Nỗ lực vượt khó, có nhiều điểm sáng trong phát triển

08/12/2021 | 08:24 GMT+7

Báo cáo của UBND tỉnh tại phiên họp thứ nhất, Kỳ họp thứ năm (cuối năm) HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy, năm 2021, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh nhưng với sự nỗ lực vượt khó, tỉnh có nhiều điểm sáng phát triển.

Lĩnh vực nông nghiệp là điểm sáng của tỉnh trong năm nay.

Tuy là tỉnh sau cùng của vùng ĐBSCL xuất hiện ca nhiễm nhưng sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn là rất lớn. Số lượng ca nhiễm xuất hiện nhiều, có lúc tăng nhanh, đẩy cả hệ thống chính trị và người dân vào thế “gồng mình” chống dịch.

Thực hiện tốt mục tiêu kép

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Công tác tiêm ngừa vắc-xin được tập trung triển khai với tinh thần quyết tâm cao, đảm bảo an toàn và đúng tiến độ cũng như đảm bảo thực hiện mục tiêu: Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do mắc Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn lại sẽ thấy tỉnh ta cơ bản đạt được mục tiêu đó, khi mà Hậu Giang là tỉnh có số ca mắc, ca chuyển bệnh nặng và tỷ lệ tử vong do dịch Covid-19 thấp nhất trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL. Đáng nói là kinh tế giữ được tăng trưởng dương 3,08%, đứng thứ 2 trong vùng này. Điểm sáng trong phát triển kinh tế là tổng thu ngân sách nhà nước được 11.256 tỉ đồng, đạt hơn 144% dự toán Trung ương, đạt gần 103% dự toán HĐND tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh, để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế Hậu Giang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề tăng thu ngân sách nhà nước bền vững.

Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho người nộp thuế. Nhất là việc tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất do đại dịch Covid-19, giúp người nộp thuế có thêm nguồn lực để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế; tiếp nhận và triển khai diện rộng các dịch vụ trực tuyến công mức độ 3, 4; nâng cao chất lượng hoạt động của trang thông tin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Qua đó, hạn chế thấp nhất tình trạng tiếp xúc trực tiếp, tránh lây lan dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe cho người dân và doanh nghiệp”, ông Bình cho biết thêm.

Còn theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp đã vươn lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng 3,28%, đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đến nay, năng suất, sản lượng lương thực, rau màu, cây ăn trái, thủy sản đều tăng từ 3-5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp cũng tiếp tục tăng trưởng, có 39 dự án thu hút đầu tư trong nước, tăng 10 dự án; với tổng số vốn là 6.363 tỉ đồng, tăng 3.055 tỉ đồng so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tăng khá; công tác phát triển đô thị có bước phát triển, số dự án đầu tư phát triển nhà ở đô thị tăng nhanh. Một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử bước đầu có những kết quả tích cực.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Bởi theo kết quả báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, tỉnh đứng vị trí thứ 39/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2019, đứng vị trí thứ 7/13 của khu vực ĐBSCL, nằm trong nhóm hạng trung bình, đây là năm thứ ba liên tiếp Hậu Giang tăng hạng. Tỉnh còn xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh và cấp huyện (DDCI) tỉnh Hậu Giang năm 2020.

Đáng ghi nhận là dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng đời sống người dân vẫn có bước cải thiện, GRDP bình quân đầu người đạt 54,15 triệu đồng/năm, tương đương 2.355 USD, tăng 4% so với cùng kỳ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm, số vụ tội phạm và tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ; công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền và đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chú trọng. Các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, trường đạt chuẩn quốc gia, giảm nghèo… được thực hiện đạt và vượt.

Quang cảnh Kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa X.

“Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”

Bên cạnh những mặt đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại và khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị gián đoạn. Từ đó, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp và khu vực dịch vụ, kể cả quy mô nền kinh tế của tỉnh. Chưa kể là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, một số chợ truyền thống ngưng hoạt động đã ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và phân phối nông sản.

Năm 2022, dự báo khó khăn vẫn còn nhiều, tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh; ưu tiên bố trí vốn, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội; đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ; cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, để cụ thể hóa việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tiếp tục tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho Nhân dân để đẩy nhanh độ bao phủ vắc-xin; phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, tổ y tế lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, sớm đưa các dự án đầu tư vào hoạt động, nhất là các dự án ở khu, cụm công nghiệp.

Cũng theo ông Trương Cảnh Tuyên, tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng lộ trình mở từng bước để kiểm tra tính an toàn, điều chỉnh dần cho phù hợp theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị sản xuất, kinh doanh triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt là tỉnh tập trung nguồn lực nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ cho công tác tạo quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Với khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư”; “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. Lấy năm 2022 là năm doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Xây dựng danh mục ưu tiên doanh nghiệp đầu tư với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.

Ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, tỉnh sẽ lập kế hoạch triển khai từng dự án cụ thể, đặc biệt là chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động. Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền có phương án xử lý cụ thể; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân vốn tốt hơn.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh sẽ phát triển theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, khuyến khích nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Riêng lĩnh vực du lịch sẽ được tập trung xây dựng phát triển với các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, mang đặc trưng của tỉnh. Hậu Giang cũng sẽ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng cho hoạt động du lịch, nhất là giao thông; tạo lập cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch.

Năm 2021, Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua 18 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ước cả năm có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tổng thu ngân sách nhà nước, số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế, tỷ lệ đô thị hóa, lao động việc làm); 9 chỉ tiêu đạt kế hoạch (nông thôn mới, dân số, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, giáo dục, tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch, tỷ lệ rác thải sinh hoạt ở đô thị và nông thôn được thu gom và xử lý, quốc phòng, an ninh); 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu).

 

Bài, ảnh: T.SƠN - Mỹ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>