Nhớ ngày vào Đảng năm ấy !

29/01/2022 | 10:55 GMT+7

Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là điều rất đỗi thiêng liêng, cao quý. Lời thề với Đảng không chỉ đọc tại lễ kết nạp Đảng mà còn là nghĩa vụ buộc mỗi đảng viên ghi nhớ và thực hiện trong cả cuộc đời.

Gặp những đảng viên cao niên tuổi Đảng, nghe họ kể về ngày vào Đảng 50-60 năm về trước mà tự hào. Mẹ cha cho họ cuộc sống, hình hài thì Đảng cho họ lý tưởng cộng sản, “từ giây phút được trở thành người cộng sản, tôi đã nguyện dốc hết sức mình cho Tổ quốc, cho đồng bào, cho cách mạng”.

Ông Ba Hải rất trân trọng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng được nhận vào năm 2020.

Rất vinh dự, tự hào

Trong căn nhà tường kiên cố, rộng rãi, ông Ba Hải (Huỳnh Thanh Hải), ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy và vợ (bà Nguyễn Thị Sáu) đang ngồi uống trà nói chuyện Đảng lãnh đạo đất nước, dân tộc có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế to lớn như ngày nay…

Ông Ba Hải là thương binh hạng 3/4, 52 năm tuổi Đảng; bà Sáu là người có công với cách mạng. Ông bà gặp nhau lần đầu khi thực hiện nhiệm vụ do Đảng phân công nên ông thường nói vui với vợ: “Tụi mình nên duyên nhờ Đảng... mối mai”.

Sinh ra trong thời loạn lạc, ông Ba Hải tham gia Ấp đội ấp 4, xã Vĩnh Tường khi mới 19 tuổi với nhiệm vụ xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng tại địa phương, kêu gọi, vận động thanh niên đi bộ đội.

Năm 1967, ông bị bắt; để khai thác thông tin, lũ giặc dùng rất nhiều thủ đoạn tra tấn, nhưng đổi lại chỉ nhận được cái lắc đầu. Thấy không thể thắng được nên chúng trả tự do cho ông sau 6 tháng cầm giam.

Sự gan lỳ, dũng cảm của ông Ba Hải những ngày tù tội được tổ chức ghi nhận, biểu dương, song đó chỉ là thử thách ban đầu.

Nhận thấy Đồn 13 Nhà Đèn ở xã cần có người tiếp cận, sau khi xem xét nhiều yếu tố, tổ chức giao ông Hải thực hiện nhiệm vụ nội tuyến. Đây là thử thách không dễ vì nếu địch biết được ông chỉ có nước chết.

Ông Ba Hải và vợ ngồi ôn lại những kỷ niệm hào hùng của một thời khói lửa.

Song với lòng yêu nước, mong muốn kẻ thù sớm cút khỏi quê hương, ông đã có nhiều kế sách tiếp cận đồn để lấy thông tin về số lô cốt, quân số, các loại vũ khí được trang bị… Từ thông tin chính xác đó, tháng 7-1969, ta hiệp đồng ngoài đánh vào, trong “nở hoa” chiếm trọn đồn chỉ trong khoảng 40 phút.

Sau đó còn nhiều nhiệm vụ do tổ chức giao đều được thanh niên Huỳnh Thanh Hải hoàn thành xuất sắc. Tổ chức đánh giá, Hải có tư tưởng vững vàng, giàu lòng yêu nước, dũng cảm và tận hiến cho cách mạng nên xem xét kết nạp Đảng vào ngày 3-5-1970. “Phấn đấu để được vào Đảng là quá trình của máu và nước mắt, nghĩa là sẵn sàng đổ máu, chấp nhận hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Ba Hải kể.

Lễ kết nạp Đảng cho Huỳnh Thanh Hải tổ chức tại một căn chòi nhỏ với sự tham gia của một số đồng đội. Dù đơn sơ nhưng không kém phần trang nghiêm vì có cờ Đảng, cũng hát Quốc ca và lời thề với Đảng được ông đọc to, rõ.

Tuy chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng Hải vẫn hồi hộp, không giấu được niềm vui. “Tôi coi ngày vào Đảng như là ngày cha mẹ sinh ra mình lần thứ hai, rất vinh dự, tự hào. Bởi lẽ, thời điểm đó đâu phải ai muốn vào Đảng cũng được, phải trải qua biết bao nhiêu thử thách, gian khổ”, ông Ba Hải nhớ lại.

Nhờ có Đảng soi đường, dẫn lối, được đồng chí, đồng đội hướng dẫn, giúp đỡ nên đảng viên Thanh Hải trưởng thành hơn. Những năm sau đó, Hải được phân công về công tác tại Đội binh vận tỉnh Cần Thơ tham gia đẩy mạnh tuyên truyền, vận động dân góp phần cho phong trào cách mạng thêm nhiều thắng lợi.

Còn ông Nguyễn Văn Manh (Ba Manh), ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, 87 tuổi, gần 56 năm tuổi Đảng, nhớ đêm trước ngày vào Đảng không sao ngủ được; thử thách tổ chức giao phải chăng mình được đánh giá đã vượt qua?

Trước đó, đau lòng vì thấy bọn giặc giày xéo quê hương nên Ba Manh xin mẹ ba cho mình tham gia du kích ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông (năm 1960); nhiệm vụ của du kích khi ấy không chỉ chiến đấu mà còn làm hầm chông, rèn mã tấu phục vụ cho việc đánh giặc.

Biết ông là một trong số ít người ở địa phương từng học lớp Nhất do tỉnh tổ chức tại xã Vĩnh Viễn nên tổ chức quyết định chuyển ông qua làm thầy giáo dạy học. Đây là khoảng thời gian đầy khó khăn, thử thách.

Ông Ba Manh kể, được phân công làm người “gõ đầu trẻ”, ông cùng người dân chặt cây, đốn lá để cất tạm ngôi trường nằm lẩn khuất trong những rặng cây lớn. Cạnh trường còn phải đào hầm để khi giặc đánh bom thì đưa trẻ xuống trốn.

Việc dạy học thời chiến đâu dễ dàng; nhiều lần giặc cho máy bay đến ném bom nhằm ngăn cản việc dạy dỗ nên những mầm non cho cách mạng phải chịu cảnh nay học mai nghỉ thường xuyên. Ông Ba Manh nhớ lại: “Vừa dạy học tôi vừa phải quan sát, nghe ngóng để kịp thời phát hiện máy bay địch đến ném bom. Không ít lần thầy trò vào hầm trú ẩn kịp thời nên tránh được những trận bom ác liệt của kẻ thù. Khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng tôi quyết chí bám trường, bám lớp để dạy từng con chữ cho học trò”.

Chuyện dạy của Ba Manh đạt được nhiều thành tích nên năm 1966 ông được phân công làm Trưởng ban giáo dục xã Vĩnh Thuận Đông. Sau 6 năm tận hiến cho phong trào cách mạng thì ông mới được Chi bộ xã xét kết nạp vào Đảng.

Lễ kết nạp đảng quần chúng ưu tú Nguyễn Văn Manh diễn ra bí mật tại một căn nhà nhỏ nằm thoi loi giữa đồng. Đêm trước ngày vào Đảng, ông thao thức mãi. Có mặt tại lễ còn có ông Lê Văn Khỏe và ông Phạm Thanh Tùng, Chi ủy viên Chi bộ. “Đơn sơ lắm nhưng tôi nhớ mãi bởi sự kiện này không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng, là “lời thề quyết tâm” khi đứng trước cột mốc đáng nhớ của đời mình”, ông Ba Manh nói.

 

Ông Ba Manh đi trên tuyến đường mà mình đã góp phần vận động xây dựng cho địa phương.

Sau năm 1966, ông tiếp tục được tổ chức tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ Chánh Văn phòng Huyện đội Long Mỹ, Bí thư Chi bộ xã Long Phú lãnh đạo, tổ chức các hoạt động chống Mỹ cứu nước… “Đối mặt với lửa đạn nhưng tôi không hề sợ hãi. Những lúc gian khổ nhất, anh em đều động viên nhau phải kiên cường chiến đấu để góp phần giải phóng quê hương”, ông Ba Manh chia sẻ.

Tiếp tục cống hiến cho Đảng

Sau ngày toàn thắng, ông Ba Manh đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, từ phó chủ tịch, chủ tịch UBND huyện đến giám đốc sở và nghỉ hưu vào tháng 5-2000. Dù ở vị trí công tác nào thì ông vẫn luôn giữ gìn sự trong sạch của bản thân.

Với đạo đức trong sáng nên thời điểm thành lập tỉnh (năm 2004), lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang mời ông tham gia công tác tại Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh (từ năm 2004-2012), giữ chức Chủ tịch Hội. Tỉnh nhà những năm sau thành lập rất khó khăn, người cần được bảo trợ nhiều nhưng đó chỉ là 1 lần nữa thử sức người cộng sản kiên trung.

Với uy tín của mình và “tất cả cho quê hương”, ông Ba Manh đã cùng tập thể cán bộ hội ngày đêm vận động trong, ngoài tỉnh được trên 35 tỉ đồng phục vụ công tác bảo trợ xã hội. Ở quê nhà Vĩnh Thuận Đông, ông vận động xây dựng được 14 cây cầu và nhiều tuyến đường trên địa bàn; vận động xây 21 nhà tình thương, tình nghĩa cho hộ thuộc diện trong và ngoài xã; huy động 5 tỉ đồng xây dựng Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông đạt chuẩn quốc gia…

Bây giờ nhìn lại, ông Ba Manh thấy tự hào vì lời thề với Đảng cách đây hơn nửa thế kỷ được ông giữ gìn son sắt và cụ thể hóa thành những việc làm, hành động ích nước lợi dân.

Nay dù sức khỏe suy giảm, đi lại khó khăn nhưng ông vẫn đau đáu nghĩ về sự phát triển của quê hương. Ông thường góp ý cho cấp ủy, chính quyền địa phương phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất cả trong ý chí và hành động, đặc biệt là giữ gìn cho được truyền thống cách mạng anh hùng của Vĩnh Thuận Đông vốn được lưu truyền qua nhiều thế hệ…

Còn đối với ông Ba Hải, hơn nửa cuộc đời phục vụ cho Đảng, ông vẫn khí tiết kiên trung, “Đảng đã cho ta mùa xuân” và luôn cho ta hạnh phúc.

Sau năm 1975, dù công tác ở đâu ông vẫn luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao cho.

​​​​​​​

Ông Ba Manh kể lại câu chuyện về ngày vào Đảng của mình.

Ông còn nhớ trong giai đoạn 1979-1981, khi công tác ở Thị đội thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ cũ) hay Xã đội xã Vĩnh Trung (huyện Vị Thủy), ông đã tuyên truyền, vận động nhiều thanh niên ở địa phương nhập ngũ tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Hay khi làm Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của ấp, góp phần chăm lo, nâng cao cuộc sống người dân.

Vợ chồng ông Ba Hải có 6 người con, 2 trong số đó là đảng viên. Ông Ba Hải luôn căn dặn các con phải luôn làm tròn nghĩa vụ với Đảng, không ngừng phát huy truyền thống cách mạng mà ông đã dày công vun đắp.

Với niềm tự hào, kính trọng cha, anh Huỳnh Văn Kha (con ông Ba Hải) đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm nay chỉ mới 35 tuổi đời nhưng anh Kha đã 15 năm tuổi Đảng.

Anh Kha cũng có kỷ niệm đẹp với ngày vào Đảng năm 20 tuổi khi trước đó anh có nhiều cống hiến cho ấp nhà trong thực hiện nhiệm vụ dân quân - giữ bình yên xóm ấp…

Thực hiện nghĩa vụ người trai, anh gia nhập quân ngũ; sau về làm Phó Bí thư Xã đoàn, Phó trưởng Khối dân vận và cán bộ tuyên giáo - dân vận xã Vĩnh Tường như hiện nay. Ở nhiệm vụ nào anh cũng phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm của đảng viên, tích cực viết tiếp truyền thống cách mạng của gia đình. Có lần nghe tin nhà của một học sinh trên địa bàn xã không may bị hỏa hoạn, anh Kha đã chủ động vận động nhiều nơi giúp đỡ, không lâu sau gia đình em này có được căn nhà mới trị giá hơn 20 triệu đồng…

Những đảng viên trung kiên như ông Ba Hải, ông Ba Manh là tấm gương sáng để đảng viên “hậu bối” noi theo. 92 năm Đảng ra đời, phát triển, đến nay có hàng triệu đảng viên luôn ra sức phấn đấu rèn luyện để giữ gìn sắt son lời thề với Đảng. Họ đã tô thắm thêm bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta.

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>