Đột phá phát triển giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long

03/11/2021 | 07:13 GMT+7

Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010 và 2011-2020 đã đem lại nhiều khởi sắc cho giao thông vùng ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang.

Các tỉnh, thành kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khởi sắc giao thông đồng bằng

Thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị, đến nay Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhiều công trình đầu tư giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh cho khu vực.

Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải Lê Đỗ Mười, cho biết: Nhận thức sâu sắc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28 có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực ĐBSCL, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đến nay cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết và Kết luận. Diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng ĐBSCL có nhiều đổi thay rõ nét.

Trên lĩnh vực đường bộ, từ năm 2002 đến nay đã cơ bản hình thành các tuyến trục dọc nối ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, các tuyến trục ngang kết nối nội vùng. Đến năm 2020, hệ thống quốc lộ trong vùng có tổng chiều dài khoảng 2.688km tăng 52% so với năm 2002. Trong đó, đường cấp II đạt 6,88%; đường cấp III chiếm 51,36%; đường cấp IV chiếm 31,36%; đường cấp V chiếm 1,2%. Hệ thống đường bộ được kết nối thông qua các tuyến trục dọc như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 1, tuyến N1, tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh) và tuyến Duyên Hải (Quốc lộ 50, Quốc lộ 60).

Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến quốc lộ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh, thành phố trong khu vực nghiên cứu đầu tư các tuyến đường địa phương kết nối với hệ thống quốc lộ, cao tốc để hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Hiệu quả đầu tư các dự án, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao; rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, hành khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là cầu nối để hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế giữa các địa phương, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội khu vực ĐBSCL.

Hoạt động vận tải thủy nội địa chủ yếu tập trung trên 2 tuyến trục dọc, 6 tuyến trục ngang và các tuyến nhánh liên kết. Hầu hết các tuyến vận tải thủy nội địa chính trong vùng đã đảm bảo theo kỹ thuật và đảm nhận lên đến gần 80% thị phần khối lượng hàng hóa luân chuyển trong vùng. Giai đoạn vừa qua, nhiều công trình trọng điểm về đường thủy nội địa đã được đầu tư đưa vào khai thác như kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1), âu Rạch Chanh cũng như các công trình thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL (WB5) đã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động vận tải thủy trong vùng.

Tăng cường liên kết

Tại Hậu Giang, Nghị quyết số 21 được ban hành đúng vào giai đoạn tỉnh thành lập. Các bộ, ngành Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải đã quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông cho Hậu Giang, đến nay tất cả tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường ô tô về trung tâm xã đã được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tiếp nối thành tựu này, hiện nay tỉnh Hậu Giang được quy hoạch có 3 tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn, đây sẽ là tiền đề vững chắc giúp giao thông Hậu Giang bứt phá, hòa nhịp với đồng bằng trong thời gian tới. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên nguồn vốn đầu tư các tuyến quốc lộ qua địa bàn Hậu Giang trong giai đoạn 2021-2025.

Tương tự, các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL cũng kiến Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ưu tiên, tập trung cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hạ tầng giao thông để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tốc độ đầu tư, xây dựng đường cao tốc. Đầu tư, phát triển vận tải đường thủy để phát huy thế mạnh của đồng bằng. Thực hiện các chiến lược đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Đẩy mạnh phát triển logictics để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: Một trong những lý do nhà đầu tư chưa rót vốn nhiều vào vùng đồng bằng sông Cửu Long là do yếu kém về hạ tầng và logictics. Thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh tháo gỡ điểm “nghẽn” về hạ tầng, trong đó có các trục dọc, trục ngang và hạ tầng hành lang kinh tế ven biển. Cần xây dựng cơ chế đầu tư, phân cấp nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương.

Mặt khác, các địa phương cũng chỉ ra rằng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế nhất định, thiếu tính đồng bộ. Tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường cao tốc còn chậm, chưa đạt tiến độ theo Nghị quyết số 21 đề ra. Mạng lưới quốc lộ chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, nhiều tuyến có tiêu chuẩn thấp. Hạ tầng kết nối, hạ tầng cảng biển, hạ tầng phục vụ logictics còn thiếu đồng bộ. Chưa khai thác hết công suất các cảng hàng không trong vùng; khả năng kết nối đường bộ trong vùng ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đồng bằng sông Cửu Long có gần 20 triệu người dân sinh sống, thiên nhiên ưu đãi, rất phù hợp để phát triển nông nghiệp nhưng khu vực này phát triển chậm. Vì vậy, Nghị quyết số 21 được ban hành kịp thời và được triển khai đồng bộ cho cả 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, ngành giao thông vận tải tham mưu để phát triển hạ tầng vùng tốt hơn. Trên cơ sở đóng góp của 13 tỉnh, thành ĐBSCL và các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần căn cứ danh mục đầu tư công trung hạn 2021-2025, danh mục dự án trọng điểm theo các quy hoạch chuyên ngành 5 lĩnh vực giao thông liên quan đến vùng ĐBSCL, lên danh mục tất cả các dự án ưu tiên. Việc xây dựng các tuyến cao tốc tại khu vực ĐBSCL sẽ do các tỉnh thực hiện, vì vậy các địa phương cần phải có phương án chuẩn bị sẵn sàng. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần có giải pháp mang tính chất đột xuất như phát hành trái phiếu, xây dựng cơ chế đặc thù cho từng dự án để phát triển hệ thống giao thông tại từng địa phương. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa giải pháp để tạo bước đột phá phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện đại hóa hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>