Trả lời kiến nghị của cử tri

01/10/2018 | 08:28 GMT+7

Căn cứ Công văn số 168 ngày 18-9-2018 của Thường trực HĐND tỉnh về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ Chín, Sở Y tế trả lời kiến nghị của cử tri đối với các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành. Cụ thể như sau:

Cử tri yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh ghi đầy đủ thông tin trong sổ khám bệnh của bệnh nhân.

Cử tri kiến nghị:

Cử tri xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp và cử tri xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng nước đóng chai, đóng bình nhằm giúp cho người dân an tâm sử dụng.

Sở Y tế trả lời:

Toàn tỉnh hiện có 70 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình (NUĐC) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó có sản phẩm NUĐC được Sở Y tế thẩm định cấp giấy phép đủ điều kiện sản xuất, cấp và tiếp nhận tự công bố hợp quy hoặc tự công bố sản phẩm theo Nghị định số 15 của Chính phủ. Riêng tại huyện Phụng Hiệp có 17 cơ sở, thị xã Long Mỹ có 7 cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc Sở Y tế phối hợp với các ngành thực hiện 3 đợt thanh, kiểm tra liên ngành và 8 đợt hậu kiểm chuyên ngành. Qua đó, kiểm được 70/70 cơ sở trên địa bàn; đã tiến hành lấy mẫu sản phẩm của 70 cơ sở để gửi kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn vi khuẩn E.coli và Coliform trong các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cơ bản.

Kết quả hậu kiểm tra cho thấy, có 5/70 mẫu không đạt và đã xử lý hành chính theo Nghị định 178 của Chính phủ. Đồng thời yêu cầu khắc phục điều kiện sản xuất và lấy mẫu lại nếu đạt mới được phép lưu thông trên thị trường.

Qua công tác kiểm tra cho thấy, cơ bản các cơ sở sản xuất đã chấp hành tương đối tốt các quy định về điều kiện cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị và con người. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất NUĐC trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, bán tự động, quy trình sản xuất thủ công. Các cơ sở còn một số vi phạm như: trang bị bảo hộ chưa đầy đủ; điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo; sản phẩm không đảm bảo chất lượng… Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở khắc phục những vi phạm và thực hiện khắc phục trước khi tiến hành sản xuất.

Tổ chức hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm đối với NUĐC hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn như địa bàn rộng, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng NUĐC nhiều; kinh phí cấp cho việc lấy mẫu kiểm tra không đáp ứng đủ; một số đối tượng kinh doanh hoạt động lén lút khó phát hiện… Từ đó, tạo tâm lý e ngại về chất lượng NUĐC sản xuất trên địa bàn và vấn đề kiến nghị của cử tri là có cơ sở.

Về phía Sở Y tế, xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến của cử tri.

Hướng tới, Sở sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng…

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, Sở Y tế khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn các sản phẩm NUĐC cần lưu ý chỉ sử dụng các sản phẩm đã được công bố hợp quy, đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi mua hàng nên cẩn trọng chọn lựa các sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, tên sản phẩm, có thông tin về địa chỉ cơ sở sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; chọn mua hàng ở các cơ sở, cửa hàng, siêu thị có uy tín, những nơi chấp hành đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm.

Cử tri kiến nghị:

Cử tri xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp có ý kiến đề nghị Sở Y tế cho biết vì sao phải yêu cầu người dân mua sổ khám bệnh nhưng trong sổ không có ghi thông tin gì ?

Sở Y tế trả lời:

Sổ khám bệnh sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh là nhằm mục đích ghi lại thông tin quá trình khám, chữa bệnh của bệnh nhân, ghi chép đơn thuốc mà bác sĩ trực tiếp khám, chẩn đoán bệnh đã chỉ định để điều trị cho người bệnh, lịch hẹn tái khám… (mẫu sổ khám bệnh được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 52/2017 ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

Đồng thời, theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Thông tư số 52 ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc kê đơn thuốc đối với người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau: “Người kê đơn thuốc thực hiện kê đơn vào đơn thuốc hoặc sổ khám bệnh của người bệnh theo mẫu quy định tại phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và vào sổ theo dõi khám bệnh hoặc đăng ký trên phần mềm quản lý người bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh nên các bác sĩ không kê đơn thuốc bằng cách ghi trực tiếp vào sổ khám bệnh bằng bút bi như trước đây, thay vào đó sẽ sử dụng phần mềm kê đơn thuốc và in đơn thuốc trên giấy A4 hoặc A5 sau đó kẹp đơn thuốc đã in ra vào trong sổ khám bệnh của người bệnh để theo dõi chuẩn đoán và điều trị cho người bệnh trong lần khám, chữa bệnh tiếp theo.

Qua ý kiến phản ánh của cử tri, Sở Y tế đã có ý kiến chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh việc ghi chép đầy đủ thông tin của người bệnh và thực hiện việc kê đơn thuốc (ghi trực tiếp vào sổ hoặc kẹp bản in đơn thuốc) vào sổ khám bệnh của người bệnh khi đến cơ sở khám, chữa bệnh.

T.S tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>