Một năm thắng lợi

28/12/2020 | 17:55 GMT+7

Năm 2020, Đảng bộ thành phố Vị Thanh đạt 18/18 chỉ tiêu nghị quyết, trong đó có 10 chỉ tiêu vượt, từ đó đời sống người dân không ngừng nâng lên, diện mạo địa phương không ngừng thay đổi.

Mô hình “Phường không còn hộ nghèo” đã giúp hộ chị Phạm Thị Bích Loan (trái) thoát nghèo.

Điểm sáng giảm nghèo

Nếu đầu năm 2020, phường I có 3 hộ nghèo thì đến nay đã thoát nghèo. Đạt được kết quả trên có thể kể đến mô hình “Phường không còn hộ nghèo” do địa phương thành lập. Từ đây, phường phân công ban, ngành, đoàn thể kèm cặp từng trường hợp nhằm giúp đỡ kịp thời. Thực hiện mô hình, phường vận động hỗ trợ 5 triệu đồng và từ 20-30kg gạo/hộ/tháng. Có vốn, các hộ tận dụng mua bán nhỏ để phát triển kinh tế.

Chị Phạm Thị Bích Loan, ở khu vực 3, có 3 người con trong độ tuổi ăn học, không đất sản xuất nên nhiều năm qua chị phải mua bán phế liệu. Theo chị Loan, những năm gần đây mua bán phế liệu khá bấp bênh, hôm thì lời trên 100.000 đồng hôm thì vài chục nên chuyện mượn tiền người thân để kinh doanh khá thường xuyên với chị.

Khi được hỗ trợ vốn, chị không ngại đi xa để mua nhiều phế liệu, từ đó lời nhiều hơn… cuối năm, hộ chị thoát nghèo. “Nhiều trường hợp không đất sản xuất và khó khăn hơn mình nhưng họ vượt qua, mình có vốn thì tại sao mình không thoát nên tôi rất cật lực đi sớm về trễ hơn. Tôi sẽ cố gắng làm nhiều hơn nữa để thoát nghèo bền vững”, chị Loan nói.

Còn hộ ông Đặng Văn Anh, ở khu vực 3, cũng thoát nghèo. Hộ ông Anh có 3 người, không đất sản xuất nên nhiều năm qua ông bán vé số nhưng cũng thiếu trước hụt sau. Đầu năm 2020, ông được phường I hỗ trợ 5 triệu đồng để làm vốn. Có vốn, ông nhận vé số bán nhiều hơn, chịu khó bán sớm bán tối, từ đó tiền lời nhiều và nay đỡ vất vả. “Tôi sẽ tiếp tục nghề này và chi tiêu hợp lý để thoát nghèo bền vững”, ông Anh cho biết.

Theo lãnh đạo phường I, tới đây phường sẽ tiếp tục phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm lo những hộ còn khó khăn; đồng thời vận động mỗi người dân tự lực vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh cho biết, nếu đầu năm 2020, thành phố có 568 hộ nghèo, chiếm 2,67% thì cuối năm còn 448 hộ, chiếm 2,42%. Để đạt kết quả trên, đơn vị chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Như phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động đến người lao động chưa có việc làm, qua đó giới thiệu và tạo việc làm mới cho 1.858 người; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 18 căn nhà tình thương với tổng kinh phí 815 triệu đồng; tổ chức 2 cuộc đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo ở xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu và phường VII để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để giúp đỡ...

Sẽ triển khai thực hiện các nghị quyết

Ngoài chỉ tiêu giảm nghèo, thành phố Vị Thanh còn nhiều chỉ tiêu vượt so kế hoạch đề ra. Điển hình như tỷ lệ dân số thành thị sử dụng nước sạch chiếm 99,42%, đạt 104,7% so nghị quyết; dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 100%, đạt 102,04% so nghị quyết; tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 3.850 tỉ đồng, đạt 102,68%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 121,46%; kết nạp đảng viên đạt 113,64%...

Theo Thành ủy Vị Thanh, để đạt kết quả trên, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của ban, ngành, đoàn thể, địa phương còn vận dụng có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước vào thực tiễn tình hình thành phố; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ thành phố Vị Thanh còn gặp một số khó khăn như: kinh tế có phát triển nhưng không đồng đều, giá trị tăng trưởng không lớn; hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực thương mại - dịch vụ gặp nhiều khó khăn; cảnh quan, môi trường đô thị, nông thôn chuyển biến tích cực nhưng chưa bền vững; quản lý xây dựng từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ. Ngoài ra, công tác cải cách hành chính, nhất là tổ chức chính quyền điện tử một vài cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt; người dân, doanh nghiệp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng dịch vụ công mức độ 3 và 4 còn hạn chế...

Theo ông Nguyễn Hữu Tình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, để năm 2021 thực hiện đạt kế hoạch đề ra, đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới công tác xây dựng Đảng trên các lĩnh vực, trong đó chỉ đạo xây dựng và nhanh chóng triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án công tác lớn để cụ thể hóa thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; củng cố, kiện toàn và nâng chất tổ chức bộ máy, công tác cán bộ. Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư lĩnh vực phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khắc phục, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

“Chúng tôi còn đặc biệt quan tâm các nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng văn hóa con người Vị Thanh phát triển toàn diện; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, gắn với phát triển khoa học và công nghệ”, ông Nguyễn Hữu Tình cho biết thêm.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>