Khó trong thực hiện Thông tư 01

09/11/2016 | 08:05 GMT+7

Thông tư 01 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (có hiệu lực từ ngày 15-2-2016), trong đó có quy định giới hạn tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông cấp huyện. Sau gần 1 năm triển khai, lực lượng cảnh sát giao thông cấp huyện trong tỉnh gặp khá nhiều khó khăn trong thi hành thông tư này.

Một vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 61C.

Khoản 3 Điều 17 Thông tư 01 quy định, đối với công an cấp huyện, bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính; đường tỉnh, đường đô thị theo quyết định phân công, phân cấp của giám đốc công an cấp tỉnh. Phối hợp với phòng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của giám đốc công an cấp tỉnh.

Như vậy, cảnh sát giao thông cấp huyện chỉ được tuần tra, kiểm soát và xử lý những trường hợp vi phạm trên các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, đường xã… khi tuần tra độc lập, còn quốc lộ đi qua địa bàn huyện, thị xã, thành phố muốn tuần tra, kiểm soát thì phải phối hợp với phòng cảnh sát giao thông công an cấp tỉnh thực hiện. Vấn đề này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông cấp huyện và tỉnh, dẫn đến hệ lụy là số vụ tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ có chiều hướng gia tăng.

Quốc lộ 1A và Quản lộ Phụng Hiệp qua địa bàn thị xã Ngã Bảy khoảng 20km. Hai tuyến này có mật độ giao thông khá cao bởi là huyết mạch đi các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, do đó tiềm ẩn rất lớn tai nạn giao thông.

Theo Đội Cảnh sát giao thông Công an thị xã Ngã Bảy, trong 11 tháng đầu năm, trên địa bàn thị xã xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10 người, bị thương 4 người, trong đó có đến 80% số vụ xảy ra trên hai tuyến lộ vừa nêu. Đại úy Nguyễn Thanh Tươi, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Sở dĩ số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở hai tuyến trên nhiều là do chúng tôi thực hiện Thông tư 01 nên phạm vi tuần tra, kiểm soát hạn chế. Chúng tôi chỉ được phép tuần tra, kiểm soát trên các tuyến được quy định, muốn tuần tra trên Quốc lộ 1A, Quản lộ Phụng Hiệp thì phải có kế hoạch phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh mới được”.

Thực hiện Thông tư 01, hàng ngày, Đội Cảnh sát giao thông Công an thị xã Ngã Bảy đều phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuần tra, kiểm soát 2 ca/ngày. “Số ca tuần tra, kiểm soát như thế thì không thể đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên hai tuyến này. Bởi hai tuyến này có mật độ phương tiện tham gia giao thông khá cao nhưng việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông còn hạn chế”, đại úy Tươi cho biết thêm.

Cảnh sát giao thông Công an huyện Vị Thủy cũng “đau đầu” trong việc thực hiện Thông tư 01. Theo trung tá Nguyễn Hoàng Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự cơ động Công an huyện Vị Thủy, ngoài những khó khăn trên, trong quá trình tuần tra, kiểm soát ở các tuyến tiếp giáp với quốc lộ, khi phát hiện người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ như không đội nón bảo hiểm, chở 2, chở 3… thì lực lượng phải… làm ngơ, vì tuyến đó không thuộc thẩm quyền. “Không chỉ vi phạm, nhiều trường hợp còn nẹt pô, đánh võng… thách thức chúng tôi. Những trường hợp trên chúng tôi không thể xử phạt, nếu xử phạt thì sai với quy định của Thông tư  01”, trung tá Sơn cho hay.

Trước khi thực hiện Thông tư 01 thì lực lượng cảnh sát giao thông cấp tỉnh và huyện thực hiện Thông tư 65 của Bộ Công an ngày 30-10-2012. Tại điểm c, khoản 2 Điều 6 Thông tư 65 quy định: Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính; đường tỉnh, đường đô thị theo quyết định phân công, phân cấp của giám đốc công an cấp tỉnh. Còn trên quốc lộ đi qua thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, nếu phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông tĩnh và các hành vi vi phạm như: chạy xe lạng lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng; đua xe trái phép; đi ngược chiều đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển môtô, xe gắn máy chở quá số người quy định; điều khiển, ngồi trên xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Thông tư này rất phù hợp và sát với nhiệm vụ công an giao thông cấp huyện. Trước đây, chúng tôi thực hiện thông tư này rất có hiệu quả, tình hình trật tự an toàn giao thông ổn định. Tuyến Quốc lộ 1A và Quản lộ Phụng Hiệp tai nạn giao thông cũng không nhiều như năm nay”, đại úy Tươi nhấn mạnh.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, ngoài công an cấp huyện gặp khó khăn như trên, thì Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng gặp không ít trở ngại khi thực hiện Thông tư 01, bởi đơn vị không đủ lực lượng để có mặt thường xuyên trên các tuyến quốc lộ hoặc phối hợp thường xuyên với công an cấp huyện, do vậy tai nạn giao thông xảy ra nhiều trên các tuyến quốc lộ. Cụ thể, 9 tháng đầu năm,  toàn tỉnh xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, làm 40 người chết, 20 người bị thương. Trong số 49 vụ tai nạn giao thông thì có đến 51% vụ xảy ra trên các tuyến Quốc lộ, Quản lộ Phụng Hiệp và Quốc lộ Nam Sông Hậu…

Ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết: Sau khi nhận được kiến nghị của các ban an toàn giao thông cấp huyện về khó khăn trong thực hiện Thông tư 01, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị đến Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để sửa đổi thông tư này cho phù hợp và đơn vị này đã có văn bản gửi đến Bộ Công an để yêu cầu...

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>