Khi người “cầm lái” trách nhiệm

27/09/2016 | 08:34 GMT+7

Thời gian qua, Ban An toàn giao thông phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật gắn với xây dựng văn hóa giao thông, bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực từ trong nhận thức của người dân.

Tuyên truyền, kết hợp với tuần tra kiểm soát là một giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông thành phố Vị Thanh, công tác tuyên truyền đã góp phần không nhỏ trong việc kéo giảm tai nạn giao thông. Cụ thể từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chỉ xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2015). Trung tá Trần Quốc Công, Đội Trưởng Đội Cảnh sát giao thông thành phố Vị Thanh, thông tin: “Hàng năm, chúng tôi đều tham mưu cho Ban An toàn giao thông thành phố Vị Thanh xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho mọi tầng lớp nhân dân”.

Ngoài các hình thức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, phổ biến Luật Giao thông đường bộ trong học đường, khu dân cư, thanh thiếu niên… nhằm hướng đến mục tiêu kéo giảm tối đa số vụ tai nạn giao thông, ban an toàn giao thông các cấp còn quan tâm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện lồng ghép việc xây dựng văn hóa giao thông để từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trách nhiệm của người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông.

Anh Phạm Minh Sơn, một tài xế xe khách tuyến Vị Thanh - Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 20 năm trong nghề cầm lái luôn quan niệm rằng, thấy người bị nạn tất nhiên phải cứu. Anh Sơn kể: “Một lần xe đang di chuyển trên địa phận tỉnh bạn, tôi thấy vụ tai nạn giữa hai xe gắn máy mà người điều khiển phương tiện đều bất tỉnh. Thế là tôi không chần chừ mà dừng xe lại giúp chuyển người đi cấp cứu. Cùng lúc đó, tôi và mấy anh em trên xe thuyết phục hành khách để xin chậm chút thời gian. May là tất cả đều đồng ý giúp đỡ mà không chút phàn nàn. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản một điều là người ta rất cần mình nên bản thân không thể làm lơ bỏ đi”.

Còn nhớ cách nay hơn 1 tháng, trên tuyến Quốc lộ 61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ), đoạn đi qua địa bàn xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, xảy ra một vụ va quẹt giữa hai phương tiện lưu thông ngược chiều. May mắn là không gây hậu quả nghiêm trọng về người. Mà theo những người có mặt tại hiện trường vào thời điểm này kể lại rằng, chiếc xe tải mang biển số 95T-1302 đang di chuyển từ hướng Cần Thơ về Vị Thanh thì bất ngờ va quẹt phải xe đạp của một bé gái khoảng 10 tuổi, ngụ ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Do thắng gấp để tránh người điều khiển xe đạp qua đường bất cẩn, tài xế xe tải đã lạc tay lái và lao xuống bờ ruộng.

Tuy nhiên, ngay sau khi sự cố xảy ra, người điều khiển xe tải nhanh chóng di chuyển lên bờ và đưa bé gái đến cơ quan y tế gần nhất để kiểm tra vết thương và tìm cách liên lạc với gia đình. Tại hiện trường, nhiều người bày tỏ thái độ hài lòng với cách xử lý hết sức văn minh của tài xế. “Theo tôi thấy thì hành động của tài xế thể hiện ý thức trách nhiệm rất cao. Mặc dù xe tải lao xuống ruộng do thắng gấp để tránh xe đạp, nhưng anh ta đã tức tốc đưa bé đến bệnh viện kiểm tra thương tích rồi đưa về nhà đến nơi đến chốn”, chị Huỳnh Trúc Nguyên, ở ấp 5, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, người thân của bé gái bị va quẹt xe thừa nhận.

Từ những sự việc nêu trên, có thể thấy, qua công tác tuyên truyền, văn hóa giao thông không còn là việc làm xa lạ đối với mỗi cá nhân. Điều đó vốn được xây dựng từ sự tự giác chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Mặt khác, những hành động tương trợ giúp đỡ người bị nạn cũng phần nào thể hiện tinh thần trách nhiệm, cách ứng xử văn minh của những người trực tiếp cầm “vô lăng” đối với cộng đồng khi tham gia giao thông.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>