“Đại hạn” khẩu trang y tế

13/02/2020 | 13:50 GMT+7

Thời gian gần đây, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người ra hỏi nhau: “mua khẩu trang y tế ở đâu, giá bao nhiêu” hoặc “bao giờ thị trường mới có khẩu trang”… Trên các trang mạng, Facebook cũng tràn ngập những thông tin về tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế. Câu hỏi được đặt ra, các nhà sản xuất đã đưa khẩu trang y tế đi đâu? Tại sao mặt hàng khẩu trang lại thiếu hụt trầm trọng như vậy?

 

Nhiều cửa hàng thuốc tại Đà Lạt phải dán thông báo hết khẩu trang y tế

Theo số liệu từ Sở Công thương TPHCM, hiện thành phố có 20 doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất khẩu trang y tế với khả năng cung ứng 2.532.000 cái/ngày. Tuy nhiên, hầu hết các DN đang lo ngại về nguyên liệu sản xuất vì nguồn cung sẽ ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn. Hiện nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính. Trong đó, vải không dệt trong nước đã sản xuất được, nhưng 2 loại nguyên liệu còn lại đều phải nhập khẩu, mà nguồn cung chủ yếu là từ Trung Quốc.

Trên bình diện cả nước, hiện có 38 DN sản xuất khẩu trang y tế cũng đang rơi vào tình trạng như trên. Điển hình như trường hợp Công ty cổ phần Tanaphar (Hà Nội) - là một trong số ít DN có dây chuyền thiết bị đồng bộ với năng lực sản suất khoảng 50.0000 - 60.000 sản phẩm khẩu trang y tế/ngày, Tanaphar đang sản xuất 2 loại là khẩu trang thông thường và tiệt trùng (có 4 lớp, gồm 2 lớp vải không dệt, 1 lớp vải không dệt kháng khuẩn và 1 lớp vải tẩm than hoạt tính).

Trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, công ty huy động tối đa nhân công sản xuất 24/24 giờ nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu khẩu trang phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Với việc vận hành hết công suất, DN này lo ngại sẽ bị thiếu nguyên liệu, vì vải lọc kháng khuẩn chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và hiện nước này cấm xuất khẩu cả sản phẩm, nguyên liệu, máy móc để sản xuất khẩu trang. Công ty đã liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá nhập khẩu cũng tăng mạnh.

Có một thực tế, cho dù một số DN đã chạy hết công suất nhưng khẩu trang cung ứng ra thị trường vẫn thiếu là do năng lực sản xuất đang thấp hơn nhu cầu sử dụng. Nếu trước đây khẩu trang y tế chủ yếu dành cho đội ngũ y bác sĩ trong các bệnh viện sử dụng, thì nay người người, nhà nhà đều phải dùng đến sản phẩm này. Cũng có ý kiến cho rằng, chính người tiêu dùng đang làm khó mình khi nhiều gia đình còn mang nặng tâm lý mua khẩu trang để dự trữ, khiến cho mặt hàng này bị “cháy khét” trong 10 ngày qua. Cách làm này không chỉ làm cho khẩu trang đội giá đột ngột mà còn gây ra hệ lụy rất đáng lo ngại, đó là tình trạng thiếu khẩu trang y tế cho ngành trọng điểm chống dịch như y tế, và không loại trừ khả năng DN giữ lại để bán ra ngoài vì chênh lệch giá quá lớn.

Bộ Công thương đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại các nước có nguồn nguyên liệu là Ấn Độ, Malaysia để kết nối nhập khẩu, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu sản xuất trong nước. Sở Công thương TPHCM đã làm việc với Tổng công ty X28 (Bộ Quốc phòng) để cung ứng mỗi ngày 200.000 khẩu trang vải kháng khuẩn cho các siêu thị, tạo sự lựa chọn nhiều hơn cho người tiêu dùng trong tình hình hiện nay. Ngoài ra, sở đã đề nghị Saigon Co.op đăng ký với Tập đoàn Dệt may Việt Nam mua 5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn để đảm bảo cung ứng cho thị trường…

Theo tính toán của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, khi nguyên liệu nhập về đầy đủ, cộng thêm nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn cung ứng từ các DN dệt may, thị trường TPHCM sẽ không còn xảy ra tình trạng khan hiếm mặt hàng này.

“Trong bối cảnh hiện nay, mỗi người tiêu dùng cần thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng, hãy nói “không” với việc tích trữ hàng hóa, đặc biệt là khẩu trang, để mọi người đều có thể mua được để dùng đúng lúc và đúng cách”, bà Nguyễn Huỳnh Trang nhấn mạnh.

 

Theo THÚY HẢI – SGGP Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>