Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết

02/12/2020 | 18:08 GMT+7

Đầu nhiệm kỳ (2016-2021) đến nay, nhờ kịp thời ban hành các nghị quyết mà HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong đó, có nhiều nghị quyết đi vào cuộc sống, đáp ứng tốt nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Trục đường Đoàn Thị Điểm, ở phường I, thành phố Vị Thanh sau khi nâng cấp.

Hiệu ứng tích cực từ các nghị quyết

Năm 2018, khi Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh về cơ chế nguồn thu tiền sử dụng đất của thành phố Vị Thanh để đầu tư xây dựng 2 dự án: 6 trục đường nội ô thành phố và đường Lê Quý Đôn nối dài (Nghị quyết số 10) được ban hành đã tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển đô thị của trung tâm tỉnh lỵ.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết trước đây, do kinh phí đầu tư nâng cấp 6 trục đường nội ô quá lớn, trong khi nguồn vốn của tỉnh không đảm bảo nên địa phương chưa thể nâng cấp, cải tạo lại các trục đường này.

“Hơn 10 năm xuống cấp, mưa lớn là đường bị ngập sâu, gây ảnh hưởng đời sống người dân cũng như môi trường và mỹ quan đô thị thành phố. Trước những bức xúc của cử tri và nhu cầu của địa phương, Nghị quyết số 10 ra đời đã làm thay đổi lớn cho diện mạo đô thị thành phố, đáp ứng nguyện vọng và tạo sự phấn khởi đối với cử tri”, ông Nguyễn Việt Dũng nói.

Thông tin từ UBND thành phố Vị Thanh, hiện 6 trục đường, gồm: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Châu Văn Liêm, Chiêm Thành Tấn, Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Việt Hồng đều được nâng cấp khang trang. Nhờ vậy mà đời sống người dân nơi đây phát triển vượt bậc. Nhiều cửa hàng kinh doanh, dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều đã góp phần giúp cho bộ mặt đô thị trung tâm nhộn nhịp, sầm uất hơn.

Riêng trục đường Lê Quý Đôn nối dài, với tổng chiều dài khoảng 800m sắp hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối Khu hành chính UBND thành phố với khu vực trung tâm và góp phần mở rộng không gian đô thị. Hiện công trình đã hoàn thiện 90% tiến độ thi công, dự kiến trong tháng 12 này sẽ được đưa vào sử dụng.

Tổng mức đầu tư 6 trục đường nội ô thành phố hơn 82 tỉ đồng, còn đường Lê Quý Đôn nối dài hơn 96 tỉ đồng. Kinh phí đầu tư 2 dự án trích từ nguồn vốn khai thác quỹ đất của thành phố Vị Thanh.

Tương tự, sau khi Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kinh phí hợp đồng giáo viên, khoán định mức nhân viên các trường mầm non, mẫu giáo và phổ thông công lập năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh được ban hành đã tạo sự phấn khởi lớn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng ở các trường trong tỉnh.

Nếu như năm học 2019-2020, Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ kinh phí cho giáo viên hợp đồng chỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng, đối với nhân viên 3,3 triệu đồng/người/tháng thì theo Nghị quyết số 14 đã nâng mức hỗ trợ lên 5 triệu đồng/người/tháng đối với giáo viên mầm non, còn giáo viên phổ thông 5,4 triệu đồng/người/tháng và nhân viên hưởng mức 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Cô Đỗ Thị Tuyết Như, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, thông tin, hiện trường có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó, có đến 18 giáo viên, nhân viên hợp đồng. Với mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh tăng hơn năm học rồi đã cải thiện thu nhập đáng kể cho giáo viên, nhân viên hợp đồng của trường.

“Trước tình hình thiếu giáo viên như hiện nay thì việc nâng mức hỗ trợ giúp chúng tôi giữ chân được giáo viên, hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc đi làm ở các điểm trường tư thục hoặc các công ty, xí nghiệp”, cô Đỗ Thị Tuyết Như chia sẻ.

Công trình đường Lê Quý Đôn nối dài sắp hoàn thành.

Chú trọng công tác xây dựng, ban hành

Năm 2020, HĐND tỉnh ban hành 19 nghị quyết về công tác tổ chức và 46 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội; xem xét nội dung 20 dự thảo nghị quyết, các báo cáo, đề án trình HĐND tại Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp cuối năm) theo quy định. Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến chấp thuận đề nghị xây dựng 65 nghị quyết do UBND tỉnh trình, tạo điều kiện thuận lợi cho UBND tỉnh chủ động xây dựng dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND tỉnh đúng luật định.

Theo HĐND tỉnh, hầu hết các nghị quyết sau khi được ban hành trong năm đều chất lượng, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống. Đơn cử như Nghị quyết quy định nội dung, mức chi thực hiện đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết quy định nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh…

Bởi các nghị quyết đã đáp ứng được nhu cầu nhận hỗ trợ thực tế của các cá nhân, tổ chức trong việc phát triển kinh tế tỉnh nhà và được bà con cử tri quan tâm, hưởng ứng tích cực. Đồng thời, chính sách ban hành đảm bảo nguồn lực để thực hiện, không có tình trạng chính sách ban hành “đẹp” nhưng không thực hiện được.

Chưa kể là việc triển khai nghị quyết đã được UBND cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả. Qua đó, mang lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng thụ hưởng. Theo ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, để có được những nghị quyết chất lượng thì trong quá trình xây dựng, thường trực sớm phân công, định hướng các ban HĐND tiến hành hoạt động giám sát, khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến lĩnh vực mà nghị quyết sẽ ban hành.

Mặt khác, tổ chức thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Quá trình thẩm tra nếu thấy chưa đảm bảo yêu cầu, các vấn đề quan trọng có quan điểm còn trái ngược nhau sẽ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa kịp thời. Đối với những vấn đề lớn, thường trực HĐND sẽ chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, khảo sát, tham vấn ý kiến chuyên gia, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và các đối tượng chịu sự tác động.

Các ban HĐND còn chủ động phối hợp với cơ quan trình hồ sơ dự thảo nghị quyết ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xây dựng để nghiên cứu, trao đổi, thảo luận vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau; tăng cường khảo sát thực tế, thu thập thông tin từ cơ sở để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra.

Một trong những yếu tố quan trọng khác đối với việc ban hành nghị quyết đó là chất lượng đại biểu HĐND. Vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh rất quan tâm công tác tổ chức tập huấn kỹ năng, thường xuyên cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức cho đại biểu. Trước mỗi kỳ họp còn chuyển tài liệu cho đại biểu sớm nhất có thể; đồng thời, trang bị các điều kiện cần thiết để đại biểu HĐND tỉnh cũng như đại biểu là thành phần thường xuyên được mời dự các kỳ họp tiếp nhận thông tin một cách nhanh nhất.

Cụ thể là trang bị máy tính bảng, gửi tài liệu qua thư điện tử, hướng dẫn cách sử dụng, khai thác thông tin, tài liệu liên quan... Thường trực HĐND tỉnh cũng quan tâm gợi ý cho các đại biểu về các nội dung cần tập trung nghiên cứu, thảo luận tại kỳ họp. Ngoài ra, thông qua việc tăng cường giám sát, nắm bắt thông tin kịp thời còn giúp thường trực và các ban HĐND phát hiện những bất cập trong triển khai, thực hiện nghị quyết.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Ca, trong điều kiện còn hạn chế về số lượng cán bộ nên Tổ đại biểu và các ban HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND cấp huyện trong việc theo dõi, giám sát, tiếp xúc cử tri, trao đổi thông tin nhằm nắm tình hình, kết quả thực hiện cũng như vướng mắc phát sinh. Qua đó, giúp Thường trực HĐND tỉnh có giải pháp xử lý kịp thời để phát huy hiệu quả của nghị quyết trong đời sống xã hội.

Với những cách làm đồng bộ, sự nghiêm túc, chặt chẽ trong quy trình từ khâu xây dựng đề án, soạn thảo, thẩm tra đến việc thông qua nghị quyết và tổ chức thực hiện như thời gian qua đã giúp cho các nghị quyết HĐND tỉnh sau khi được ban hành luôn đảm bảo tính khả thi và đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: MỸ AN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>