Những “chiến sĩ áo trắng” chống dịch corona

06/02/2020 | 19:14 GMT+7

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (corona) gây ra ngày một diễn biến phức tạp. Dù trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh này, tuy nhiên, những chiến sĩ áo trắng của tỉnh, nhất là những người trực tiếp làm công tác chống dịch vẫn đang ngày đêm thầm lặng chiến đấu phòng dịch bệnh này bảo vệ sức khỏe người dân.

Anh Xem phun hóa chất diệt khuẩn tại Trường Mầm non Ánh Dương, thành phố Vị Thanh.

Luôn sẵn sàng chiến đấu “giặc corona”

Đã 4 ngày liền, anh Nguyễn Thanh Xem và anh Lê Đăng Quyết, Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, lặn lội đến từng điểm trường trên địa bàn thành phố để phun hóa chất khử khuẩn tại các trường học nhằm phòng bệnh corona. Thoạt nhìn, người ta chỉ thấy hai người với trang phục bảo hộ kín cả thân mình và mặt mũi, chẳng nhận ra người phun thuốc là ai. Anh Xem chia sẻ: “Công việc dự phòng trước giờ vẫn vậy, vẫn thầm lặng để bảo vệ sức khỏe người dân. Chúng tôi phun thuốc phòng bệnh để các em học sinh giảm tối thiểu nguy cơ mắc bệnh này khi đi học. Dù vất vả nhưng cảm thấy việc làm của mình là cần thiết và có ý nghĩa, nên có mệt vì liên tục phải phun thuốc mấy ngày liền nhưng nghĩ mình làm có thể bảo vệ rất nhiều người cũng vui vẻ thực hiện nhiệm vụ”.

Các y, bác sĩ luôn làm việc khẩn trương trong thời điểm dịch bệnh corona còn diễn biến phức tạp.

Phun thuốc bằng máy các anh phải quẩy trên vai suốt trong quá trình phun. Tổng trọng lượng vừa máy xịt, vừa thuốc cũng vài chục ký. “Vậy chứ ngày nào cũng quẩy trên vai lội bộ phun từ trường này qua trường khác, phun từ sân bãi, phòng học này rồi phòng học khác, lên cầu thang”, anh Đăng Quyết nói. Lúc làm việc thì không cảm thấy mệt, nhưng về nhà chân, tay, vai rụng rời vì quẩy máy suốt ngày.

Gương mặt còn đổ mồ hôi vì vừa phun thuốc xong tại điểm Trường Mầm non Ánh Dương (phường V, thành phố Vị Thanh), anh Xem tâm sự: “Gần 10 năm công tác, chưa từng có lần nào phải phun hóa chất diệt khuẩn nhiều như lần chống dịch corona này. Điều này được sự chỉ đạo rất quyết liệt của Ban Giám đốc Trung tâm Y tế. Chúng tôi cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh và sẽ trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”.

Đến chiều ngày 6-2, có 25 điểm trường từ mầm non, mẫu giáo đến THPT, đã được phun hóa chất phòng bệnh. Những trường còn lại của thành phố sẽ được tiếp tục thực hiện những ngày tiếp theo. Tiếp xúc với hóa chất hàng ngày nhất định ảnh hưởng đến sức khỏe dù đã bảo hộ, nhưng đối với anh Xem và Đăng Quyết và những chiến sĩ áo trắng chuyên phòng dịch bệnh khác thì luôn ý thức được: “Vất vả cho công tác phòng bệnh chỉ một nhưng nếu lơ là để dịch bệnh xảy ra, lây lan thì sự vất vả sẽ gấp mười, hai mươi lần và còn nguy hại đến sức khỏe, tính mạng người dân”.

Những chiến sĩ như anh Xem, Quyết luôn phải dấn thân vào vùng dịch bệnh, lặn lội phòng, chống dịch tận những ấp xa xôi, kênh, rạch bất kể mưa nắng. Các anh công tác vất vả, nhiều rủi ro, lặng thầm, nhưng ai cũng thấy xứng đáng vì sự đóng góp của mình có ý nghĩa mang lại sức khỏe, niềm vui cho người dân.

Làm hết mình để chống dịch

Thời điểm này, công tác phòng bệnh corona đang được triển khai quyết liệt ở các địa phương của tỉnh, tuy nhiên, không vì chưa có dịch đến “nhà” mà các bác sĩ điều trị lơ là. Hầu hết các bác sĩ được phân công trực tiếp trong tổ điều trị bệnh corona ở các cơ sở y tế đã và đang nỗ lực từng ngày để có thể ứng phó tốt nếu có dịch bệnh xảy ra. Như đã có cơ hội diễn tập với bệnh corona vì đã thực hiện cách ly cas bệnh nghi ngờ nhiễm vi-rút corona tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, trong tuần trước và kết quả xét nghiệm âm tính với corona, tức là không nhiễm vi-rút corona, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng khoa Nhiễm, Trung tâm Y tế thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Trung tâm đã chăm sóc, cách ly đối với bệnh nhân này như một trường hợp nhiễm corona trong khoảng thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Theo dõi, điều trị triệu chứng và tư vấn tích cực để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hiểu hợp tác điều trị tốt. Rất mừng khi trường hợp này không phải mắc corona. Đã làm bác sĩ thì luôn sẵn sàng ứng phó nếu có dịch bệnh xảy ra, nhất là bác sĩ ở khoa nhiễm luôn đối mặt với nguy cơ lây bệnh, rủi ro trong nghề. Nhưng cái chính là phải làm đúng quy trình hướng dẫn phòng lây bệnh thì không có gì phải quá lo lắng. Tôi sẽ cố gắng hết sức bằng kinh nghiệm những đợt dịch trước như dịch cúm A và kết hợp nắm sát hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, của Sở Y tế tỉnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Giờ đây, vừa làm nhiệm vụ thường nhật chăm sóc, khám, điều trị bệnh hàng ngày tại đơn vị mình, các bác sĩ trực tiếp được chỉ đạo chủ lực điều trị bệnh corona nếu có ở các bệnh viện vẫn liên tục theo dõi tình hình, diễn biến dịch bệnh. Ông Nguyễn Phú So, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, được phân công Tổ trưởng Tổ điều trị bệnh corona nếu có ở bệnh viện này, chia sẻ: “Tôi luôn theo dõi tình hình dịch bệnh mỗi ngày và nghiên cứu hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Khi có dịch bệnh mình cũng lo, nhưng không phải lo sợ lây nhiễm bệnh mà lo khi phát sinh thực tế mình cần ứng phó và làm gì để chăm sóc, điều trị tốt cho bệnh nhân. Để có thể ứng phó tốt, tôi đã chủ động nghiên cứu hướng dẫn điều trị và theo dõi những chia sẻ kinh nghiệm điều trị của các bệnh viện tuyến trên. Tìm hiểu kỹ về bệnh corona để có đủ kiến thức tư vấn, hướng dẫn giúp bệnh nhân an tâm điều trị”.

Khó khăn là thế, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên y tế làm công tác y tế dự phòng hay điều trị vẫn luôn tâm huyết với nghề, gắn bó với sứ mệnh cao cả là bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Chính sự tâm huyết, tận tụy của họ trong công tác phòng, chống dịch,… Hy vọng sẽ nhanh chóng đẩy lùi “giặc corona”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>