Nhân lực y tế đồng bằng: Đào tạo theo địa chỉ sử dụng là cần thiết

12/08/2019 | 22:39 GMT+7

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế theo địa chỉ sử dụng (ĐCSD) là nội dung được lưu ý nhiều tại Hội nghị “Đào tạo nhân lực y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long”(ĐBSCL) mở rộng. Theo các tỉnh, thành, đội ngũ này sẽ góp phần giải quyết nhu cầu về nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL, đặc biệt là các chuyên ngành hiếm.

Vùng ĐBSCL vẫn còn khan hiếm bác sĩ. (Trong ảnh là một cas mổ tại Trung tâm Y tế Ngã Bảy).

Các tỉnh, thành đều có nhu cầu

Nguồn nhân lực bác sĩ đang thiếu là thực trạng chung của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, gây tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phục vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Để giải quyết vấn đề trên, đào tạo theo ĐCSD được xem là giải pháp tối ưu nhất. Tuy vẫn còn những ý kiến đánh giá về đào tạo theo ĐCSD còn một số tồn tại, nhưng không thể phủ nhận hết kết quả mà cách làm này đã và đang mang lại.

Từ năm 2008, tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các tỉnh vùng ĐBSCL và thống nhất tăng cường đào tạo theo ĐCSD trong khu vực. Tuy nhiên, việc thiếu, khan hiếm bác sĩ, đặc biệt là ở những chuyên ngành hiếm vẫn đang diễn ra, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Những bác sĩ chuyên khoa sẽ có chuyên môn sâu nên giúp dễ nhận biết và xử lý bệnh hiệu quả hơn.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Chương trình đào tạo theo ĐCSD của tỉnh thực hiện từ năm 2008, nhờ đó, lực lượng y tế đã khá lên rất nhiều, tỷ lệ bác sĩ vạn dân tăng, nhưng mỗi năm Đồng Tháp vẫn cần khoảng 110 bác sĩ. Đối với chuyên ngành hiếm cũng thiếu rất nhiều, điển hình như bệnh viện tâm thần 100 giường, nhưng có chưa tới 10 bác sĩ. Tôi nhận thấy, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều có nhu cầu về đào tạo theo ĐCSD. Tôi mong muốn Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nên giữ chương trình đào tạo ĐCSD để đảm bảo nguồn nhân lực y tế, nếu được có thể chuyển một số chỉ tiêu qua chuyên ngành hiếm”.

Thực tế, nhu cầu nhân lực y tế phục vụ 5 chuyên ngành hiếm của 13 tỉnh trong vùng ĐBSCL rất cao, khoảng 250 bác sĩ/năm. Từ năm 2015-2018, có 628 bác sĩ chuyên ngành hiếm được đào tạo, Hậu Giang có 43 người. Trong khi nhu cầu đào tạo bác sĩ chuyên ngành hiếm của ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 là 1.253 bác sĩ (Hậu Giang 65 người). Toàn vùng ĐBSCL có 10 bệnh viện lao và bệnh phổi, 9 bệnh viện tâm thần, 13 tỉnh đều có trung tâm pháp y,… nhưng số lượng bác sĩ làm việc ở các chuyên ngành này rất thiếu, nhiều năm không tuyển được người về công tác. Một số tỉnh còn phải hợp đồng bác sĩ được nghỉ hưu để đảm bảo nguồn lực tiếp tục phục vụ chuyên môn.

Đánh giá cao đào tạo theo địa chỉ sử dụng

Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, cho biết: “Một số ngành như răng - hàm - mặt, dược, xét nghiệm y học của Cần Thơ sẽ không thực hiện đào tạo theo ĐCSD, vì số lượng bão hòa. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng các chỉ tiêu này sẽ được chuyển qua chuyên ngành hiếm. Lý do vì thành phố Cần Thơ vừa đầu tư xây dựng  bệnh viện lao và bệnh viện tâm thần. Để theo hướng phát triển mới, chúng tôi cần tăng cường nguồn nhân lực đạt đúng quy môn xây dựng của hai bệnh viện”.

Lực lượng được đào tạo theo ĐCSD, đã góp phần giải đáp tình trạng thiếu nhân lực bác sĩ ở các trung tâm y tế và bệnh viện của tỉnh. Nhu cầu đào tạo nhân lực y tế vùng là rất lớn, nhằm giúp các địa phương đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Ngoài ĐBSCL, một số tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ cũng đang gặp khó khăn trong vấn đề nguồn lực y tế. Ông Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Chỉ tiêu đào tạo theo ĐCSD là có hạn nhưng nhu cầu cần thiết lại có thể nói là vô hạn. Thực tế, các tỉnh miền Đông Nam bộ, nơi phát triển về kinh tế nhưng nguồn nhân lực y tế vẫn thiếu hụt trầm trọng. Nếu không kịp thời giải quyết rất khó để đủ nguồn lực, khiến việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân khó khăn. Hiện tại, việc phát triển hệ thống y tế tư nhân đã dẫn đến xuất hiện tình trạng dịch chuyển nhân sự ngành y tế từ công sang tư rất lớn”.

Khó khăn về nguồn nhân lực của ngành y tế ở ĐBSCL hiện nay là vậy. Nhiều bệnh viện thiếu bác sĩ chuyên khoa, tuyến cơ sở chưa đáp ứng tốt yêu cầu khám, chữa bệnh, luôn khiến ngành y tế các địa phương đau đầu.

PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nhấn mạnh: “Trường nhận thấy được sự khó khăn của ngành y tế các địa phương khi đang thiếu nguồn lực, đặc biệt là chuyên ngành hiếm. Chúng tôi thống nhất tiếp tục triển khai đào tạo theo ĐCSD. Bởi những năm qua, nguồn lực này đã góp phần gỡ khó cho ngành y tế, khi chất lượng đáp ứng được nhu cầu, từng bước nâng cao tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân của khu vực ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam bộ”.

Chất lượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng được nâng lên

- Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Chất lượng đội ngũ y tế sau đào tạo ĐSCD, theo tôi đã được nâng lên rõ rệt. Việc đào tạo theo ĐCSD là góp phần giải quyết vấn đề vùng trũng trên lĩnh vực y tế. Đào tạo theo ĐCSD, đặc biệt ở các chuyên ngành hiếm lại càng thật sự cần thiết, trong khi nhiều loại dịch bệnh hiện tại ngày càng phát triển”.

Ngành xét đào tạo theo ĐCSD gồm y khoa, ngành hiếm, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt, dược học và kỹ thuật xét nghiệm y học. Năm 2019, Hậu Giang được phân bổ 38 chỉ tiêu đào tạo theo ĐCSD.

 

- Từ năm 2009-2018, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã đào tạo 4.292 sinh viên theo ĐCSD, trong đó, y khoa (2.864), y học cổ truyền (308), y học dự phòng (288), răng hàm mặt (268), dược học (505), xét nghiệm y học (59). Riêng Hậu Giang, trong 10 năm đã có 248 sinh viên được đào tạo theo ĐCSD.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>