và 2 người bị thương. Vào thời điểm trên, vỏ lãi do anh Huỳnh Văn Dư, ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, điều khiển chở 4 người lớn và 1 bé gái trên đường đi ăn đám về, đến tuyến đường trên thì va chạm với ghe khoảng 10 tấn mang biển kiểm soát AG-17734, do anh Bùi Văn Thảo, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng điều khiển. Vụ va chạm làm chiếc vỏ lãi lật úp khiến 1 người chết và 2 người bị thương. Nguyên nhân là do anh Dư điều khiển phương tiện không quan sát khi qua luồng.

Hay khoảng 19 giờ ngày 5-12-2015, trên đoạn kênh xáng Búng Tàu, thuộc ấp Tân Thành, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, xảy ra vụ TNGT đường thủy làm 1 người chết. Theo đó, vào thời gian trên, anh Lê Hoàng Minh, ngụ ấp Tân Hòa B, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng điều khiển vỏ lãi đến đoạn kênh trên thì va chạm với ghe có trọng tải khoảng 3 tấn do anh Nguyễn Thanh Bình, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng điều khiển. Hậu quả làm anh Minh té xuống kênh chết. Nguyên nhân vụ việc là do anh Minh điều khiển phương tiện không đúng luồng.

Đó là 2 vụ TNGT đường thủy nội địa xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Theo đại tá Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, nhiều năm gần đây, TNGT đường thủy nội địa liên tục xảy ra, đặc biệt là phương tiện thủy dân dụng. Đặc thù đường thủy là một khi xảy ra tai nạn thì chết người chiếm tỷ lệ rất cao, do sau va chạm các phương tiện bị chìm, người điều khiển rơi xuống nước, không được phát hiện, cứu vớt kịp thời. Tai nạn hầu hết xảy ra vào ban đêm khi người dân lưu thông không có đèn chiếu sáng, chạy tốc độ nhanh, có sử dụng rượu bia...

Một thực trạng cũng đáng quan ngại về TNGT đường thủy nội địa là nhiều gia đình vẫn vô tư cho con em điều khiển phương tiện thủy trong khi chưa đủ tuổi, hay đi không đúng phần luồng…

Nhiều bến đò ngang không an toàn

Có mặt tại bến đò ngang của bà T., qua kênh Vàm Chống, ở ấp 6, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, chiếc đò rộng không đến 2m, dài hơn 3m, nhưng bình quân mỗi lượt có tới 2-3 xe môtô, xe đạp và khoảng 4 khách qua kênh. Tuy nhiên, trên đò không được trang bị bất cứ dụng cụ gì để cứu sinh. Theo anh Nguyễn Văn Tài, người thường xuyên đi qua bến đò này, cho biết: “Trước giờ qua đò tôi cũng như nhiều người khác chưa bao giờ mặc áo phao. Có chăng chỉ là những lúc ngành chức năng đi kiểm tra, được chủ đò phát hiện và yêu cầu mặc cho lấy lệ, xong rồi cũng thôi”.

Cũng theo anh Tài, nhiều khi chủ đò không phát áo phao nên cũng chẳng ai chú ý để mặc. “Khúc kênh ngắn, không tiện mặc áo phao, với lại áo phao quá bẩn nên không mặc”, anh Tài phân trần.

Trao đổi với chúng tôi, bà T. (chủ bến đò) cho hay, bến đò của bà mở khoảng 5 năm qua, cứ thế hoạt động và chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào. “Ở đây ít ghe tàu qua lại và mình lái đò cẩn thận chắc không đến nỗi xảy ra tai nạn (?)”, bà T. cho biết.

Tình trạng vi phạm trên diễn ra khá phổ biến ở bến đò ngang các tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh. Nguy hiểm hơn, nhiều bến đò nhỏ ngang sông, kênh, phương tiện vận tải đã xuống cấp nặng, đò cũ chòng chành, thiếu an toàn, tuy nhiên, các bến đò ngang này vẫn còn xem nhẹ việc bảo đảm an toàn cho khách. Số lượng phao và áo phao cứu sinh rất ít so với số lượng khách sang sông, thậm chí có những chiếc đò ngang không trang bị phao. Đại tá Nguyễn Văn Chính cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị phối hợp lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, toàn tỉnh có 83 bến đò ngang, trong đó có 35 bến có giấy phép, 25 bến giấy phép hết hạn, 23 bến không giấy phép. Đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính và nhắc nhở các chủ đò do vi phạm về quy định an toàn, như không trang bị và trang bị không đủ phao, áo phao cứu sinh, không giấy phép… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa việc kiểm tra các chủ phương tiện đưa khách sang sông bảo đảm các điều kiện cần thiết khi hoạt động, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, nhất là vào mùa mưa như hiện nay và mùa lũ năm 2016 cận kề”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>