Nhân văn một mô hình

30/09/2019 | 06:54 GMT+7

Nhân văn vì khi hay tin người bị tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thì dù ngày hay đêm, một số thành viên của Đội sẽ có mặt để phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường, sơ cấp cứu ban đầu, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất điều trị.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long hướng dẫn thành viên trong Đội cách băng bó vết thương.

Đó là Đội “Thanh niên tình nguyện sơ ứng cứu nhanh” ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, thành lập vào năm 2014. Từ đó đến nay, Đội đã giúp trên 40 trường hợp bị nạn.

Rất kịp thời

Theo một số thành viên của Đội, trung bình mỗi năm trên địa bàn xảy ra khoảng 6 vụ tai nạn, va chạm giao thông, riêng từ năm 2019 đến nay xảy ra trên 10 vụ.

Chị Cao Kim Mơ, Bí thư Xã đoàn Tân Long, cho biết, thành lập mô hình vì xã có 2 ấp Thạnh Lợi A1 và Thạnh Lợi A2 nằm trên Quốc lộ 1A nên tình hình tai nạn, va chạm giao thông xảy ra thường xuyên. Đặc biệt, khi xảy ra tai nạn, người bị thương ít được giúp đỡ, hỗ trợ băng bó và chở đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Triển khai kế hoạch thành lập, có trên 20 người đăng ký tham gia, qua lựa chọn, đơn vị nhận 12 thành viên là cán bộ xã đoàn, công an, quân sự, bí thư, trưởng 2 ấp Thạnh Lợi A1 và Thạnh Lợi A2; cán bộ trạm y tế; hội chữ thập đỏ...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, đơn vị phối hợp với một số ngành tập huấn cách băng bó vết thương; phối hợp với chủ xe cứu thương từ thiện trên địa bàn vận chuyển người bị thương nặng đến Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy điều trị…

Theo chị Mơ, trong hơn 10 vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra trên địa bàn thì có 7 vụ bị thương nhẹ ở tay, chân. Sau khi hỗ trợ băng bó vết thương, thời gian sau có người quay lại tặng quà cho Đội.

Trường hợp của chị Lý Thanh Ngân, ở ấp Thạnh Lợi A1 là một ví dụ. Cách đây vài tháng, đang điều khiển xe gắn máy từ cầu Trắng đi thành phố Cần Thơ, đến gần UBND xã Tân Long thì bị một người đàn ông đi xe gắn máy cùng chiều đụng vào. Hậu quả, người đàn ông ấy chết tại chỗ, còn chị Ngân bị xây xướt nhiều chỗ trên người. Khi hay tin, thành viên của Đội đến hiện trường băng bó vết thương, sau đó chở chị Ngân đến Trạm Y tế xã để cấp cứu. Khi nhắc lại vụ việc, chị Ngân nói: “Nếu hôm đó không có các thành viên trong Đội giúp đỡ thì không biết tính mạng của tôi sẽ ra sao”.

Các thành viên của Đội cho rằng, việc làm của mình không chỉ vì trách nhiệm mà còn xuất phát từ tình người. Anh T., cán bộ Trạm Y tế xã Tân Long, nói: “Tôi vui vì làm việc có ích, với lại khi làm nhiệm vụ luôn đặt mình vào vị trí là người thân của người bị nạn và làm hết sức mình”.

Để có sự phản ứng nhanh, kịp thời, ngoài việc nắm tin báo của người dân, hàng tuần, một số thành viên trong Đội còn phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra trên tuyến Quốc lộ 1A và một số tuyến đường chính ở xã. Hàng năm, Đội phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cứu người bị thương cho các thành viên.

Nhân rộng

Không chỉ tổ chức sơ ứng cứu và tham gia bảo vệ hiện trường, kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, Đội còn chú trọng tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông.

Trong đó, tập trung tuyên truyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. “Việc tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đã giúp những thanh niên như tôi nắm bắt thêm các quy định cần thiết khi tham gia giao thông. Đơn cử như Đội cho biết về mức xử phạt khi đi xe máy chở quá số người quy định; uống rượu bia chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ… góp phần hạn chế tình trạng thanh niên ở nông thôn vi phạm các quy định khi tham gia giao thông”, anh Nguyễn Minh Tâm, ấp Thạnh Lợi A1, nói.

Theo Tỉnh đoàn, qua hơn 5 năm thành lập, Đội “Thanh niên tình nguyện ứng cứu nhanh” xã Tân Long đã phát huy hiệu quả trong sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông, đưa người đi cấp cứu kịp thời và bảo vệ hiện trường vụ tai nạn. Phát huy hiệu quả đạt được, Tỉnh đoàn đã nhân rộng mô hình tại một số địa phương trong tỉnh. Tới đây, Tỉnh đoàn cũng sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho đoàn viên, thanh thiếu niên.

Có thể nói, thông qua mô hình trên đã từng bước thay đổi ý thức về văn hóa giao thông của nhiều người, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông ở một số địa phương.

“Hơn 5 năm qua, chúng tôi làm việc này bất kể ngày đêm mà không có khoản phụ cấp nào. Tuy nhiên, với tinh thần tình nguyện, các thành viên trong Đội vẫn vui vẻ thực hiện tốt nhiệm vụ. Hiện điều khó khăn nhất là băng gạc, các loại thuốc giảm đau, sát trùng… hạn chế nên các thành viên phải tự bỏ tiền túi để trang bị thêm”, chị Mơ chia sẻ.

 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>