Kịp thời khích lệ, động viên

01/08/2018 | 08:24 GMT+7

Qua thống kê trong 6 tháng đầu năm nay, 70% đối tượng được cấp tỉnh khen thưởng là người trực tiếp lao động sản xuất. Đây được xem là động lực để kịp thời kích thích, động viên phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Khen thưởng nhiều cho người trực tiếp lao động, sản xuất là thực tế chung trong công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh hiện nay.

Phấn khởi vì được… khen thưởng

Người trực tiếp lao động sản xuất được khen thưởng phải có những thành tích tiêu biểu, nổi trội. Điều đó nhằm ghi nhận, khích lệ cho những nỗ lực, sáng tạo, cống hiến của họ. Bởi theo nhiều người trong diện này chia sẻ rằng, họ chỉ cố gắng làm thật tốt công việc, nhiệm vụ chứ chưa từng nghĩ mình sẽ nhận lấy niềm vinh dự lớn lao như thế. Nhưng khi được xướng tên trên bục khen thưởng, khiến tất cả phấn khởi và có thêm động lực, khí thế thi đua…

Vào ngày 19-5 vừa qua, ông Võ Văn Phải, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, phấn khởi đến Đền thờ Bác Hồ ở ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tham dự Lễ báo công dâng Bác và nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Nhiều người biết về ông Phải đều khẳng định lão nông này xứng đáng được phần thưởng cao quý đó. Vì ông hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm có gần 100 thành viên.

Chuyện là vào năm 2013, ông Phải là một trong những người tiên phong ở ấp mang giống mãng cầu xiêm về trồng trên vườn nhà và hơn một năm sau bắt đầu cho trái. Đáng nói là những vụ thu hoạch đầu tiên cho thu nhập khá, nên ông rủ rê thêm người thân, xóm giềng mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng loại cây ăn trái ít bị sâu bệnh này.

Sau đó, ông vận động thành lập câu lạc bộ có tên rất ý nghĩa là Câu lạc bộ làm vườn 19-5 (vì ra mắt đúng vào Ngày sinh nhật Bác), gồm 48 thành viên tham gia. Nhận thấy câu lạc bộ ngày càng phát triển, nên ông mạnh dạn đề xuất nâng lên thành tổ hợp tác vào đầu năm 2016 và chính thức trở thành hợp tác xã vào tháng 4-2017 với số lượng thành viên tăng gấp đôi so với thời điểm ban đầu.

Hiện tại, HTX mãng cầu xiêm do ông Phải làm giám đốc được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động. Đặc biệt là HTX này ký kết hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Tiến Thịnh, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp. Nhờ vậy mà đầu ra ổn định và có giá cao hơn so với thị trường. Trong đó, ông Phải là người trực tiếp đứng ra thu gom sản phẩm giao cho đơn vị thu mua và nhận tiền về chi trả lại cho các thành viên trong HTX…

Được UBND tỉnh tặng bằng khen khiến ông Phải rất phấn khởi. Ông đã cất giữ nó cẩn thận như “của quý” trong nhà. “Bằng khen ấy như một sự cổ vũ, động viên rất lớn về tinh thần, nên bản thân tôi sẽ cố gắng phấn đấu làm tốt hơn nữa trách nhiệm để tiếp tục được… khen thưởng”, ông Phải bộc bạch.

“Chất xúc tác” trong phong trào thi đua

Khi Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, ông Hồ Linh Tá, ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, là một trong số 13 tập thể, 60 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông Tá được khen vì đã học theo Bác đức tính cần cù lao động để vươn lên thoát nghèo.

Từng là nông dân không cục đất... chọi chim và bị cái nghèo đeo bám, vậy mà giờ đây ông Tá đã mua được đất, cất nhà khang trang. Từ chỗ đi làm thuê, làm mướn trước đây thì nay ông thuê khoảng 5 nhân công phụ giúp công việc hàng ngày… “Quả ngọt” ấy đến từ những năm tháng lao động cật lực với nghề cắt lục bình đem phơi khô bán của nông dân này.

Ngày đi nhận bằng khen của UBND tỉnh, ông Tá chưng diện quần áo khá bảnh bao, khác hẳn với những trang phục cũ kỹ, bạc màu hay mặc để làm lụng thường ngày. Ông chia sẻ rằng không phải muốn làm sang, mà vì quá vui mừng khi được nhận bằng khen của UBND tỉnh, nên mới ăn mặc thật chỉn chu để đón nhận niềm vinh dự ấy.

Dù tiền thưởng được nhận không nhiều, nhưng điều ông Tá thấy tâm đắc nhất là ngành chức năng các cấp đã quan tâm khen thưởng đến những người nông dân “chân lấm tay bùn” như ông. Cho nên bản thân ông tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong lao động sản xuất để xứng đáng hơn với phần thưởng đó…

Qua ghi nhận, hầu hết những người trực tiếp lao động sản xuất được khen thưởng đều có chung suy nghĩ như ông Phải, ông Tá. Với họ, sự khen thưởng ấy không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm và cả động lực để hướng tới những thành tích thi đua tốt hơn.

Có thể nói, việc khen thưởng nhiều cho người trực tiếp lao động sản xuất là thực tế chung trong công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh hiện nay và có ý nghĩa như một “chất xúc tác” cho sự lan tỏa của các phong trào thi đua. Nói vậy là bởi từ những trường hợp người nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên… được cấp tỉnh khen thưởng đã góp phần tạo nên phong trào… thi đua sôi nổi trong cộng đồng.

Bởi khi thấy bạn bè, đồng nghiệp, người thân hay xóm giềng được khen thưởng thì những người xung quanh sẽ quyết tâm, nỗ lực thực hiện đạt kết quả cao hơn nhiệm vụ, trách nhiệm để được niềm vinh dự lớn lao ấy. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng, góp phần giúp các phong trào thi đua đi vào chiều sâu.

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, từng nhiều lần chia sẻ: “Tỉnh luôn quan tâm khen thưởng cho những người trực tiếp lao động sản xuất. Bởi có như vậy mới khuyến khích, cổ vũ mọi người cùng nhau thi đua lập nhiều thành tích cao hơn trong học tập, lao động sản xuất…”.

Cấp huyện cũng thế !

Không chỉ riêng cấp tỉnh, cấp huyện cũng quan tâm khen thưởng nhiều cho người trực tiếp lao động sản xuất. Chẳng hạn như ở huyện Châu Thành đã khen cho những đối tượng này với tỷ lệ hơn 70% từ đầu năm tới nay.

Ông Huỳnh Văn Năm, Phó trưởng Phòng Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng huyện Châu Thành, cho biết: “Chủ trương của huyện là quan tâm khen thưởng nhiều cho người trực tiếp lao động sản xuất, chứ không phải cán bộ lãnh đạo. Cũng nhờ vậy mà phong trào thi đua yêu nước ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn”.

 

“Bình quân cả nước khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất khoảng 50%, còn ở Hậu Giang khen đến 70%. Tôi cho đây là cách làm hay, nhằm khuyến khích, cổ vũ phong trào thi đua có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng”, thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, chia sẻ như vậy tại Hội nghị sơ kết giao ước thi đua 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam bộ được tổ chức mới đây.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>