Lạm dụng dấu “mật” đã hạn chế kết quả chống tham nhũng, làm mất lòng tin nhân dân

13/11/2018 | 15:52 GMT+7

Theo Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vừa trình bày trước Quốc hội cuối buổi sáng 13-11, việc công khai, minh bạch hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga vừa trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng

Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai theo quy định của pháp luật vẫn diễn ra, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án...

“Trong một số trường hợp, mặc dù pháp luật mới được ban hành đã mở rộng phạm vi công khai, minh bạch thông tin, hoạt động, nhưng một số văn bản quy định về danh mục bí mật Nhà nước chậm được sửa đổi dẫn đến một số bộ, ngành vẫn sử dụng những văn bản này để không công khai nhiều thông tin mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải công khai, như Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn căn cứ vào văn bản được ban hành trước đó để đóng dấu “Mật” vào một số nội dung lẽ ra phải công khai trong hoạt động điều tra, kiểm sát”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp thẳng thắn nhìn nhận.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch vẫn còn hạn chế, số vi phạm phát hiện được còn ít, chưa thể hiện đúng tình hình thực tế qua phản ánh của dư luận (qua kiểm tra tại 8.619 đơn vị, chỉ phát hiện 91 đơn vị có vi phạm về công khai, minh bạch). Đây là những nội dung đã được Ủy ban Tư pháp kiến nghị trong nhiều năm nhưng vẫn chậm được khắc phục. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định về danh mục bí mật Nhà nước để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và quyền tiếp cận thông tin của công dân; tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong nhiều trường hợp chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đã gây nghi ngờ trong dư luận, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng. Như “Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới đưa vào vận hành đã xuống cấp, hư hỏng mặt đường, đại diện Ban quản lý dự án cho rằng, hư hỏng xảy ra là do “… phương tiện lưu thông trên cao tốc làm rơi vãi dầu diesel và do mưa đọng cục bộ tại một số vị trí thấp trũng...” gây phản cảm trong dư luận” – Báo cáo thẩm tra nêu rõ trong phần chú dẫn.

Về kê khai tài sản, thu nhập, năm 2018 số lượng bản kê khai là rất lớn. Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm 2017) cho thấy xác minh tài sản, thu nhập chưa thực sự là biện pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Đáng lưu ý, mặc dù đánh giá cao kết quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhưng theo Ủy ban Tư pháp, mô hình tổ chức thiếu ổn định đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các cơ quan này. Năm 2018, xảy ra một số vụ án tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến cán bộ, sỹ quan cao cấp đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan này và đến lòng tin của nhân dân vào công lý.

Nêu dẫn chứng cụ thể, Báo cáo liệt kê hàng loạt vụ việc tiêu biểu, trong đó cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý, khởi tố mới 21 vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, trong đó có các vụ án nghiêm trọng như vụ án nhận hối lộ tại Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội; vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công an tỉnh Cao Bằng... Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra các vụ án do cán bộ trong các cơ quan tư pháp thực hiện như vụ Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát- Bộ Công an) cùng các đồng phạm phạm các tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Đưa hối lộ, Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ Trịnh Thị Huyền, Kiểm sát viên VKSND TP Thái Nguyên phạm tội Nhận hối lộ; vụ Lê Văn Phước, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên phạm tội Tham ô tài sản...

Theo ANH PHƯƠNG/sggp.org.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>