“Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS !”

21/11/2019 | 08:27 GMT+7

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12. Đây là một sự kiện quan trọng hàng năm nhằm thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng vào cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS. Để hiểu rõ hơn về Tháng hành động năm nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Chí Đại (ảnh), Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, xoay quanh nội dung này.

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 là gì, thưa ông ?

- Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 của Việt Nam tập trung vào chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”. Trước đó, chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Vì vậy, năm 2019, UNAIDS cũng đã chọn chủ đề “Communities make the difference - Tạm dịch là “Cộng đồng tạo nên sự khác biệt”, với mong muốn kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Chúng tôi đề ra những mục tiêu cụ thể, nhằm huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng chung tay phòng, chống HIV/AIDS để đạt được các mục tiêu 90-90-90 và Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động  phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ; nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.

Vậy Hậu Giang sẽ triển khai những hoạt động thiết thực nào để hưởng ứng Tháng hành động năm nay, thưa ông ?

- Sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV cho người dân để tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng. Từ đó, giúp người dân hiểu lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; không phát hiện = không lây truyền; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV; lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV; vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh; các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV...

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 của Hậu Giang tại huyện Châu Thành. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức lễ mít-tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2019 tổ chức tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố. Các cuộc mít-tinh và diễu hành quần chúng sẽ được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia như Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12-2019).

Ra quân diễu hành hưởng ứng, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.

Xin ông cho biết, hiện ngành còn gặp những khó khăn gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS ?

- Mặc dù Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh được thành lập từ năm 2009, nhưng vẫn thiếu bác sĩ, chưa đủ đáp ứng yêu cầu công tác được giao. Riêng nguồn lực cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã còn hạn chế nên gặp khó khi triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Ngoài ra, nhiều dự án ngưng viện trợ nên không có kinh phí để thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại cho nhóm nguy cơ cao. Kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cắt giảm; kinh phí địa phương chưa đủ để triển khai các hoạt động chuyên môn từ đó gây khó khăn cho những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.

Tuy nhiên, những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS Hậu Giang luôn nỗ lực vượt khó từng ngày với mục tiêu kết thúc dịch AIDS.

Xin cảm ơn ông !

HỒNG NHUNG thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>