Chất lượng dân số là nền tảng cho sự phát triển

23/09/2019 | 19:56 GMT+7

Ngành dân số Hậu Giang luôn đề ra nhiều giải pháp thiết thực, chú trọng công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu về ý nghĩa việc nâng cao chất lượng dân số, nền tảng cho sự phát triển.

Vợ chồng ông Sĩ (trái) luôn nói với các con mình là sinh con gái hay trai không quan trọng, điều cần là nuôi dạy con tốt.

Tăng cường truyền thông

Ở tuổi ngoài 50, vợ chồng ông Nguyễn Văn Sĩ và bà Lê Thị Lê, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, cảm thấy hài lòng khi có hai cô con gái ngoan ngoãn. Hiện con gái lớn của ông Sĩ đã lập gia đình và công tác trong ngành y, người con nhỏ đang theo học cao đẳng tại thành phố Cần Thơ. Nhớ lại những vất vả gần 30 năm trước khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân, bà Lê bộc bạch: “Vợ chồng tôi lấy nhau, gia đình cho được 2 công ruộng, cái nền nhà nhỏ, nên làm việc, bươn chải quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Hai năm sau ngày cưới, tôi mới dám nghĩ tới chuyện sinh con. Đến khi kinh tế gia đình tương đối ổn, vào năm 2001, tôi quyết định sinh thêm đứa nữa, rồi kế hoạch đến nay luôn”.

Dù chỉ sinh con một bề là gái, nhưng đối với vợ chồng ông Sĩ cuộc sống hiện tại thật hạnh phúc, đủ đầy. Ông Sĩ tiếp lời vợ: “Hồi trước, nhà đông anh em, nên tôi đâu được học tới nơi, tới chốn. Vợ chồng tôi quan niệm con nào cũng là con, không phân biệt trai, gái. Tôi nghĩ, chỉ cần mình cố gắng làm việc, có kinh tế ổn định, lo cho các con đủ đầy vậy là mừng, chứ sinh nhiều mà thiếu trước hụt sau thì tội nghiệp tụi nhỏ lắm”. Mỗi người đều có sự lựa chọn riêng cho mình một cuộc sống. Với vợ chồng ông Sĩ, sự sung túc, viên mãn của gia đình không nằm ở chỗ sinh con trai hay gái mà điều họ quan tâm là nuôi dạy con ra sao. Ý thức từ những gia đình như ông Sĩ và bà Lê sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Thời gian qua, ngành dân số luôn tăng cường công tác truyền thông, nhằm nâng cao kiến thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh… thông qua việc lồng ghép vào sinh hoạt các tổ nhóm, đợt tiêm chủng hàng tháng, mạng lưới cộng tác viên. Bà Phạm Thị Trúc Anh, cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết: “Chúng tôi đã thành lập được một số câu lạc bộ ở địa phương như tiền hôn nhân, sinh đủ hai con,… góp phần tạo sự đa dạng hơn các hình thức tuyên truyền. Người dân hiện cũng đã được nâng dần ý thức và sẵn sàng tham gia thực hiện một số dịch vụ liên quan dù phải tự bỏ ra chi phí”.

Để chất lượng dân số nâng lên

Chị Trần Ngọc Yến, ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Dù điều kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng tôi vẫn rất quan tâm việc sàng lọc trước sinh cho các con nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, phát hiện kịp thời những bất thường. Tôi đang mang thai bé thứ hai đã được sàng lọc trước sinh và sẽ thực hiện tiếp sàng lọc sơ sinh khi con ra đời”. Nấc thang đánh giá chất lượng dân số chính là việc bảo đảm một thế hệ khỏe mạnh ngay từ khi chào đời. Việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh ở trẻ được triển khai sẽ giúp người dân phát hiện sớm những bất thường hay dị tật của thai nhi, nhằm can thiệp kịp thời, nền tảng cho việc nâng cao chất lượng nòi giống.

Không những thế, công tác truyền thông về sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên cũng được ngành dân số tỉnh quan tâm. Theo bà Võ Thị Hoàng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, việc tăng cường tư vấn và cung cấp kiến thức, dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên là thực sự cần thiết, bởi hiện tại tỷ lệ này chiếm khoảng 15,04% dân số toàn tỉnh. Mục tiêu là góp phần giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên, thanh niên để từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Ngoài quan tâm nâng cao sức khỏe thế hệ trẻ, các địa phương còn chú trọng chăm sóc người cao tuổi. Đây được cho là một trong những hoạt động để nâng cao chất lượng dân số khá hiệu quả, cần thiết được thực hiện. Ông Nguyễn Văn Tám, ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Tôi rất vui vì địa phương thường tổ chức những đợt khám sức khỏe người cao tuổi, giúp bản thân biết được một số bệnh đang mắc để điều trị. Có nhiều người cao tuổi đi lại khó khăn, bác sĩ còn đến tận nhà để khám nên người dân an tâm, hài lòng”.

Nhiều giải pháp thiết thực được ngành dân số đưa ra sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà. Tuy nhiên, công việc này đòi hỏi một quá trình lâu dài, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống, ý thức nơi người dân chứ không riêng gì ngành dân số, nhằm tạo nên một sức mạnh tổng hợp.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>