Phải đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương công vụ

07/12/2020 | 06:15 GMT+7

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa IX, ông Lê Tiến Châu (ảnh), Bí thư Tỉnh ủy, đánh giá năm 2020, tỉnh nhà phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trước khó khăn đó, truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và Nhân dân Hậu Giang đã được thể hiện và lan tỏa hết sức mạnh mẽ; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế -  xã hội”. Qua đó, đã giữ được ổn định kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả đáng mừng trên một số lĩnh vực quan trọng. Tổng kết lại, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Bên cạnh những kết quả, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ rõ một số hạn chế, khó khăn mà tỉnh nhà còn gặp phải trong năm. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đa số các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động thấp; nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất còn yếu; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh yếu kém, thiếu tính liên kết. Chất lượng một số hoạt động văn hóa chưa cao; giảm nghèo ở một số nơi chưa bền vững, đời sống của một bộ phận Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Một số đề án trong lĩnh vực văn hóa, du lịch chậm được ban hành.

Mặt khác, năng lực xây dựng thể chế, thực thi chính sách của địa phương còn hạn chế; nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, kinh doanh được HĐND ban hành nhưng hiệu quả chưa cao do việc triển khai chưa đủ sức lan tỏa, thủ tục tiếp cận rườm rà, chậm hướng dẫn, thiếu sáng tạo trong quán triệt, triển khai. Chất lượng nguồn nhân lực thiếu và yếu trên nhiều lĩnh vực. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm; công tác phối hợp trong triển khai nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị còn chưa nhịp nhàng, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình, cái gì khó khăn thì đùn đẩy, thể hiện qua nhiều việc, rõ nhất qua công tác giải phóng mặt bằng.

Năm 2021, là năm đầu tiên của nhiệm kỳ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tập trung chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn toàn hệ thống chính trị cần chủ động tích cực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của năm 2021 và của cả nhiệm kỳ với những cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, phù hợp với thực tiễn, khả thi cao để lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá; phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Về phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thắt chặt chi tiêu công đối với những lĩnh vực chưa thực sự cần thiết; định hướng dòng tiền tín dụng để tập trung vào các lĩnh vực tỉnh đang có nhu cầu phát triển như: công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch liên quan đến nông nghiệp, tránh tình trạng tập trung quá mức vào các hoạt động bất động sản.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến đầu tư với những mục tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 6,5% trở lên; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index 2021) nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu; Chỉ số về độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index 2021) tăng ít nhất 5 bậc so với năm 2020; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) tăng về giá trị tuyệt đối và thứ hạng so với năm 2020.

Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, cần tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công và thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”,… đặc biệt là nhân dịp tết đến, xuân về, để Nhân dân hưởng một mùa xuân thật vui tươi, ấm áp, hạnh phúc. Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ các cơ quan chuyên môn và địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; đặc biệt các trường hợp có đi từ, đi qua vùng dịch về địa phương phải khai báo y tế, theo dõi sức khỏe và được giám sát cách ly theo quy định.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý phải đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương công vụ và trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị theo phương châm “đúng vai, thuộc bài”; tập trung triển khai các nội dung Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhất là các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị HĐND các cấp tập trung vào các hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách địa phương, các hoạt động giám sát nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua, quyết định những vấn đề lớn của địa phương, không đi quá sâu vào những vấn đề kinh tế - kỹ thuật cụ thể; chủ động hơn nữa trong phối hợp các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND và các phiên chất vấn, trả lời chất vấn, các buổi thảo luận tổ. Ngoài ra, chỉ đạo tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

T.SƠN - MỸ AN lược ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>