“Sốt” thuốc chữa nCoV chưa kiểm chứng

07/02/2020 | 08:39 GMT+7

Theo Reuters, trong bối cảnh dịch nCoV lây lan nhanh tại Trung Quốc, các nguồn lực về y tế đang thiếu, rất nhiều người dân nước này đã tìm đến những cách chữa trị chưa được kiểm chứng.

Dù chưa có bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng nhưng việc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết thuốc điều trị HIV có thể sử dụng để chữa bệnh nhân nhiễm nCoV đã gây ra cơn sốt, nhất là đối với thuốc Kaletra (còn được biết đến tên gọi khác là Aluvia) được sản xuất riêng cho thị trường Trung Quốc. Anh Devy, một lao động tự do 38 tuổi, ở Sơn Đông (Trung Quốc), cho biết anh nằm trong số hàng trăm người đã liên hệ với các bệnh nhân có HIV để xin thuốc.

Cơn sốt thuốc điều trị nCoV đã mở ra một cơ hội kiếm tiền cho nhiều người. Gatsby Fang, một nhà buôn xuyên biên giới người Trung Quốc, cho biết đã đặt các loại thuốc tương tự Kaletra từ Ấn Độ vào ngày 23-1, sau khi nghe thông tin loại thuốc này có thể chữa được nCoV. Fang cho biết anh bán 600 NDT/lọ 60 viên (86USD), lãi 200 - 300 NDT/lọ. Số lượng thuốc anh ta nhập về đã bán hết chỉ sau 2 ngày bởi có những người mua 600 viên/lần.

Giá thuốc này ở “chợ xám” tại Ấn Độ bắt đầu tăng từ ngày 25-1. “Với mỗi lọ 60 viên, giá tăng 300 - 400 NDT/lọ, so với giá 100 NDT trước đó”, Fang cho biết. Theo Fang, nhiều người bệnh tìm đến với những người như anh bởi họ không có nơi để điều trị, không có nơi nào có thể xác nhận với họ đã bị nhiễm hoặc không nhiễm nCoV. Hơn 28.000 người tại Trung Quốc đã được xác nhận nhiễm nCoV nhưng việc thiếu các bộ dụng cụ xét nghiệm đã dẫn đến một sự nghi ngờ số người nhiễm nCoV có thể còn lớn hơn con số này.

Ngoài việc tìm đến thuốc điều trị HIV, một số loại hình chữa bệnh theo y học cổ truyền của Trung Quốc cũng đang được nhiều người dân nước này lựa chọn. Tuy nhiên, Gauden Galea, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Trung Quốc, cho biết không có bằng chứng nào cho thấy các phương pháp trên có thể tiêu diệt được nCoV.

* Bác sĩ Li Wenliang, 34 tuổi, người từng cảnh báo về dịch nCoV, đã qua đời tại bệnh viện Vũ Hán vì nhiễm nCoV. Ngày 30-12-2019, bác sĩ Li gửi tin nhắn vào nhóm trò chuyện trên WeChat gồm 150 bác sĩ là bạn học cũ, cảnh báo về 7 ca nhiễm virus mà bác sĩ cho là giống SARS. Ngày 3-1-2020, cảnh sát Vũ Hán buộc bác sĩ Li ký biên bản với nội dung “phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Bác sĩ Li là một trong 8 người bị điều tra vì tội “tung tin đồn”. Nhà chức trách địa phương sau đó đã phải xin lỗi bác sĩ Li.

----------------

* Theo kênh CNN, tính đến ngày 6-2, số ca nhiễm do nCoV trên toàn cầu là 28.873 người và tử vong là 565 người. Trong đó, phần lớn ở Trung Quốc đại lục, là 28.018 người và 563 người. Các ca nhiễm và tử vong do nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục lần lượt là 260 người và 2 người.

 

Theo VĂN ĐỖ - SGGP Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>