Vì mục tiêu dạy và học thực chất

21/06/2021 | 07:33 GMT+7

Từ đầu năm 2021, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, trong đó quan tâm tăng cường hoạt động tiếp xúc trực tiếp với viên chức, người lao động và tập thể khoa, phòng trực thuộc trường.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, làm việc với tập thể Khoa Lý luận cơ sở. Ảnh: DIỆU HƯƠNG

Thúc đẩy quyết tâm, nâng tầm trách nhiệm

6 tháng đầu năm, Ban giám hiệu trường đã tổ chức hai cuộc tiếp xúc trực tiếp với viên chức và người lao động, với hơn 20 lượt gặp gỡ cá nhân viên chức, người lao động và 10 lượt làm việc với tập thể các phòng, khoa. Ngoài ra, Ban giám hiệu sẵn sàng tiếp nhận thông tin, làm việc trực tiếp mỗi cá nhân và từng nhóm để kịp thời trao đổi, chỉ đạo, định hướng việc phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị.

Tại các cuộc tiếp xúc trực tiếp, mỗi cá nhân và từng tập thể tận dụng điều kiện, môi trường cởi mở, chân tình để giãi bày những mong mỏi, khó khăn và đề xuất ý tưởng, kiến nghị giải pháp nhằm góp phần hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ cá nhân gắn với nhiệm vụ tập thể. Đặc biệt, nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, khả thi đã được đề xuất, khởi động thực hiện, như mô hình “Hoa thơm lấn cỏ dại”; hội thi “Tìm hiểu, vận dụng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025” nhằm đưa Nghị quyết vào bài giảng, vào nghiên cứu và hướng dẫn học tập; xây dựng kho “Dữ liệu dùng chung”; đổi mới công tác nghiên cứu khoa học theo hướng phân luồng, đặt hàng đề tài nghiên cứu; đổi mới hình thức nghiên cứu thực tế của giảng viên và học viên thích ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng tăng cường trao đổi chuyên sâu thông qua các nhóm, câu lạc bộ; nâng chất dạy và học thông qua tương tác giữa giảng viên và học viên…

Tất cả đang từng bước thực hiện tốt phương châm “Dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất”. Mục tiêu góp phần nâng chất lượng chính trị đội ngũ cán bộ, giảng viên Tô Thanh Tùng chia sẻ: “Thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, tham gia, được Ban giám hiệu góp ý, điều chỉnh và khi tham gia xong các giai đoạn của hội thi tôi thấy tự tin hơn trong giảng dạy, hiểu hơn giá trị bản thân khi trực tiếp đóng góp vào những ý tưởng chung của tập thể”.

 Nhận thức rõ ý nghĩa cách làm này, Ths. Lê Văn Tuyên, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, nhấn mạnh: Phải nghiêm túc nghiên cứu để cung cấp đầy đủ, chân tình những thông tin về thực trạng hoạt động, phối hợp để có những ý kiến xác đáng, mang tính xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của trường lên một bước mới. 

Qua mỗi cuộc tiếp xúc trực tiếp, ý chí, quan điểm, mục tiêu lãnh đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu trường được truyền đạt đến mỗi viên chức, người lao động, từ đó lan tỏa tâm huyết của lãnh đạo, thúc đẩy quyết tâm của mỗi cá nhân, tạo động lực cho sự gắn bó, đoàn kết, tinh thần trách nhiệm và nhân thêm sức mạnh trong tập thể viên chức, người lao động toàn trường.

Đổi mới để hoàn thiện và phát triển

Tư tưởng đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý mà đặc biệt là tăng cường tiếp xúc với cá nhân, tập thể của Ban giám hiệu trường đã được thực hiện bằng hành động, tạo sự thay đổi to lớn mang lại ý nghĩa, giá trị rất tích cực trong toàn đơn vị. Ths.Mai Văn Lợi, Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học, nhận định: “Sau buổi tiếp xúc với Ban Giám hiệu, giảng viên, người lao động cảm thấy thoải mái, tự tin, hăng hái hơn; giữa lãnh đạo các phòng, khoa và viên chức, người lao động đoàn kết, gắn bó nhau hơn”.

Các kế hoạch, chương trình hoạt động được thông hiểu từ đầu nên đồng thuận rất cao, lãnh đạo nhà trường tranh thủ được sự ủng hộ của tập thể rất lớn và năng lượng tích cực được khai thác hiệu quả. Nhiều cá nhân, đơn vị đã tình nguyện nhận thêm việc để làm, chia sẻ khó khăn của tập thể khi nguồn kinh phí hạn hẹp hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời. Qua cách làm này, dân chủ được phát huy, góp ý xây dựng cá nhân được thực chất vì mong muốn nâng tầm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, nâng cao kỹ năng quản lý, sẵn sàng tâm thế tốt nhất trước yêu cầu sắp tới.

Kết quả bước đầu từ đổi mới phương thức làm việc đã mang lại hiệu quả lãnh đạo, Ths.Nguyễn Hiệp Trung, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường, định hướng: “Ban giám hiệu mong muốn phát huy ý chí tập thể, từ đổi mới phương thức quản lý tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên; gắn lý luận với thực tiễn; vận dụng hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vào bài giảng. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, góp phần tổng kết thực tiễn kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng ở địa phương”.

Không cổ súy làm qua loa mà đòi hỏi thực chất

 

Ths.Nguyễn Thị Tuyết Loan, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị, thẳng thắn bày tỏ: “Ban giám hiệu không cổ súy làm qua loa mà đòi hỏi thực chất từ công tác đổi mới phương thức lãnh đạo. Từ thực chất công tác giảng dạy, công tác nghiên cứu thể hiện khát vọng của mỗi đảng viên trong môi trường công tác đặc thù. Từ đó, quyết tâm vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa sẵn sàng nâng chất trong yêu cầu phát triển”.

 

THANH NGHĨA

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>