Kéo giảm tác hại HIV/AIDS

28/12/2020 | 09:07 GMT+7

Trong năm 2020, tình hình dịch HIV/AIDS được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, giảm số trường hợp mắc mới và số cas chuyển sang AIDS, tỷ lệ tử vong cũng giảm.

Khám và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện trên địa bàn tỉnh đã được triển khai và đạt kết quả tích cực trong năm 2020. Công tác xét nghiệm tự nguyện triển khai tại 8/8 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố rất hiệu quả, đảm bảo nhanh, bảo mật, miễn phí, dấu tên. Trong năm, đã tư vấn xét nghiệm và test nhanh HIV được gần 4.000 người đạt 98% kế hoạch trên giao. Nhờ vậy, bệnh nhân nhiễm HIV được phát hiện và điều trị sớm giảm lây nhiễm trong cộng đồng.

Ông Võ Chí Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông tin: “Năm nay, Hậu Giang ghi nhận 74 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 37 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy rằng nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS có chiều hướng được nâng lên về kiến thức, thái độ và hành vi. Bên cạnh đó, công tác truyền thông ngày càng được chú trọng về chất lượng, hình thức đa dạng, có chiều rộng lẫn chiều sâu. Yếu tố này cũng liên quan đến công tác phát hiện, quản lý, chăm sóc điều trị của ngành y tế”. Thực hiện tốt công tác truyền thông sẽ giúp tăng người xét nghiệm tự nguyện, điều trị sớm, phối hợp thêm việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân thì khả năng lây truyền HIV cho người khác giảm đáng kể, khi tế bào CD4 và tải lượng vi-rút của bệnh nhân ổn định.

Không chỉ hoạt động xét nghiệm đạt hiệu quả, việc điều trị được duy trì tốt đã kéo giảm số trường hợp nhiễm HIV chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS. Theo định kỳ, vào các ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần, phòng khám và điều trị bệnh HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sẽ khám và cấp thuốc định kỳ cho các bệnh nhân HIV/AIDS đăng ký điều trị ở đây. Phòng khám và điều trị này đã là điểm tựa vững chắc cho bệnh nhân HIV/AIDS. Anh T.N.H., huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tôi được tư vấn và hỗ trợ điều trị tốt. Bác sĩ luôn thăm khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe tận tình, khuyên mình uống thuốc đúng thời gian. Nhờ vậy, sức khỏe tôi luôn ổn định và có thể lao động bình thường lo cho việc mưu sinh, sống chung khỏe mạnh với HIV/AIDS”.

Qua một năm tổ chức điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, bà Hồ Thị Thanh Thủy, Phó trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhận định: “Bệnh nhân HIV/AIDS luôn được quan tâm chăm sóc, điều trị và hiệu quả điều trị tốt đối với những bệnh nhân tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ”. Kết quả, chỉ có 21 người chuyển sang AIDS trong năm nay, giảm 1 trường hợp so với năm 2019 và chỉ có 19 người nhiễm HIV/AIDS tử vong, giảm 1 cas so với năm 2019. Đây cũng là tín hiệu tốt vì nếu người bị nhiễm HIV không được phát hiện sớm, quản lý, chăm sóc, điều trị không kịp thời sẽ dẫn đến chuyển sang giai đoạn AIDS rất nhanh, có trường hợp chỉ trong vài tháng và dễ tử vong vì yếu tố suy giảm miễn dịch của cơ thể người bệnh.

Hiện nay, ngành y tế tỉnh đang quản lý, chăm sóc, điều trị 840 bệnh nhân, trong đó, 815 người lớn và 25 trẻ em. Phụ nữ mang thai được quản lý điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con là 9 trường hợp, đồng nhiễm lao/HIV 20 trường hợp. Công tác điều trị HIV/AIDS được duy trì hàng ngày tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và tại Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy. Bệnh nhân được khám, đánh giá tình trạng bệnh và được cấp thuốc ARV uống hàng ngày.

Tuy nhiên, bệnh nhân HIV/AIDS vẫn đối diện với sự xa lánh, kỳ thị của một bộ phận người dân. Người bệnh có tâm lý giấu bệnh vì sợ sự xa lánh, kỳ thị này. Đây là tâm lý chung của bệnh nhân HIV/AIDS. Bệnh nhân N.V.H., thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Bên cạnh được điều trị, chúng tôi rất cần một điểm tựa tinh thần ở gia đình và xã hội, đừng kỳ thị, xa lánh để chúng tôi có tinh thần tốt và an tâm điều trị. Bệnh nhân HIV/AIDS cần có tinh thần tốt thì điều trị sẽ đạt hiệu quả cao hơn”. Đây không chỉ là tâm lý riêng của anh H. mà còn là tâm lý chung của trên 800 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV ở tỉnh.

Năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành y tế sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những khó khăn đang cản trở công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo ông Đại: “Cần tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức, đa dạng, chất lượng hơn và cần phải có sự phối hợp tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phát hiện, chăm sóc, điều trị, dự phòng cho bệnh nhân. Quản lý, tư vấn, xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao như: gái mại dâm, tài xế xe đường dài, quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy…”. Ông Đại cũng đề xuất cần tăng cường hơn các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, như: cơ sở hạ tầng, nhân lực, tài lực,… nhằm hướng đến mục tiêu đề ra đạt 95-95-95 vào năm 2030.

Ngành y tế tỉnh đang quản lý, chăm sóc, điều trị 840 bệnh nhân, trong đó, 815 người lớn và 25 trẻ em. Phụ nữ mang thai được quản lý điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con là 9 trường hợp, đồng nhiễm lao/HIV 20 trường hợp. Công tác điều trị HIV/AIDS được duy trì hàng ngày tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và tại Trung tâm Y tế thành phố Ngã Bảy. Bệnh nhân được khám, đánh giá tình trạng bệnh và được cấp thuốc ARV uống hàng ngày.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>