Tích cực phòng bệnh cúm A/H5N1 lây sang người

20/05/2019 | 05:17 GMT+7

Những ngày qua, ở địa bàn thị xã Ngã Bảy và huyện Vị Thủy, đã xuất hiện các ổ dịch bệnh cúm A làm hàng ngàn con gia cầm mắc bệnh đã được tiêu hủy. Bên cạnh việc phòng lây bệnh trên đàn gia cầm thì việc phòng bệnh cúm A lây sang người là rất quan trọng, người dân cần đặc biệt lưu ý vì bệnh có thể dẫn đến tử vong.

Cán bộ y tế tuyên truyền phòng bệnh cúm A tại nhà hộ dân ở khu vực 1, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy.

Mới đây, gia đình ông Lâm Văn Công, khu vực 1, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, có 1.000 con gà nhiễm cúm A/H5N1. Ông Công đã phối hợp với ngành thú y ở địa phương tiêu hủy đàn gà bị bệnh và ngành thú y đang thực hiện các giải pháp phòng dịch bệnh lây lan trên diện rộng ở địa phương này và các địa bàn xung quanh. Ông Võ Văn Thương, Trưởng trạm Thú y thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Đàn gà của ông Công đã được tiêu hủy. Chúng tôi cũng đã lấy mẫu gửi xét nghiệm đàn gia cầm của hai hộ lân cận, có 1 mẫu dương tính với cúm A/H5N1 và cũng đã tiêu hủy trên 100 con gà nhiễm bệnh. Ngành cũng thực hiện các giải pháp duy trì tiêu độc khử trùng ở địa phương và thực hiện tiêm phòng bao vây để phòng bệnh lây lan trên diện rộng”.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy đã tích cực thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân nhằm phòng bệnh cúm A/H5N1 lây sang người cho người dân nơi đây. Bà Lê Thu Thủy, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Chúng tôi đã đến nhà hộ dân để tuyên truyền về cách phòng bệnh cúm A/H5N1 và phát tờ rơi để người dân có thể nhận biết được bệnh, hướng dẫn người dân quan tâm để ý sức khỏe của mình, nhận biết biểu hiện của bệnh. Nhất là đối với những người đã tiếp xúc với gia cầm bị bệnh cần lưu ý về sức khỏe, nếu như có vấn đề gì về sức khỏe phải đến cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời”.

Nhờ vậy, đã nâng cao nhận thức người dân phòng bệnh cúm A/H5N1 lây sang người. Ông Công nói: “Cán bộ y tế hướng dẫn mình không được tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh vì bệnh sẽ lây sang người rất nguy hiểm. Gia đình tôi cũng lưu ý về vấn đề sức khỏe, hiện tại tất cả mọi người đều có sức khỏe tốt”. Không chỉ có ông Công mà nhiều hộ dân trong khu vực cũng được tuyên truyền chủ động phòng lây bệnh.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh cúm A/H5N1 là bệnh nhiễm trùng cấp tính, rất nguy hiểm, có thể gây thành dịch ở gia cầm và ở người. Bệnh do vi-rút nhóm A, vi-rút này có khả năng lây sang người. Con đường lây nhiễm đầu tiên và cũng dễ dàng nhất đó chính là tiếp xúc trực tiếp với gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh, có thể là khi chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ… Hoặc là gia cầm khỏe nhưng đã mang vi-rút A/H5N1. Lây nhiễm do không thực hiện đúng các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như ăn tiết canh trứng, thịt và các chế phẩm khác cũng vậy. Hoặc lây qua không khí, những giọt nước li ti từ những cái hắt hơi, dịch nhầy mũi… chứa vi-rút cúm cũng lan truyền rất nhanh.

Khi vào cơ thể người, vi-rút cúm A làm tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Trong đó, nặng nhất và rõ nhất là ở phổi, gây suy hô hấp và dẫn tới tử vong. Vi-rút cúm lại thường xuyên thay đổi cấu trúc, gây khó khăn cho việc tìm ra vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Đến nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị cúm A/H5N1 đặc hiệu.

Người bệnh nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Các dấu hiệu sớm của bệnh cúm gia cầm A/H5N1 thường bắt đầu trong vòng 2-5 ngày kể từ ngày bị nhiễm trùng, như: Sốt cao đột ngột (trên 380C), đau ngực, khó thở, kèm theo đau họng, ho khan, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời. Bệnh diễn biến nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Ngành y tế đã kết hợp với ngành thú y thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh này trên người. Khi chưa có ổ dịch, ngành y tế đã tổ chức công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh này trong cộng đồng về cách phòng ngừa bệnh, cách phát hiện bệnh để người dân biết cách phòng tránh. Khi có ổ dịch xảy ra sẽ kết hợp ngành thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, lấy mẫu để xét nghiệm xác định nguyên nhân, đồng thời cấp thuốc cho những người tiếp xúc người bệnh để uống phòng.

Người dân cần tích cực thực hiện các giải pháp để phòng lây bệnh này. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống. Đảm bảo vệ sinh hàng ngày. Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh. Sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi họng hàng ngày. Thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm phải được nấu chín kỹ.

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh. Khi cần thiết tiếp xúc với người bệnh, gia cầm mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo, rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn trước và sau khi tiếp xúc. Tăng cường sức khỏe và phòng bệnh. Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể. Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như sốt cao, đau ngực, khó thở, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, ho cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>