Sáp nhập để không còn hoạt động manh mún

05/05/2022 | 08:41 GMT+7

Việc sáp nhập các hội liên quan cấp huyện thành hội người mù - chất độc da cam - khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hoạt động tập trung hơn, tránh manh mún.

Sau khi được thông qua đề án sáp nhập, Hội Người mù - Chất độc da cam - Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Ngã Bảy tổ chức đại hội vào tháng 11-2021.

Mỗi địa phương mỗi tên, không được công nhận là hội đặc thù

Theo thống kê, ở các huyện, thị xã, thành phố hiện các hội có những cái tên khác nhau, hai địa phương có hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin - người mù - người khuyết tật và trẻ mồ côi; 5 địa phương có hội nạn nhân chất độc da cam - bảo trợ người tàn tật - trẻ em mồ côi và 4 địa phương có hội người mù riêng lẻ. Với chức năng là chăm lo cho các đối tượng yếu thế như người mù, nạn nhân da cam, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo…

Tuy nhiên, do không được công nhận là hội đặc thù, nên trước giờ hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và hội bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo ở các địa phương không được cấp kinh phí hoạt động. Cán bộ hội hoạt động không được hưởng bất kỳ chế độ nào, đa phần hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Ông Trần Văn Sắc, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ mồ côi thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Sau khi sáp nhập giữa Hội Nạn nhân chất độc da cam - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ mồ côi và Hội Người mù thị xã lại thành một, cán bộ hội chúng tôi được hưởng lương, chế độ và cấp kinh phí hoạt động. Điều này động viên rất lớn cho chúng tôi cả vật chất lẫn tinh thần. Mặc dù, gom các hội lại sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động, nhưng khi cơ cấu lại bộ máy nhân sự sẽ giảm hơn so với trước, vì vậy một số anh em gắn bó lâu ở các hội phải chuyển công tác hoặc nghỉ không tham gia công tác nữa”.

Do tính chất hoạt động rất đặc thù nên việc bố trí nhân sự không phải là dễ dàng sau khi sáp nhập. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam - Bảo trợ người tàn tật - Trẻ em mồ côi huyện Vị Thủy, bày tỏ: “Thực hiện theo quyết định sáp nhập lần này, chúng tôi sẽ được bổ sung thêm chức năng để chăm lo cho người mù. Theo đề án sáp nhập đã trình UBND huyện, chúng tôi được cơ cấu 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch và 1 kế toán. Nhưng cái khó hiện nay là việc chọn người phụ trách bên công tác người mù, do trước giờ trên địa bàn không có Hội Người mù”.

Thực hiện sáp nhập các hội thành một đầu mối ở các địa phương, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ, công tác hội. Việc sáp nhập hội cấp huyện là chủ trương của tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng hoạt động manh mún ở các tổ chức hội. Đồng thời, còn tạo điều kiện để các cán bộ tham gia công tác hội được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

Tránh chồng chéo, không còn tình trạng mạnh ai nấy làm

Là địa phương đầu tiên sáp nhập các hội cấp huyện, thành phố Ngã Bảy có những thuận lợi riêng. Bà Nguyễn Thị Khiết, Chủ tịch Hội Người mù - Chất độc da cam - Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Ngã Bảy, bộc bạch: “Do trước đây, trên địa bàn chỉ có một hội là Hội Nạn nhân chất độc da cam - Người mù - Người khuyết tật và Trẻ mồ côi, nên khi sáp nhập, chúng tôi chỉ đổi tên lại theo quy định. Theo tôi, dù sáp nhập lại thành một đầu mối nhưng chức năng, nhiệm vụ của hội vẫn không thay đổi, không gây khó khăn gì trong hoạt động”.

Sau khi UBND tỉnh ban hành Công văn 923 về việc thống nhất sáp nhập các hội cấp huyện, Sở Nội vụ đã có văn bản đề nghị UBND huyện, thị, thành phố tiến hành xây dựng đề án sáp nhập hội và hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ sáp nhập. Sau khi hoàn chỉnh đề án sáp nhập, Hội Người mù - Chất độc da cam - Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Ngã Bảy được chính thức thành lập, khoảng cuối năm 2021, hội tiến hành đại hội và bầu các chức danh theo quy định.

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, chia sẻ: “Việc tổ chức, sắp xếp lại các hội này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Việc sắp xếp đã khắc phục được sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nguồn hỗ trợ các đối tượng cũng được phân bổ phù hợp, tránh được tình trạng hỗ trợ không đồng đều giữa các đối tượng yếu thế”.

Dù có những thuận lợi như đã nói, nhưng thực tế cho thấy việc sắp xếp lại các hội khá phức tạp, do liên quan đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của những cán bộ ở các hội trước khi sáp nhập. Do đó, trong quá trình thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại các hội, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, các hội viên, các tổ chức hội và Nhân dân. Cùng với công tác tuyên truyền, theo kiến nghị của các hội, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ kịp thời, gỡ khó nếu có để đảm bảo việc sắp xếp, tổ chức lại các hội không gây ra sự xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của các hội…

Đầu tháng 7-2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 923 về việc thống nhất sáp nhập hội người mù và hội nạn nhân chất độc da cam - bảo trợ người tàn tật - trẻ em mồ côi hội cấp huyện thành một hội lấy tên là hội người mù - chất độc da cam - khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em.

7/8 địa phương đã hoàn chỉnh đề án sáp nhập gửi về Sở Nội vụ. Trong đó, thành phố Ngã Bảy là địa phương đầu tiên được thông qua đề án sáp nhập và tiến hành Đại hội đại biểu Hội Người mù - Chất độc da cam - Khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em lần thứ I vào năm 2021. Riêng các địa phương còn lại, sau khi sáp nhập hoàn chỉnh sẽ tổ chức đại hội trước tháng 8-2022.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>