Rất cần một môi trường sống có văn hóa

21/02/2022 | 08:17 GMT+7

Những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường cộng với sự quản lý của Nhà nước chưa hiệu quả đã... kích hoạt chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thực dụng, làm vẩn đục không gian và môi trường sống của con người, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó văn hóa cũng có vai trò không kém phần quan trọng.

Một phần của văn hóa công vụ là cán bộ lễ phép, tôn trọng người dân. Ảnh: TRÍ THỨC

Nói văn hóa cũng có vai trò là bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; là ý thức, là cốt cách, là sức mạnh con người. Tuy thuộc lĩnh vực tinh thần, nhưng nếu khéo biết chuyển hóa, văn hóa sẽ biến thành sức mạnh vật chất có thể làm thay đổi cả vương triều thành quách! Kinh nghiệm lịch sử dân tộc cho thấy, khi nào văn hóa lên cao thì thế nước mạnh, lúc nào văn hóa xuống thấp thì thế nước suy. Các triều văn minh rực rỡ nước nhà luôn liền với những bậc hiền tài văn đức cao thâm như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi… Và cũng đã có những vị vua kém cỏi văn hóa làm cho vương triều phải suy tàn tiêu vong, như Lê Long Đỉnh, Lý Cao Tông, Trần Dụ Tông chẳng hạn.

Bác Hồ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, để rồi Đảng cùng với Bác lãnh đạo nhân dân làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc, khiến cho tên tuổi Việt Nam được cả loài người mến mộ biết đến. Sở dĩ làm nên được điều thần kỳ đó là vì Đảng ta là đảng của “đạo đức, văn minh”, Bác Hồ là bậc đại nhân trí dũng, “danh nhân văn hóa” được thế giới tôn vinh. Bác và Đảng đã khéo thổi hồn truyền thống yêu nước của dân tộc vào hai cuộc kháng chiến thần thánh đã qua. Nhân dân ta tuy “nóp với giáo, chân đi không mà giàu lòng vì nước”! Những nhạc khúc trầm hùng thời khói lửa đã khiến “tiếng hát át tiếng bom”, thúc giục triệu người xông pha ra phía trước, xem cái chết “nhẹ tợ lông hồng”. Đời sống kháng chiến tuy gian khổ, hy sinh nhưng thấm đẫm văn hóa, con người và cuộc sống tràn đầy niềm lạc quan yêu đời, phấn đấu vì chân lý lẽ phải cao thượng. Có thể nói, giặc ngoại xâm thua Việt Nam là thua ở văn hóa!

Sau chiến tranh, nước nhà đi vào hòa bình xây dựng, quá trình phát triển cũng đã xảy ra những trục trặc khiếm khuyết đáng tiếc. Những lệch lạc nhận thức làm cho văn hóa bị lép vế, mai một dẫn tới đất nước sa sút khó khăn. Lãnh đạo đã thấy, có mấy lần ra nghị quyết, nhưng kỳ thực văn hóa chưa có được sự chuyển biến cải thiện như mong mỏi. Xem ra văn hóa còn bị bao biện gò bó nhiều thứ, có biểu hiện lệch lạc bởi bệnh hành chính, chủ quan, hình thức, làm cho văn hóa thiếu sức sống và đời sống văn hóa cộng đồng lần hồi bị teo tóp, trống vắng. Cuộc sống cộng đồng xã hội đang có những méo mó xô bồ gây phản cảm bức xúc. Những cảnh báo từ xa của Bác Hồ về chủ nghĩa cá nhân đang hiển hiện, nó có dịp sinh sôi nảy nở tác oai tác oái, như thứ bệnh dịch lây lan trong xã hội với vô số những biểu hiện của thói hư tật xấu. Không chỉ ngoài đời sống dân sự, mà chủ nghĩa cá nhân và cái vô văn hóa còn xâm nhập sâu công việc chính sự, nơi chốn công đường. Con người nắm nhiều quyền chức trong một cơ chế còn nhiều bất cập dễ bị lợi dụng đã làm đời sống xã hội thêm nhiều phiền phức. Tình trạng quan liêu xa dân, hoạnh họe vòi vĩnh, tham ô, lãng phí, làm giàu bất chính… gây nỗi bức xúc xã hội, làm ô nhiễm môi trường sống con người. Đây là một trong những nguy cơ cho chế độ mà Đảng đã có cảnh báo.

Nhiều bậc cao niên lão thành tỏ ra nuối tiếc với cuộc sống xưa kia của họ, vốn nết na, sâu lắng, sao nó nho nhã, nền nếp gia phong, nghĩa tình chung thủy, thật thà chính trực làm sao! Con người ai cũng biết thơ ca, thông thuộc kinh sử tuồng tích cổ kim, hay luận bàn chuyện nhân tình thế thái, không “vô thần” thiếu ý thức... Việc đi chùa lễ Phật, thờ cúng thần thánh tổ tiên, đọc giảng kinh sách không bị xầm xì gò bó, miễn là thành tâm phúc đức là được. Đạo đức tốt đẹp của tôn giáo về “nhân nghĩa”, “lễ nhạc”, “từ bi bác ái”, “vị tha độ lượng”, “nghiệp báo nhân quả”, “vô vi thanh tịnh”… được cập nhật giáo hóa dân chúng. Gia phong trong ngoài hiếu kính, thương xót bố thí kẻ hoạn nạn khổ đau. Cộng đồng xã hội tôn vinh giới sĩ phu, gia sư, nghệ nhân, những người làm đẹp cho đời. Làng xã ai làm điều gì sái quấy đều được đem ra cộng đồng quở phạt nghiêm khắc rõ ràng! Dạy con người biết điều liêm sỉ, tránh xa những thói hư tật xấu xa. Từ đó mà dung dưỡng cái tốt và bài trừ cái xấu, làm cho cuộc sống cộng đồng xã hội ngày thêm tốt đẹp hơn lên. Xem văn hóa là “nét đẹp” hành vi của con người, nó len lỏi và hiện diện khắp các ngóc ngách đời sống cộng đồng xã hội, từ những việc gần gũi cụ thể như ăn ở, đi lại, học hành, vui chơi giải trí đến những cái trừu tượng trong tín ngưỡng, tâm linh. Hiện nay có thêm văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, văn hóa công sở…, nhưng cái chính vẫn là “nét đẹp” liêm chính chí công, quý trọng dân chúng của cán bộ.

Khổng Tử xưa kia đã biết dùng lễ nhạc để giáo hóa con người và trị vì thiên hạ. Họ nghĩ, làm quan của dân mà không nghe dân tình đàn ca hát xướng thì phải xem lại sự cai trị của mình, vì sao họ trầm tư u ẩn! Âm nhạc có thể làm cho con người “hòa thần an thể”, thành tâm hướng thiện, làm điều tốt lành. Biết bồi dưỡng thẩm mỹ để con người biết tạo ra cái đẹp, thưởng thức cái đẹp, từ nghệ thuật, kiến trúc đến nói năng ứng xử, cảnh quan môi trường, tổ chức cuộc sống theo kiểu “nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm”, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… Con người sáng tạo ra văn hóa để chiêm nghiệm và thụ hưởng, khiến cho cái đẹp không ngừng sinh sôi nảy nở, hiện diện khắp mọi nơi, đâu đâu cũng có như lời một bài hát: trăng cũng đẹp, người cũng đẹp, đất cũng đẹp, sao đâu đâu cũng đẹp!

Muốn có văn hóa thì nhất thiết phải có con người có văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người mới chính là cái căn gốc của văn hóa. Tuy là sản phẩm của con người, nhưng văn hóa trở lại làm nên nét đẹp của con người, làm cho cuộc sống con người và cộng đồng xã hội trở nên có ý nghĩa và thú vị hơn. Cộng đồng và tự nhiên tạo nên không gian và điều kiện sống của con người; cộng đồng và tự nhiên có tốt đẹp thì môi trường sống mới tốt đẹp, mới có được văn hóa. Như vậy, theo lý lẽ thuận này thì, hãy trả văn hóa về với nguồn cội cộng đồng, để đời sống văn hóa cộng đồng có cơ hội phát triển sinh động đúng với bản chất vốn có của nó. Hãy tin bởi sức mạnh và tiềm năng văn hóa cộng đồng, trông có vẻ mộc mạc đơn sơ kiểu “cây nhà lá vườn” nhưng rất giàu sức sống, sức sáng tạo, gắn với hoạt động thực tiễn con người nên nguồn cảm hứng luôn dạt dào vô tận, không bị khô khan nhàm chán. Nhà nước không thể thay cộng đồng làm văn hóa, mà cái cần là sự kiến tạo để văn hóa có cơ hội phát triển thuận lợi. Nhà nước phải tạo môi trường pháp lý để làm tốt đẹp bộ máy công quyền và lành mạnh hóa quan hệ xã hội, khắc phục những mặt bất cập khiếm khuyết lâu nay. “Bảy xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” như Bác Hồ yêu cầu! Làm cho văn hóa thấm đẫm các tầng lớp, đối tượng của xã hội, vào hệ thống chính trị, vào cơ quan trường học, vào gia đình và cộng đồng... Trước tiên, cán bộ phải thật sự mẫu mực về văn hóa để dân chúng làm tấm gương noi theo. Từ năm 1946, Bác Hồ từng chỉ ra: Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân. Phải làm cho văn hóa vào sâu trong quốc dân. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Đã đến lúc phải nghiêm khắc trả lời câu hỏi đặt ra: Ta có lấy văn hóa để lãnh đạo và có lãnh đạo bằng văn hóa chưa?

Văn hóa cần những giải pháp mềm phù hợp mới đạt công hiệu, xã hội mới hiệu ứng tạo ra hệ miễn dịch với cái xấu. Những triết lý, quan niệm sống tốt đẹp cần được cập nhật giáo hóa cho dân chúng, không kiêng kỵ mới cũ của ai. Bác Hồ thường nhắc nhở mọi người về “cần kiệm liêm chính”, “dĩ công vi thượng”, “nhân, trí, dũng, liêm”... Người còn nguyện làm học trò nhỏ của Chúa Giêsu, Phật Thích Ca, Khổng Tử, Các Mác, Tôn Dật Tiên, vì những tư tưởng nhân văn cao cả của các vị ấy! Đại tướng Võ Nguyên Giáp trang trọng treo phòng khách bức trướng “Tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao” để nhắc nhở mình và mọi người hãy “bớt phần ham muốn để thêm phần an vui”!

Dư luận xã hội cũng phải có cách nhìn cởi mở hơn với những biểu hiện mới của đời sống hiện đại, như về cái đẹp, sự công bằng, giàu nghèo, môi giới, cá cược, hôn nhân… Hình như đã là một nguyên lý, nếu văn hóa được coi trọng, được hưởng ứng tích cực ở mọi người, mọi cấp, mọi ngành để văn hóa hiện diện không ngừng nghỉ ở khắp mọi nơi, thì khi đó, tự thân sẽ hình thành một môi trường sống đầm thắm nết na với vô số những điều tốt lành như mong đợi. Đến lúc cần những hành động sáng suốt, thiết thực hơn những khẩu hiệu sáo rỗng!

Tạo dựng môi trường sống có văn hóa hiện nay là việc làm cấp thiết. Lãnh đạo các cấp đã nói nhiều về văn hóa. Mong muốn hiện nay của mọi người là những việc làm tích cực, sự chuyển biến rõ nét về văn hóa để sớm có được một không gian, một môi trường sống lành mạnh, có văn hóa, để mọi người được sung sướng và an vui sống trong đó, trong một xã hội đáng sống.

Hoa trái lộc biết ngày xuân

Văn hóa hồn cốt thịnh hưng giống nòi!

LÊ HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>