Bệnh viện ở Hậu Giang thiếu gì để thu hút người bệnh ?

04/03/2021 | 07:52 GMT+7

Trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh, nhiều bệnh viện của tỉnh “than” khó về cơ sở, thiếu trang thiết bị, nhân lực bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa sâu, chuyên ngành hiếm. Đây có phải là những nguyên nhân chính khiến việc thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ?

Thiếu nguồn nhân lực bác sĩ có chuyên môn sâu là một trong những rào cản để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện của tỉnh.

Rào cản nâng chất lượng khám, chữa bệnh

Thành lập chưa đầy 1 năm nên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện phục vụ, từ cơ sở, trang thiết bị, đến nhân lực bác sĩ. Theo ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh: “Về cơ sở vật chất, hiện tại chưa phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của bệnh viện chuyên khoa hạng II quy mô 240 giường bệnh. Một số khoa trọng điểm phải sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh theo chuyên ngành sản, nhi như: Khoa Sản, Khoa Sơ sinh, Khoa Nhiễm, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Khoa Hồi sức tích cực, chưa có khu vui chơi cho trẻ em trong khuôn viên bệnh viện. Do cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đủ nên bệnh viện chưa đáp ứng được theo yêu cầu người bệnh về các dịch vụ y tế. Nguồn nhân lực còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động thực tế tại đơn vị nhất là bác sĩ chuyên khoa sâu”.

Về cơ sở vật chất, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh gặp khó do trước đây bệnh viện được thành lập vào tháng 7-2020, trụ sở của bệnh viện sử dụng trụ sở của Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh cũ với quy mô 150 giường bệnh nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Còn Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh đặc biệt khó thu hút nguồn nhân lực chuyên ngành lao. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, cho biết: “Bệnh viện chỉ có 12 bác sĩ để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Những năm qua rất khó thu hút nguồn nhân lực chuyên ngành lao để về phục vụ. Bệnh viện rất khó tuyển dụng được những người có chuyên khoa, có trình độ cao vào làm, chủ yếu chỉ tuyển dụng được nhân lực chuyên môn có trình độ trung cấp vào làm, sau một thời gian rồi đưa đi đào tạo chuyên môn dài hạn”.

Thiếu nguồn nhân lực bác sĩ, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh chưa phát triển được nhiều kỹ thuật mới, đặc biệt là kỹ thuật về ngoại khoa. Lượt điều trị nội trú tại bệnh viện không đạt chỉ tiêu kế hoạch, riêng trong năm 2020 chỉ đạt 65%. Công suất sử dụng giường bệnh đạt thấp chỉ 56%.

Là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn còn thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chuyên môn sâu và triển khai khâu đào tạo cũng không dễ. Ông Lê Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ: “Công tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên khoa chưa đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt chưa đào tạo được chuyên khoa huyết học, giải phẫu bệnh, thực hiện kỹ thuật cầu tay chạy thận nhân tạo. Bệnh viện còn thiếu trang thiết bị phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị, nhất là trang thiết bị hồi sức, thiết bị chẩn đoán cận lâm sàng không đáp ứng được nhu cầu phục vụ bệnh nhân, thiếu máy thở, monitor… Về cơ sở hạ tầng hiện nay, một số khoa, một số tầng trở nên lạc hậu khó cải tạo”. Dù rất nỗ lực, nhưng danh mục chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa đáp ứng được mô hình bệnh tật đến khám, chữa bệnh hàng ngày, nhất là bệnh lý tim mạch, huyết học, da liễu. Bệnh viện chưa đạt tiêu chí về kỹ thuật chuyên môn theo Bộ Y tế quy định là trên 70%. Chỉ số thu hút người bệnh còn thấp nên các chỉ tiêu thu dung, khám và điều trị nội trú năm 2020 không đạt, chỉ đạt 81% kế hoạch năm.

Tại Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần và da liễu tỉnh, trang thiết bị cũng chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh viện chuyên khoa như: còn thiếu máy shock điện, máy xét nghiệm ký sinh trùng,… “Một số trang thiết bị phục vụ chuyên môn khác được đầu tư nhiều năm đã xuống cấp, lạc hậu khó đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh hiện nay, như: Máy đo lưu huyết não, máy đo điện não, máy X-quang, máy đốt điện. Bệnh viện còn thiếu bác sĩ chuyên khoa về tâm thần kinh. Diện tích bệnh viện hẹp nên chưa bố trí được nơi vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, lao động cho bệnh nhân tâm thần nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị”, bà Nguyễn Hồng Nhặn, Giám đốc Bệnh viện, nhấn mạnh.

Khó khắc phục trong thời gian ngắn…

Để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh tại bệnh viện, bà Nguyễn Hồng Nhặn, Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần và Da liễu tỉnh, mong muốn: “Chúng tôi đề nghị được mở rộng bệnh viện, đầu tư các trang thiết bị còn thiếu và được bổ sung bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để nâng cao hiệu quả điều trị tại bệnh viện”.

Thực tế, đối với nguồn nhân lực chuyên ngành hiếm như lao, tâm thần kinh,… những năm qua dù có những chính sách thu hút, ưu tiên đào tạo nhưng không có nhiều người mặn mà với lĩnh vực này. Bởi vậy, các bệnh viện đề xuất cần có những chính sách đặc thù riêng. Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, nói: “Để thu hút, tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực chuyên ngành hiếm cần có chính sách đặc thù riêng, có đảm bảo được nguồn nhân lực chuyên môn cao mới có thể thúc đẩy các bệnh viện hoạt động tốt”.

Nhận thấy được tình trạng thiếu nhân lực chuyên môn sâu, các bệnh viện cũng đã chủ động một bước tăng cường hoạt động đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn bác sĩ. Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho hay: “Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực, chúng tôi đã quan tâm đào tạo dài hạn đối với các bác sĩ, đang đào tạo các bác sĩ chuyên khoa 2 nhi, chuyên khoa 1 về chẩn đoán hình ảnh, nhi, sản phụ khoa. Đồng thời, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên y tế để nâng cao hiệu quả phục vụ. Về cơ sở vật chất sẽ đồng thời tranh thủ sự đầu tư từ ngân sách của tỉnh và kết hợp với xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân”.

Vấn đề khó về nguồn nhân lực đã được nhìn nhận và ngành y tế tỉnh cũng đã có những hướng đi trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: “Hàng năm, chúng tôi luôn ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có chuyên ngành hiếm, cũng có chính sách thu hút, tuy nhiên, không có nhiều thí sinh đăng ký. Do đây là chuyên ngành mà trong quá trình công tác có nhiều rủi ro nghề nghiệp. Sở Y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ năm 2021 và trong cả giai đoạn đến năm 2025 kỳ vọng sẽ bổ sung cơ bản nguồn nhân lực phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh”.

Những khó khăn trên khó khắc phục ngày một ngày hai mà cần có thời gian, có lộ trình, nên việc thu hút người dân đến khám, chữa bệnh sẽ vẫn còn khó…

Thực tế, đối với nguồn nhân lực chuyên ngành hiếm như lao, tâm thần kinh,… những năm qua dù có những chính sách thu hút, ưu tiên đào tạo nhưng không có nhiều người mặn mà với lĩnh vực này. Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, vẫn còn thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chuyên môn sâu và triển khai khâu đào tạo cũng không dễ.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>