Chủ động ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân

01/04/2021 | 09:43 GMT+7

Chủ động ứng phó với sự cố về bức xạ, hạt nhân nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe con người, cũng như thiệt hại về kinh tế đang được ngành chức năng quan tâm.

Chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi chụp X-quang tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang.

Sự nguy hiểm không phải ai cũng biết

Bà N.T.L., 73 tuổi, ở phường V, thành phố Vị Thanh, kể: “Cách đây hơn 5 năm, tôi mắc phải hội chứng cường giáp. Tôi được điều trị bằng i-ốt phóng xạ (I-131). Sau điều trị, tôi phải làm theo hướng dẫn cách ly, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh, kể cả những người thân trong gia đình”. Vì khi tiêm hoặc uống phóng xạ, bệnh nhân đã trở thành nguồn phóng xạ, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tiếp xúc gần. Câu chuyện của bà L. đã cho thấy sự nguy hại của của nguồn phóng xạ, sự cố bức xạ đối với con người và môi trường.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở có nguồn bức xạ. Trong đó có 26 cơ sở y tế và 4 cơ sở công nghiệp. Về số lượng nguồn bức xạ, có tổng cộng 67 nguồn. Bao gồm 55 máy phát tia X trong y tế (máy chụp cắt lớp vi tính, máy chiếu chụp X-quang tổng hợp, máy chụp răng, máy chụp nhũ ảnh, máy tăng sáng truyền hình); 17 nguồn bức xạ công nghiệp, trong đó có 5 máy phát tia X công nghiệp và 12 nguồn phóng xạ. Hầu hết các cơ sở trên đều chỉ sử dụng nguồn phóng xạ kín và máy phát tia X. Không có cơ sở nào sử dụng nguồn phóng xạ hở và không có chất thải phóng xạ.

Tuy vậy, sự cố bức xạ, hạt nhân vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng mất an toàn, an ninh trên địa bàn tỉnh. Đối với sức khỏe con người, tùy vào cường độ năng lượng của tia bức xạ, thời gian phơi nhiễm và khoảng cách với nguồn phóng xạ mà mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau. Các trường hợp bệnh nhân chụp X-quang, chụp CT thì không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng khi lượng bức xạ vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây nên tình trạng nhiễm độc phóng xạ. Nếu nhẹ có thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, sốt, tiêu chảy, tụt huyết áp,… Nếu nặng có thể gây tử vong. Ngoài ra, nhiễm độc phóng xạ về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiềm tàng, ung thư và gây nên các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Bên cạnh đó, sự cố bức xạ, hạt nhân còn gây nên tình trạng ô nhiễm phóng xạ, hủy hoại môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đối với các cơ sở có liên quan, sự cố sẽ gây nên những thiệt hại to lớn về tài sản, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động, sản xuất. Do đó, xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố bức xạ, hạt nhân là một điều vô cùng cấp thiết.

Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức buổi Hội thảo góp ý dự thảo Kế hoạch Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn tỉnh. Dự thảo đã đưa ra những căn cứ pháp lý và những quy định chung trong công tác ứng phó sự cố. Đồng thời, phân tích những nguy cơ sự cố về bức xạ, hạt nhân có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Dự thảo cũng đã phân công nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, xây dựng kịch bản, chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến giúp hoàn thiện kế hoạch để trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Sau đó, UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch, đưa vào thực hiện. Dự kiến trong thời gian tới, tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức, trang bị những kỹ năng cần thiết cho các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố.

Tuy chưa triển khai kế hoạch, nhưng trên thực tế các cơ sở có nguồn bức xạ vẫn luôn quan tâm đến việc đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị. Ông Lê Thanh Vũ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn luôn quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân khi sử dụng các thiết bị có tia bức xạ như máy chụp X-quang, chụp CT. Các phòng chụp được chúng tôi che chắn bằng chì. Trong trường hợp phải tiếp xúc gần với tia bức xạ, nhân viên vận hành sẽ được trang bị áo chì, sử dụng tấm chắn và chú ý đến khoảng cách an toàn. Hàng năm, chúng tôi sẽ tiến hành bảo trì phòng chụp. Máy sẽ được công ty sản xuất bảo trì 2 năm một lần. Còn những nhân viên vận hành máy cũng thường xuyên được tập huấn về công tác an toàn bức xạ”.

Tại các doanh nghiệp, vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ vẫn luôn được được quan tâm. Ông Liêu Ngọc Chuẩn, Phó Giám đốc Sản xuất, Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam, cho biết: “Công tác ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân ở công ty đang được thực hiện tốt. Công ty đã thành lập Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố trong doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra định kỳ các nguồn phóng xạ. Công ty cũng báo cáo tình hình ứng phó sự cố định kỳ hàng năm cho các cấp lãnh đạo”.

Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: “Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân đã được ấp ủ trong nhiều năm qua. Đây là lần đầu tiên kế hoạch được xây dựng và triển khai trên địa bàn tỉnh. Sau khi được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện kế hoạch và tổ chức các đợt diễn tập theo những tình huống giả định đã đặt ra”.

Với tinh thần chuẩn bị khẩn trương, trách nhiệm, kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân khi triển khai sẽ giúp tỉnh phòng ngừa, hạn chế được những nguy cơ mà sự cố bức xạ, hạt nhân có thể gây ra.

Trong vật lý học, bức xạ (đơn vị đo là sivert, ký hiệu:Sv) là sự lan tỏa hoặc truyền dẫn năng lượng dưới dạng sóng hay hạt phân tử qua không gian hoặc môi trường dẫn. Đa số bức xạ đến từ các khoáng chất tự nhiên, lúc nào cũng có ở xung quanh chúng ta. Còn phóng xạ là hiện tượng một số hạt nhân nguyên tử không bền, tự biến đổi và phát ra các bức xạ hạt nhân. Một chất chứa các hạt nhân không bền được coi là chất phóng xạ. Một vật chứa chất phóng xạ là nguồn phóng xạ. Sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân xảy ra khi một lượng lớn chất phóng xạ thải vào môi trường.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>