Phát hiện sớm những bệnh, tật bất thường ở bào thai và trẻ sơ sinh

05/11/2020 | 06:40 GMT+7

Sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh là mô hình nâng cao chất lượng dân số, kịp thời phát hiện sớm, điều trị bệnh, hạn chế số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.

Sàng lọc sơ sinh được duy trì ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang.

Nhiều trẻ mắc bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Bé Lê Minh Kh., nay đã được 9 tháng tuổi, ở thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, sinh ra và được thực hiện sàng lọc sơ sinh, kết quả em bị bệnh suy giáp bẩm sinh được điều trị liên tục đến nay. Bà Y. Đ., mẹ của em, cho biết: “Tôi sinh con ra, bệnh viện tư vấn sàng lọc sơ sinh. Lúc đó, thấy cháu cũng bình thường nhưng để đảm bảo sức khỏe của con nên thực hiện sàng lọc theo tư vấn của bác sĩ. Kết quả, cháu bị bệnh suy giáp bẩm sinh, tháng nào cũng phải đi khám bệnh và lấy thuốc điều trị. Nhờ sàng lọc nên mới phát hiện sớm bệnh của con tôi và chữa trị sớm”.

Đây là 1 trong 2 trường hợp trẻ sàng lọc sơ sinh có mắc bệnh năm nay ở thị trấn Bảy Ngàn. Theo bà Dương Thị Cẩm Nhi, cán bộ chuyên trách công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, Phòng khám Đa khoa khu vực Bảy Ngàn: “Năm 2018 thị trấn có 1 trường hợp mắc bệnh, năm 2019 không có trường hợp mắc bệnh nhưng năm nay có 2 trường hợp mắc bệnh. Chúng tôi đã tích cực truyền thông vận động để phụ nữ mang thai hiểu được lợi ích của việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh và thực hiện nhằm sinh ra những trẻ khỏe mạnh. Nhiều thai phụ cũng đã thực hiện sàng lọc cho con mình”. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh và trước sinh ở thị trấn tăng lên theo từng năm và đều đạt chỉ tiêu giao hàng năm.

Tại các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh cũng duy trì thực hiện sàng lọc sơ sinh, trước sinh cho thai phụ và trẻ sinh. Bà Lê Kim Yến, Hộ sinh trưởng, Khoa sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Tại khoa, chúng tôi duy trì thực hiện sàng lọc sơ sinh cho trẻ. Qua tư vấn, các trường hợp gia đình đồng ý chúng tôi lấy mẫu và gửi sàng lọc. Đa số các trường hợp đều xã hội hóa, chỉ có những đối tượng hộ nghèo mới được sàng lọc miễn phí”.

Những cản trở để tăng tỷ lệ sàng lọc sơ sinh

Bà Lê Kim Yến, Hộ sinh trưởng, Khoa sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chia sẻ: “Khoa sản hàng ngày sinh đến vài chục trẻ, tuy nhiên số lượng sàng lọc sơ sinh còn khiêm tốn. Vì chúng tôi thiếu nhân lực thực hiện công tác tư vấn và lấy mẫu nên chưa thể tư vấn tích cực thường xuyên, tư vấn nhiều lần để gia đình hiểu và đồng ý làm xét nghiệm cho các cháu. Một số trường hợp do hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn nên không thực hiện sàng lọc, một số gia đình sợ trẻ đau khi lấy máu gót chân cũng không đồng ý sàng lọc. Chúng tôi cần có một nhân viên y tế chuyên trách làm nhiệm vụ này mới đạt hiệu quả cao. Hiện tại, chỉ sàng lọc sơ sinh được 3 loại bệnh, hướng tới sẽ đề xuất triển khai sàng lọc nhiều loại bệnh hơn”.

Tại cộng đồng, khâu tuyên truyền vận động cũng gặp khó khăn. Bà Dương Thị Cẩm Nhi, cán bộ chuyên trách công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, Phòng khám Đa khoa khu vực Bảy Ngàn, cho biết thêm: “Kiến thức truyền thông về hai mô hình này của cộng tác viên dân số còn hạn chế do chưa hiểu hết về các loại bệnh, tật nên khó thể giải thích cặn kẽ để người dân hiểu về lợi ích khi thực hiện các sàng lọc nên tỷ lệ chưa sàng lọc vẫn còn khá nhiều. Cần được tiếp tục tập huấn chuyên môn để cộng tác viên dân số hiểu rõ hơn và thực hiện truyền thông hiệu quả hơn”.

Theo bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh: “Dù tỷ lệ của năm 2020 đã thực hiện đạt theo yêu cầu, tuy nhiên, vẫn còn những cản trở để tăng tỷ lệ sàng lọc sơ sinh, trước sinh, như hạn chế tuyên truyền, đối tượng được thực hiện miễn phí còn hạn chế,… Chúng tôi sẽ đề xuất có những chính sách điều chỉnh, tham mưu để tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ ở các bệnh viện, trung tâm y tế và tăng cường tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động ở lực lượng làm nhiệm vụ này. Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý những trường hợp mắc bệnh để đảm bảo trẻ được bảo vệ sức khỏe tốt và chất lượng dân số được nâng lên trong những năm tiếp theo”.

Mô hình sàng lọc sơ sinh, trước sinh đã cho thấy lợi ích, tuy nhiên, những vấn đề khó khăn cần được tháo gỡ để tăng số trẻ được sàng lọc, góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Tỷ lệ trẻ bất thường được phát hiện cao hơn năm 2019

Mạng lưới truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh phủ kín các xã, phường, thị trấn và mạng lưới cung cấp dịch vụ sàng lọc được triển khai ở hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế của tỉnh nên đối tượng dễ tiếp cận. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt gần 50%, tăng 2% và sàng lọc sơ sinh đạt hơn 75%, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bất thường được phát hiện chiếm 2,5%, cao hơn năm 2019 là 0,77% là vấn đề đáng quan ngại, cho thấy việc thực hiện sàng lọc là cần thiết.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>