Bệnh tay - chân - miệng gia tăng

11/03/2021 | 05:41 GMT+7

Hai tháng đầu năm nay, tình hình bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2020. Các địa phương đang triển khai chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này nhằm kiểm soát, không để dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới.

Rửa tay thường xuyên, đúng cách là một trong những giải pháp phòng hiệu quả bệnh tay - chân - miệng.

Trẻ mắc bệnh đa số chưa đến trường

Trên địa bàn xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, hai tháng đầu năm đã ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020. Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng trạm Y tế xã Tân Phú Thạnh: “Trẻ mắc bệnh tập trung ở độ tuổi chưa đến trường mầm non, mẫu giáo, trẻ được gia đình trông coi, chăm sóc tại nhà. Trong 5 trường hợp trẻ mắc bệnh đầu năm nay chỉ có một trường hợp trẻ đã đi học tại Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ đóng trên địa bàn xã. Tất cả các trường hợp trẻ mắc bệnh, chúng tôi đều thực hiện giám sát kịp thời, tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình có trẻ mắc bệnh và các hộ dân xung quanh bán kính 200m thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay - chân - miệng, không để dịch bệnh lây lan cho những trẻ khác xung quanh khu vực có trẻ mắc bệnh”.

Các gia đình đã quan tâm hơn khâu phòng bệnh tay - chân - miệng cho con của mình, đặc biệt là đối với những gia đình có trẻ đã mắc bệnh. Ông Huỳnh Khắc Nhu, cha của bé Huỳnh Tâm Như, một trong những trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng của xã Tân Phú Thạnh, cho biết: “Cháu vừa được xuất viện về nhà. Khi mắc bệnh có biểu hiện sốt. Bác sĩ chẩn đoán là bệnh tay - chân - miệng. Cán bộ y tế xã cũng đã đến hướng dẫn gia đình vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của cháu bằng Cloramin B. Chúng tôi sẽ duy trì thực hiện thường xuyên để tránh tình trạng con tái mắc bệnh trở lại”.

Theo các cán bộ y tế ở Trạm Y tế xã Tân Phú Thạnh, nhờ chủ động giám sát, tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch đã khống chế không để dịch bệnh lây lan sang các trẻ xung quanh khu vực nhà có trẻ mắc bệnh.

Hai tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện Châu Thành A tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Theo bà Trương Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A: “Đến nay, huyện đã ghi nhận 16 cas mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 13 cas so với cùng kỳ năm 2020. Có 7 xã, thị trấn có cas bệnh, trong đó, tại xã Tân Phú Thạnh có các trường hợp mắc bệnh cao nhất. Tuy nhiên, chưa có trường hợp trẻ tử vong do bệnh tay - chân - miệng”. Bệnh tay - chân - miệng đã tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước tại huyện Châu Thành A, đây là vấn đề đáng quan ngại cho công tác phòng, chống bệnh tay - chân - miệng năm nay.

Tình hình dịch bệnh 2 tháng đầu năm tại huyện Phụng Hiệp cũng gia tăng. Theo ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp: “Đã ghi nhận 22 cas mắc bệnh tay - chân - miệng, tăng 15 cas so với cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh tăng những tháng đầu năm dự báo có khả năng gia tăng cao hơn năm trước nếu không có những biện pháp phòng tránh hiệu quả. Trong khi đó, cả năm 2020 huyện chỉ ghi nhận 76 cas mắc bệnh tay - chân - miệng, số cas mắc hiện nay đã gần bằng 1/3 cả năm trước. Các cas bệnh rải rác ở nhiều địa bàn và mắc nhiều nhất ở độ tuổi trẻ chưa đến trường, dưới 3 tuổi, mừng là đa số trẻ có biểu hiện nhẹ. Chúng tôi đã thực hiện công tác giám sát cas bệnh kịp thời nhằm tránh không để bệnh lây lan thành dịch lớn”.

Chủ động phòng dịch

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ gia tăng trong năm 2021, các địa phương cũng đã chủ động các biện pháp để ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan. Trong đó tập trung thực hiện công tác tuyên truyền thực hiện vệ sinh phòng dịch. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng trạm Y tế xã Tân Phú Thạnh, cho biết thêm: “Chúng tôi tích cực tuyên truyền các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh tay - chân - miệng qua các cuộc họp nhóm lồng ghép với các cuộc họp nhóm của tổ chức hội, đoàn thể xã và qua cộng tác viên. Đặc biệt, duy trì thường xuyên phối hợp giám sát công tác phòng, chống dịch tại trường mẫu giáo đóng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm huy động người trông trẻ chung tay phòng chống bệnh tay - chân - miệng cho con em mình”.

Tại các trường học mầm non, mẫu giáo, hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng đã được duy trì thực hiện thường xuyên. Bà Trương Thị Khuyên, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, xã Tân Phú Thạnh, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các giáo viên phụ trách lớp kiểm tra sức khỏe của trẻ khi nhận trẻ mỗi ngày nhằm chủ động phát hiện sớm nhất nếu có trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng. Hiện tại, lồng ghép với hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện kiểm tra thân nhiệt trẻ hàng ngày, hướng dẫn trẻ rửa tay sát khuẩn phòng dịch thường xuyên để tránh dịch lây lan ở trong trường học. Hàng tuần đều duy trì vệ sinh trường lớp và rửa đồ chơi của trẻ 2 lần bằng Cloramin B”. Trường có 12 lớp với trên 230 trẻ nên công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được chủ động.

Các hoạt động phòng dịch được tăng cường trên địa bàn tỉnh, nhất là địa bàn có dịch tăng cao nhất như huyện Châu Thành A. Theo bà Trương Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A: “Chúng tôi đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân các kiến thức phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát các cas bệnh kịp thời để khống chế không để dịch bệnh tiếp tục gia tăng trên địa bàn huyện”.

Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ của các gia đình thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng dịch như vệ sinh nhà cửa, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách cho cả người lớn và trẻ nhỏ, không tiếp xúc với trẻ mắc bệnh. Có như vậy mới có thể khống chế được dịch bệnh bảo vệ sức khỏe của trẻ, không để dịch bệnh gia tăng hoặc xảy ra trường hợp tử vong do mắc bệnh tay - chân - miệng.

Cas bệnh tăng 3 lần so với cùng kỳ

 

Hai tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 77 cas mắc bệnh tay - chân - miệng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ ghi nhận 24 cas, đã tăng 3 lần. Trong đó, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp có số cas bệnh tăng nhiều nhất tỉnh. Đây là vấn đề cần được quan tâm thực hiện chủ động các biện pháp phòng bệnh để kiểm soát tốt dịch bệnh tay - chân - miệng năm nay.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>